Ma-thi-ơ | Tha Tội & Chữa Lành

Bạn thân mến, nếu ai đó bảo bạn hãy lập một danh sách về điều gì bạn sợ nhất trên đời này, thì bạn sẽ ghi những điều gì trong danh sách đó? Đối với nhiều người trong chúng ta, có thể trong danh sách đó sẽ là sự sợ hãi nếu bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo, hay sợ gặp tai nạn hoặc sợ phải lìa xa một người thân yêu nào của mình hay sợ đối diện với cái chết của chính mình. Con người thông thường sẽ sợ hãi bệnh tật và chết chóc, nhưng điều mà con người lo sợ chỉ là cái chết của xác thịt mà không biết rằng cái chết thuộc linh còn kinh khiếp hơn nhiều. 

Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên chúng ta, Ngài cũng lo ngại về bệnh tật và sự chết của chúng ta nhưng Chúa quan tâm hơn về căn bệnh thuộc linh và sự chết thuộc linh của chúng ta. Vì thế, sứ mạng của Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời đến thế giới này là cứu chúng ta khỏi hai điều này. Khi Đức Chúa Jêsus thi hành chức vụ trên đất thì Ngài đã chữa lành thuộc thể cho nhiều người và khiến người chết sống lại. Nhưng sự chữa lành và sự sống lại thể chất này chỉ là món quà tạm thời vì sớm hay muộn thì tất cả mọi người đều sẽ phải đối diện với cái chết về thể xác nhưng cái tâm linh còn đáng sợ hơn mà con người lại không biết đến. Kinh Thánh sách Ma-thi-ơ 9:1-8 cho chúng ta thấy uy quyền của Đức Chúa Jêsus, Đấng có thể giải cứu con người khỏi cái chết thuộc linh và sự chữa lành thuộc thể.

1 Đức Chúa Jêsus xuống thuyền lại trở qua biển và đến thành mình.
2 Nầy, có người đem lại cho Ngài một người đau bại nằm trên giường. Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của các người đó, thì phán cùng người bại rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.
3 Khi ấy, có một vài thầy thông giáo đều nghĩ thầm rằng: Người nầy nói lộng ngôn.
4 Song Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng mấy thầy đó, thì phán rằng: Nhân sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy?
5 Trong hai lời nầy: Một là nói, tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn?
6 Vả, hầu cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội. Rồi Ngài phán cùng người bại rằng: Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi.
7 Người bại liền dậy mà trở về nhà mình.
8 Đoàn dân thấy phép lạ đó, thì ai nấy đều sợ hãi, và ngợi khen Đức Chúa Trời đã cho người ta được phép tắc dường ấy.

Nguyên nhân của sự chết thuộc linh là bởi tội lỗi như Lời Kinh Thánh trong Rô-ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” Sách Mác và Lu-ca cũng ký thuật về câu chuyện này. Mác cho biết chi tiết hơn là có bốn người khiêng người bại đến cho Chúa và họ phải giở mái nhà, dòng người bại xuống từ trên vì người ta ở trong nhà đông quá không thể vào được (Mác 2:3-4). Ma-thi-ơ rút ngắn câu chuyện này nhằm nhấn mạnh chủ đề thẩm quyền tha tội và thẩm quyền trên bệnh tật của Đức Chúa Jêsus. Điều quan trọng là chúng ta biết được là “Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của các người đó, thì phán cùng người bại rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, tội lỗi con đã được tha.” (câu 2). Đức Chúa Jêsus thấy đức tin của các người đó qua hành động của họ và Ngài đã công bố uy quyền tha tội trên con người dựa trên đức tin của chúng ta nơi Ngài. Đức Chúa Jêsus tuyên bố tha tội trước khi chữa lành không nhất thiết ám chỉ rằng vì tội lỗi mà người này mắc bệnh nhưng cho thấy nhu cầu tâm linh (được tha tội) quan trọng hơn nhu cầu được chữa lành. Đây cũng là dịp để Đức Chúa Jêsus cho thấy Ngài chính là Đức Chúa Trời có quyền tha tội.

Thế nhưng “có một vài thầy thông giáo đều nghĩ thầm rằng: Người nầy nói lộng ngôn” (câu 3). Những chuyên gia kinh luật tự phụ là mình biết Kinh Thánh, nghĩ rằng chỉ Đức Chúa Trời mới có uy quyền tha tội, còn Đức Chúa Jêsus theo mắt họ chỉ là một con người, Ngài đã lộng ngôn với Đức Chúa Trời khi công bố sự tha tội cho người bại này. Khi nói lời ấy tức là họ khước từ Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời. Những thầy thông giáo chỉ nghĩ thầm: “Song Đức Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng mấy thầy đó, thì phán rằng: Nhân sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy? trong hai lời nầy: Một là nói,tội lỗi ngươi đã được tha; hai là nói, ngươi hãy đứng dậy mà đi, thì lời nào dễ nói hơn?” (câu 4-5). Nếu không phải là Đức Chúa Trời, làm thế nào Ngài có thể biết được những suy nghĩ ác ý của những thầy dạy luật kia. Chúng ta cần lưu ý câu hỏi thách thức của Chúa không có nghĩa là “điều nào khó hơn” đối với Chúa nhưng về phương diện con người thì cả hai điều này đều không dễ, nhưng việc ra lệnh cho một người bại đứng dậy mà đi là điều khó hơn vì điều này có thể kiểm chứng tức thời ngay tại chỗ trong khi lời tuyên bố tha tội không ai kiểm chứng được. Ngài nói “tội ngươi được tha” dễ hơn nói “hãy chỗi dậy và bước đi”, vì không ai biết tội có được tha hay không và không ai kiểm chứng được. Chính vì vậy mà các chuyên gia kinh luật cho rằng Chúa nói lộng ngôn. Họ chỉ ác ý tìm cớ buộc tội Chúa.

Vì vậy nên Chúa khẳng định về thần tính của Ngài trong lời tuyên bố: “Hầu cho các ngươi biết Con người ở thế gian có quyền tha tội.” (câu 6). Sự cứu rỗi của Chúa không những tha thứ tội lỗi chúng ta, mà còn làm cho chúng ta chỗi dậy và bước đi. Không phải chỗi dậy và bước đi trước rồi được tha tội; như vậy là bởi việc làm. Nhưng tội lỗi được tha trước rồi mới chỗi dậy và bước đi; đó là bởi ân điển. Chúa làm cho người bại không những bước đi, mà còn có thể vác chõng mình và bước đi. Trước đây cái chõng mang ông; bây giờ ông vác nó. Đó là quyền năng cứu rỗi của Chúa. Những người khác mang người bại này đến với Chúa, nhưng ông tự đi về nhà. Điều này cho thấy không phải tội nhân có thể đến với Chúa, nhưng bởi sự cứu rỗi của Chúa, tội nhân có thể từ Chúa mà bước đi bởi sự cứu rỗi của Ngài. Việc người bại chỗi dậy và đi chứng minh ông đã được chữa lành, và sự việc ông được chữa lành chứng minh tội lỗi ông đã được tha. Đó là bằng cớ mạnh mẽ nói lên Chúa Jêsus có thẩm quyền tha tội lỗi cho con người. Trước phép lạ đó, phản ứng của dân chúng là sợ hãi và ngợi khen Đức Chúa Trời. Họ kinh sợ, thán phục trước năng quyền của Ngài và kết quả tất nhiên là họ ngợi khen Chúa và dâng vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời.

Qua câu chuyện này chứng minh năng quyền của Đức Chúa Jêsus, lời tuyên bố tha tội của Ngài được đặt trên cơ sở vững vàng rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời và bằng chứng là Chúa có thể chữa lành cho người đau bại ngay lập tức. Bạn và tôi đều là tội nhân và bởi thế nên chúng ta đều là những kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời và đã từng khước từ Ngài như những thầy thông giáo kia. Chúng ta sẽ gặt lấy hậu quả của nó là sự chết đời đời trong tâm linh cho đến khi nào chúng ta cảm biết mình đang đối nghịch với Đức Chúa Trời mà hạ lòng, ăn năn đến với Chúa như người bại liệt kia. Thông qua Đức Chúa Jêsus chúng ta nhận được ơn tha thứ từ Đức Chúa Trời, và nhận được sự chữa lành cả thuộc linh lẫn thuộc thể.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Cha từ ái! Con cảm tạ ơn Ngài bởi sự công bố của Đức Chúa Jêsus đã ban sự tha thứ cho linh hồn con và sức khỏe cho thân thể con. Con xin ăn năn tất cả mọi tội lỗi còn giấu kín nào trước mặt Chúa hầu con thực sự được tha thứ và nhận được sự lành mạnh cả đời sống thuộc thể lẫn thuộc linh. Con xin dâng mọi vinh hiển lên cho Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa