Ma-thi-ơ | Đức Tin Kiên Định
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh và quá sức suy tưởng của chúng ta. Vào đầu thế kỷ thứ 6 trước công nguyên (còn gọi là Trước Chúa – TC), Pitago nhà toán học người Hy Lạp (Pythagoras 580-500 TC) là người đầu tiên đưa ra giả thuyết trái đất không có hình dáng dẹt như cái dĩa mà có hình khối cầu, nhưng phải đến thế kỷ thứ 4 TC, nhà bác học người Hy Lạp là A-rit-xtốt (Aristotle 384-322 TC) mới chứng minh được điều đó, khi ông giải thích hiện tượng nguyệt thực xảy ra khi mặt trăng đi vào vùng bóng của trái đất và chính mặt trăng cũng là hình cầu. Bằng cách này Aristotle đã rút ra kết luận: trái đất, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao cũng đều có hình cầu.
Và khoa học ngày nay còn có thể dự báo thời tiết cho chúng ta biết một cách rõ ràng hơn. Chẳng hạn ngày nào có nắng, có giông tố, mưa bão… một cách rất chi tiết và đạt độ chính xác khá cao. Song bên cạnh đó cũng có nhiều điều mà khoa học đã không thể dự đoán trước được ví dụ như là thảm họa động đất mạnh 9 độ richter và sóng thần ngày 11/03/2011 ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn, gây sự cố rò rỉ hạt nhân và khiến hàng nghìn người dân rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Qua đó chúng ta thấy được một điều là con người quá nhỏ bé so với một thiên nhiên rộng lớn, hơn nữa là một vũ trụ mà Chúa đã dựng nên chỉ bởi lời phán của Ngài.
Hôm nay chúng ta cùng suy ngẫm Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 8:23-27.
23 Kế đó, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài.
24 Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Ngài đương ngủ.
25 Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết!
26 Ngài phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ.
27 Những người đó lấy làm lạ, nói rằng: Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?
Trong số mười hai môn đồ đi theo Chúa thì có người làm nghề thu thuế, có người làm chính trị và đặc biệt có những người làm nghề đánh cá. Đối với những người đánh bắt cá trên biển ngày xưa họ rất am hiểu về thời tiết hay khí hậu thay đổi và hướng gió ra sao trước khi họ kéo thuyền ra khơi chài lưới và đánh bắt cá, họ đã từng kinh nghiệm và sống trong những cơn giông bão. Thế nhưng ở đây họ không thể biết trước được đang có một cơn bão lớn đang thình lình xảy ra và uy hiếp sự sống của họ.
Chúng ta có thấy một điều lạ ở đây là tại sao Đức Chúa Jêsus vẫn đang ở cùng họ trên chiếc thuyền đó mà cơn bão lại xảy ra không? Khi chúng ta tiếp nhận Chúa và luôn được nghe rằng tin Chúa sẽ được bình an, được yên tịnh và Chúa luôn bên cạnh gìn giữ trong mỗi bước đi. Vậy thì tại sao các môn đồ có Chúa bên cạnh mà sóng gió vẫn nổi lên?
Chúng ta xem lại phần đầu đoạn 8 này, các môn đồ đã đi theo Chúa và thấy được những dấu kỳ phép lạ, như việc Chúa chữa bệnh phung, bệnh bại, đau rét và nhiều người bị quỷ ám. Chỉ bởi lời phán của Ngài mà ma quỷ phải bị đẩy lui, bởi lời nói của Chúa có thể chữa được hết thảy những người bệnh. Dù các môn đồ đã thấy và kinh nghiệm được Chúa như thế nhưng đến khi gặp thử thách họ vẫn bị lung lay “đức tin”, bởi vì họ nhìn vào hoàn cảnh xảy ra xung quanh hơn là nhìn vào chính Chúa là Đấng luôn giải cứu và ban sự bình an thật cho họ. Khi đó Chúa trách các môn đồ: “Hỡi kẻ ít đức-tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ.” (câu 26). Chúng ta thấy ở đây chỉ với một lời phán của Chúa thôi thì gió và biển phải đều lặng im, sóng gió của cuộc đời bạn cũng chẳng là gì so với Đấng che chở và chăm sóc cho bạn đâu. Chính vì thế chúng ta đừng run sợ mà phải luôn vững niềm tin nơi Chúa dù gặp nghịch cảnh hay là thuận cảnh.
Đức tin của chúng ta trên hành trình bước đi theo Chúa cần phải vững vàng và kiên định. Để được như thế chúng ta cần nuôi dưỡng tâm linh bằng việc đọc, nghe và suy ngẫm Lời Chúa, cũng như tương giao với Ngài. Khi gặp thử thách đừng nên hỏi “tại sao” và “tại sao” vì khi đó chúng ta đang gián tiếp thể hiện thái độ nghi ngờ về sự hiện diện của Chúa trên cuộc đời của mình và biết rằng Chúa không đẹp lòng về điều đó. Trái lại hãy cảm tạ Chúa: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn vẹn.” (Gia-cơ 1:2). Xin Chúa thêm sức cho chúng ta để có thể vượt qua những thử thách, hầu để qua điều đó đức tin của chúng ta được tăng trưởng, được kinh nghiệm Chúa ngày một rõ ràng hơn như Gióp đã từng kinh nghiệm Chúa: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài.” (Gióp 42:5).
Trong hành trình đi theo Chúa của quý vị và tôi, có những lúc sóng gió cuộc đời này nổi lên, đứng trước hoàn cảnh đó chúng ta nương cậy vào đâu? Vào người có quyền lực, có tiền bạc, hay là chính bản thân minh? Đối với những người không tin Chúa, khi họ gặp thử thách, hoặc những áp lực của cuộc sống hay những bão tố trong cuộc đời thì họ luôn lo lắng và sợ hãi, thậm chí họ tìm đến cái chết và kết liễu cuộc đời trong sự ngu dại của mình. Nhưng còn chúng ta là những người đã tin và nhận biết Chúa cho dù có gặp bão tố hay sự khó khăn nào xảy đến thì vẫn luôn có Chúa nâng đỡ khích lệ và là nơi để chúng ta nương náu, ẩn nấp dưới sự gìn giữ của Chúa, quan trọng hơn hết là chúng ta luôn có một sự bình an thật trong mọi hoàn cảnh, vì Ngài là Chúa của sự bình an như lời Chúa đã phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi, ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giăng 14:27).
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Ngài là Cha nhân từ, hay thương xót, làm ơn và chậm nóng giận. Và Ngài là Đấng luôn thành tín đối với cuộc đời của con, con chúc tụng danh Ngài, con ca ngợi danh Ngài Chúa ơi! Nguyện mỗi một ngày trôi qua trên đất này, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh, xin cho con biết trông cậy vào chính Chúa và vâng lời Ngài. Xin cho con luôn biết bước đi một cách khiêm nhường và lấy sự kính sợ Chúa làm vui thích mỗi ngày. Con xin phó thác trọn đời sống của con trong cánh tay Chúa, con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét