Ma-thi-ơ | Theo Chúa Vào Đời

Khi mời ai đó tin Chúa thì người ta thường hỏi: “Theo đạo Tin Lành có bỏ ông bà, tổ tiên, cha mẹ không?” Hay có một số người sẽ thắc mắc: “Theo Đức Chúa Jêsus có phải giống như theo Phật không?” Vì người ta thường hiểu khi theo Phật là phải xuống tóc đi tu, phải rời bỏ nhà cửa, làng quê, phải từ bỏ cả thế giới này để vào chùa, để lên núi sống ẩn dật, để tu tâm dưỡng tính thì mới được thành Phật, thành Tiên.

Chúng ta cùng quay lại với đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 9:10-13 để biết rõ về việc theo Chúa như thế nào hầu qua đó có thể giải đáp những thắc mắc, nghi ngờ của nhiều người Việt Nam trước khi quyết định theo Chúa.

10 Vả, đương khi Đức Chúa Jêsus ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài.
11 Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?
12 Đức Chúa Jêsus nghe điều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh.
13 Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.

Sau khi Ma-thi-ơ đáp lại tiếng gọi theo Đức Chúa Jêsus, trở thành người thuộc về Ngài thì ông đã mở tiệc mừng lớn và mời Đức Chúa Jêsus đến. Trong phần ký thuật của Ma-thi-ơ không cho biết bữa tiệc này tổ chức ở đâu nhưng trong Phúc Âm Lu-ca xác định rõ là ông đãi khách tại nhà mình (Lu-ca 5:29). Tại đây Ma-thi-ơ muốn nhấn mạnh sự kiện Đức Chúa Jêsus đã ngồi đồng bàn với những người bạn của ông là “người thu thuế và kẻ xấu nết”. Khi ấy, người Pha-si-si đặt vấn đề với Chúa rằng: “Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy?” (câu 11). Đối với họ những người này là những người có tội. Họ lên án Chúa vì nếu Ngài thật là Đấng Mê-si-a (tức là “Đấng Cứu Rỗi” phải đến) thì hẳn Ngài không thể nào hạ thấp mình xuống ngang hàng với những hạng người như thế của xã hội, vì làm như thế không thích hợp với địa vị cao trọng của Ngài. Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng của họ, Ngài đã đáp lại một câu rất sắc bén: “Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bệnh.” (câu 12). Những lãnh đạo Do Thái giáo đã hoàn toàn hiểu sai về sứ mạng của Đức Chúa Jêsus. Họ không biết rằng mục đích Ngài đến là để “tìm và cứu kẻ bị hư mất” (Lu-ca 19:10), tức là kêu gọi kẻ có tội nhận biết tội lỗi mình mà ăn năn chứ không phải để cứu những người tự cho mình là công chính. Thực ra chẳng ai là công chính trước mặt Chúa. Những người tự cho mình là công chính thì không thể được cứu, vì bước đầu tiên để theo Đức Chúa Jêsus là nhìn nhận nhu cầu của mình và biết mình không có đủ năng lực để tự cứu lấy mình. Người Pha-ri-si vừa lên án Đức Chúa Jêsus, vừa bộc lộ lòng tự mãn và tự coi mình là công chính nên Chúa đã thách thức với lời được trích trong sách tiên tri Ô-sê 6:6 “Vì ta ưa sự nhân từ mà không ưa của lễ, ưa sự nhìn biết Đức Chúa Trời hơn là ưa của lễ thiêu.” 

Câu trả lời của Đức Chúa Jêsus không chỉ là lời giải đáp cho những kẻ chống đối Ngài ngày xưa mà cũng là sự giải đáp thắc mắc của nhiều người Việt Nam ngày nay. Theo Đức Chúa Jêsus không giống như theo Phật hay các tôn giáo khác, đó là phải làm công đức (tức là dâng của lễ) mới được tiếp nhận vào. Người đó gần như là phải lìa bỏ cuộc đời này, xuống tóc và đi tìm nơi kín đáo để sống ẩn dật, hay suốt ngày giam mình trên núi cao, trong chùa kín cổng then gài để tu thân, tích đức cho mình mong được thoát khỏi nghiệp chướng.

Còn theo Đức Chúa Jêsus là được cất bỏ tội lỗi và từ chối làm những điều liên quan đến việc phạm tội thêm nữa. Theo Đức Chúa Jêsus là loại bỏ những phong tục tập quán truyền thống liên quan đến thế giới tối tăm và sự mê tín, sự chết chóc và đau khổ để trở về với thế giới sáng láng, nơi cội nguồn của sự sống lại và sự sống đời đời thông qua Đức Chúa Jêsus là Đấng đã chết để chuộc tội cho con người, và đã sống lại để đảm bảo sự cứu rỗi, sự sống mà Ngài hứa ban. Người theo Đức Chúa Jêsus là hăng hái vào đời để làm công việc Ngài giao phó là cứu người cũng từng có hoàn cảnh tương tự như mình trước đây.

Ma-thi-ơ đã quyết định bỏ nghề, bỏ sở thu thuế, từ bỏ công danh sự nghiệp chứa đầy tội lỗi và bất công để trọn đời theo Chúa. Nhưng không phải đi tu tích đức, mà đi vào đời. Ông đã làm chứng cho rất nhiều người từng là đồng nghiệp thu thuế với ông, cùng những người bị kể là xấu nết của xã hội để giúp họ ăn năn, trở về cùng Chúa. Ông đã tổ chức ăn uống tại nhà riêng mình, nhưng không phải là bữa tiệc nhậu nhẹt ăn chơi trác táng như trước, mà là cơ hội để những người bạn của mình được tiếp xúc trực tiếp với Đức Chúa Jêsus, để được giải tỏa mọi hoài nghi mà bằng lòng tin và theo Đức Chúa Jêsus.

Quyết định theo Đức Chúa Jêsus “để được cứu rỗi” và sau đó là cùng Ngài đi “vào đời cứu người”. Sứ mạng Đức Chúa Jêsus giao phó cho những người theo Ngài không chỉ hưởng sự cứu rỗi cho chính mình mà là “sứ mạng vào đời” tức là hằng ngày tích cực chia sẻ tin mừng cứu rỗi, để giúp những người đồng lao, đồng bào mình biết đến Chúa như gương mẫu của sứ đồ Ma-thi-ơ. Khi “theo Chúa vào đời” để cứu người chúng ta sẽ bị tiếng vào tiếng ra. Người đời cũng sẽ ghen ghét chúng ta, bởi họ từng ghét Chúa của chúng ta, vì Ngài bày tỏ những việc làm của họ là giả hình, là tội lỗi giấu kín. Chúng ta sẽ cũng giống như Đức Chúa Jêsus cũng từng bị tiếng gièm pha khi có mối liên hệ tiếp xúc với những người có tội trong xã hội. 

Vậy thì bạn quyết định làm việc gì trong hai điều ấy? “Theo Chúa vào đời” để cứu người hay tiếp tục ở trong cái vỏ bao bọc của sự công chính giả tạo của mình? Tôi hy vọng bạn sẽ chọn làm điều đúng đắn.

Cầu nguyện

Cảm tạ Chúa, Ngài đã đến tìm và cứu con, xin giúp con luôn ý thức được sứ mạng của Chúa trên đời sống mình. Để đáp lại ơn giải cứu lớn lao của Ngài con tự nguyện dùng cuộc đời mới với những ngày còn lại trên đất này để hầu việc Chúa, sẵn sàng ra đi, vào đời để làm chứng và giúp nhiều người từng ở trong hoàn cảnh tương tự như con trước đây được biết, tin và theo Chúa như con. Con cầu nguyện nhân danh Cứu Đức Chúa Jêsus. Amen.

Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa