Ma-thi-ơ | Đức Tin Lớn
Trong cuộc sống mỗi ngày chúng ta phải đối diện với nhiều quyết định và mỗi quyết định của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta có độ tin tưởng đối phương như thế nào. Chẳng hạn, đi ra chợ mua một bó rau chúng ta cũng phải quyết định mua của ai, đi một chuyến xe chúng ta cũng phải quyết định nên chọn đi xe nào, uống một ly nước chúng ta cũng phải chọn uống nước gì… những việc nhỏ nhặt ấy là những quyết định nhanh và dễ dàng nhưng cũng có những lúc chúng ta đã phải đau đầu với những quyết định quan trọng, khi đó chúng ta sẽ đưa ra hàng loạt câu hỏi như: “Liệu mình có nên tin tưởng người đó hay không? Liệu người này có thể thực hiện được điều mà mình giao phó cho không?” Việc tin tưởng này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận rủi ro và có thể cũng sẽ khiến chúng ta thất vọng và mất niềm tin nếu như việc người đó làm không được kết quả như mình mong muốn. Vì thế ngày nay người ta có nhiều suy nghĩ đắn đo hơn trong việc có nên tin một ai đó không? Bởi sự nghi ngờ, sự lừa gạt, sự tự mãn, sự độc tôn… khiến lòng tin của con người đối với nhau dường như suy giảm rất nhiều, không những trong xã hội mà thậm chí trong gia đình, anh em, vợ chồng, cha mẹ, con cái… cũng không có thể tin tưởng nhau được. Xin mời xem Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 8:5-13 để thấy một người có quyết định đúng đắn kịp lúc được Đức Chúa Jesus kể là người có ĐỨC TIN LỚN là thế nào?
5 Khi Đức Chúa Jêsus vào thành Ca-bê-na-um, có một thầy đội đến cùng Ngài,
6 mà xin rằng: Lạy Chúa, đứa đầy tớ tôi mắc bịnh bại, nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm.
7 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta sẽ đến, chữa cho nó được lành.
8 Thầy đội thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành.
9 Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: Hãy đi! Thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! Thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! Thì nó làm.
10 Đức Chúa Jêsus nghe lời đó rồi, lấy làm lạ, mà phán cùng những kẻ đi theo rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy.
11 Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng.
12 Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.
13 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng thầy đội rằng: Hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính trong giờ ấy, đứa đầy tớ được lành.
Câu chuyện trong phân đoạn Kinh Thánh trên kể về một viên sĩ quan thuộc quân đội La Mã. So với một người Do Thái bình thường khác thì vị sĩ quan này có thể có nhiều trở ngại khi đến với Chúa. Bởi ông làm việc cho đế quốc cai trị là La Mã, lúc bấy giờ dân Do Thái là đất nước thuộc địa của La Mã nên việc một viên quan cấp cao của quân đội đến với Đức Chúa Jesus, là một người Do Thái, trong cương vị xã hội thì Ngài chỉ là một công dân bình thường như bao người. Ông lại là một người ngoại quốc, khó có thể hiểu về niềm tin và ngôn ngữ của dân Do Thái… Nói chung có nhiều rào cản về quyền thế, ngôn ngữ, giai cấp, chủng tộc… Nhưng vị sĩ quan này đã không để cho các chướng ngại vật ấy ngăn trở ông đến gần Đức Chúa Jesus. Ông có một lời khẩn cầu Ngài: “Lạy Chúa, đứa đầy tớ tôi mắc bịnh bại, nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm.” (câu 6). Từ ngữ nói đến “đứa đầy tớ” ở đây sát nghĩa có ý nói tới một đứa trẻ. Có lẽ đó là đứa con của một tôi tớ ở trong nhà của ông. Trong cương vị là một người lãnh đạo, ông có nhiều trách nhiệm nặng nề, nhưng ông không quên đứa con nhỏ trong nhà đầy tớ mình, là thành phần tôi mọi thấp hèn, và nó đang đau. Ông cảm thông sâu sắc đến bệnh tình khốn khổ của đứa đầy tớ, qua đó cho thấy ông có tình yêu thương đối với người khác, ngay cả là một tôi tớ. Vì người La Mã thường nghiệt ngã với hàng tôi tớ của họ và hàng tôi tớ trong cái nhìn của họ xem như một đồ vật. Đức Chúa Jesus đáp ứng nhanh chóng: “Ta sẽ đến, chữa cho nó được lành.”
Thế nhưng ông lại đáp lại: “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà.” Giống như người phung kia, ông ta đã tỏ ra sự tôn kính và sự hạ mình trước Ngài. Có lẽ vì là một người ngoại quốc, ông sợ làm phiền Chúa, ông không muốn vì việc vào nhà ông mà Ngài bị ô uế về mặt nghi thức luật pháp do vào nhà của người dân ngoại, đặc biệt là người La Mã vốn bị người Do Thái oán ghét vì họ đã áp bức bóc lột. Ông là vị tướng chỉ huy 100 binh sĩ, và ông biết thẩm quyền của mình khi ra lệnh cho tên lính nào thì nó phải lập tức thi hành, và với sự nhận thức về uy quyền của Đức Chúa Jesus, Ngài là “Chúa” thì Ngài có uy quyền vô hạn và vượt đỉnh. Còn ông với uy quyền có hạn, có thể ra lệnh là ý chỉ ông sẽ được thực hiện, vậy thì Đức Chúa Jesus chỉ với một lời thôi sẽ có hiệu năng rất nhiều. Vì thế ông nói: “Xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành.” Ông nhận biết quyền phép của Đức Chúa Jesus không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Ông cũng biết rõ Chúa sẽ chữa lành và ông tin rằng sẽ chữa lành bất cứ ở đâu và bất kỳ thời điểm nào.
Khi thấy được đức tin của viên sĩ quan thể hiện qua câu nói, chính Đức Chúa Jesus cũng “lấy làm lạ mà phán: Ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy!” (câu 10). Yếu tố giúp cho đứa trẻ của người đầy tớ được chữa lành là bởi đức tin của viên sĩ quan, như Lời Chúa phán: “theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính giờ ấy, đứa đầy tớ được lành” (câu 13). Viên sĩ quan trong câu chuyện là người được Chúa khen có đức tin lớn, không phải đức tin thụ động mà là đức tin năng động, thể hiện trong thái độ, lối suy nghĩ và hành động rõ ràng.
Qua đức tin lớn của viên sĩ quan La Mã, Đức Chúa Jesus đã dạy một bài học cho dân Do Thái, họ thường hãnh diện và khoe mình là tuyển dân của Chúa, và nghĩ rằng chỉ mình họ được hưởng Nước Chúa và đặc ân của Ngài. Qua lời tuyên bố trong câu 11-12 rằng: “Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng. Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.” Đức Chúa Jesus cho thấy lời hứa cho những người không phải là Do Thái, tức là nhiều người từ Đông phương, Tây phương, sẽ được dự phần trong bàn tiệc của Chúa. Trong khi đó, người Do Thái là con dân Chúa mà chối bỏ Ngài sẽ bị loại trừ khỏi Nước Chúa, là bị bị liệng ra chốn tối tăm, bởi họ không có đức tin nơi Đức Chúa Jesus.
Với đức tin đơn sơ của viên sĩ quan La Mã nhưng Chúa kể là lớn và khó tìm thấy, vì đức tin của ông đặt trọn vẹn vào Đức Chúa Jesus không nghi ngờ, đức tin không hạn chế năng quyền hành động của Ngài và bởi đức tin ấy chúng ta kinh nghiệm một Đức Chúa Trời toàn năng, toàn tại qua sự chữa lành ngay tức thì sau lời tuyên xưng đức tin của ông.
Là con cái của Chúa, chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng nhưng ít khi chúng ta có thể bày tỏ đức tin nơi Chúa như viên sĩ quan La Mã kia. Đôi khi chúng ta bị ngăn trở bởi giữ sự cứng nhắc trong các tập quán nghi lễ, trong những truyền thống đức tin nên chúng ta ta đã hạn chế năng quyền của Chúa và chỉ trông đợi Đức Chúa Trời hành động trong những khái niệm chủ quan của mình. Qua bài học hôm nay, cũng là sự nhắc nhở bạn và tôi không nên hạn chế Đức Chúa Trời bằng tâm trí cứng nhắc và thiếu đức tin của chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, con thật không xứng đáng được Ngài ban phước vì có đôi khi con không tin cậy hoàn toàn vào sự nhân từ thương xót của Ngài đối với con và mọi người xung quanh con. Xin Chúa tha thứ cho con, và cho con có lòng khiêm nhường, có tình yêu thương người khác để mang họ đến với Chúa qua đức tin thành thật của con đặt nơi Ngài, để họ cũng được chữa lành và được cứu rỗi như con. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Jesus. Amen.
Cảm ơn bạn đã đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét