Gia-cơ | Cầu Nguyện Phải Lẽ
Lời ngỏ
Kính chúc quý vị và các bạn ngày cuối tuần phước hạnh.
Mục sư Martin Luther từng nói về sự cầu nguyện như thế này: “Cầu nguyện không phải là việc thuyết phục tấm lòng không hài lòng của Chúa, mà là việc nắm lấy tấm lòng vui thỏa của Ngài.” Ý ông muốn nói là, khi chúng ta cầu nguyện phải lẽ thì Chúa sẽ nhậm lời. Chúng ta sẽ thấy được điều này được ghi trong Kinh Thánh trong sách Gia-cơ 5:17-18 và học biết làm thế nào để CẦU NGUYỆN PHẢI LẼ với Chúa.
17 Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi.
18 Đoạn người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.
Giải thích
Qua hai câu Kinh Thánh trên Gia-cơ nhắc chúng ta bài học về sự cầu nguyện của tiên tri Ê-li. Kinh thánh bày tỏ tiên tri Ê-li là một trong những vị tiên tri lớn của Chúa. Ông đã cầu nguyện để xin Chúa làm phép lạ không chỉ đơn lẻ trên một cá nhân, nhưng có sự ảnh hưởng rất lớn, trên cả thiên nhiên. Đó là ông đã cầu nguyện xin Chúa đừng mưa trên cả đất nước rộng lớn mà vua A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên cai trị. Bởi vì vua này đã loại bỏ Chúa ra và đưa thần Ba-anh và Át-tạt-tê vào đền thờ và bắt dân chúng thờ thần tượng. Vua A-háp không chỉ bách hại các tiên tri, thầy tế lễ mà tất cả con dân tin theo Chúa. Vua làm đảo lộn niềm tin của dân chúng, thay đổi tấm lòng con người, khiến họ rời xa Chúa. Cho nên khi Ê-li cầu nguyện xin Chúa ngưng mưa và gây sự hạn hán thì Chúa đã thực hiện trong vòng ba năm rưỡi. Sau khi tiên tri Ê-li một mình đối đầu với 430 tiên tri của Ba-anh và ông dâng của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời trước mặt vua và toàn thể dân sự thì tiên tri Ê-li đã cầu nguyện xin Chúa giáng lửa từ trời xuống thiêu toàn thể của lễ, đó là biểu hiện của sự được nhậm lời. Qua đó bày tỏ Đức Chúa Trời mới thật là Chân thần. Chúa không chỉ nhậm lời tiên tri Ê-li giáng lửa từ trời hỏa thiêu của lễ mà ông đã một lần nữa cầu xin Chúa ban mưa trở lại khi thấy lòng dân bằng lòng quay trở lại với Đức Chúa Trời. Và lời cầu nguyện này được nhậm ngay tức khắc, một cơn mưa rất lớn làm đầy mọi sông suối đã khô cằn trong suốt mấy năm qua.
Tiên tri Ê-li là gương tốt cho việc cầu nguyện phải lẽ. Ông đã không thuyết phục tấm lòng không hài lòng của Chúa về tình trạng suy đồi thuộc linh của dân sự Ngài. Trái lại ông sẵn sàng cầu nguyện xin Chúa cảnh cáo dân sự Ngài để họ học được bài học về sự cố chấp thuộc linh sẽ gánh lấy hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Tuy nhiên, Kinh thánh cũng bày tỏ một phương diện khác về sự yếu đuối của tiên tri Ê-li. Điều này chứng thực Kinh Thánh là Lời chân thật của Đức Chúa Trời. Bởi vì Kinh thánh bày tỏ đức tin và sự mạnh mẽ của tôi con Chúa, nhưng cũng không giấu sự sai lầm của họ. Kinh Thánh cho biết tiên tri Ê-li cũng mang thân thể xác thịt và yếu đuối như tất cả chúng ta. Sau khi cầu nguyện được Chúa nhậm lời và chiến thắng vẻ vang trước hàng trăm tiên tri của thần ngoại bang nhưng khi nghe lời dọa nạt của hoàng hậu Giê-sa-bên rằng bà sẽ giết ông thì ông đã sợ hãi, mất tinh thần, sợ mất mạng và đã chạy trốn. Ông chạy bộ từ miền Bắc xuống miền Nam, dù vậy vẫn thấy chưa an tâm, ông chạy đến tận núi Hô-rếp, vượt ra khỏi vùng lãnh thổ nước mình để xin được chết. Cho dù tôi tớ Chúa có lúc yếu đuối thì Đức Chúa Trời cũng không bỏ ông, Ngài đã vực ông dậy và thêm sức cho ông làm trọn sứ mạng mà Chúa đã giao phó.
Tuy trong những sự yếu đuối đó, nhưng chúng ta vẫn có được những bài học sâu sắc về sự cầu nguyện của tiên tri Ê-li. Đó là ông đã thấu hiểu tấm lòng của Chúa trước sự bất tín, bất tuân của vua A-háp và dân Y-sơ-ra-ên, vì họ đã cố tình chọc giận Ngài. Cho nên, khi ông cầu xin thì được Ngài nhậm lời ngay, vì ông đã cầu nguyện đúng theo chương trình của Chúa. Thế giới ngày nay cũng đang đối diện với dịch bệnh, tai ương, đói kém, chiến tranh,… đây là những điều cảnh báo của Chúa, tuy nhiên, Chúa không giận con dân Ngài mãi mãi, nhưng Ngài vẫn ban ơn thương xót và cho chúng ta cơ hội ăn năn. Vì thế, trước hết chúng ta cần sốt sắng tìm kiếm Chúa để biết được ý muốn của Đức Chúa Trời trong lúc hoạn nạn, điều này có thể gọi là sự ‘nhạy cảm thuộc linh’, chúng ta cần học biết ý muốn của Chúa trên đời sống của mình, gia đình, Hội thánh và cho thế giới để rồi mạnh dạn đến với Chúa, thay mặt dân sự ăn năn xin Chúa thương xót và cầu xin Ngài làm trọn chương trình của Ngài. Có những hoạn nạn Chúa cho phép xảy ra trên đất này thì con dân Chúa có thể phải đồng chịu khổ, như tiên tri Ê-li đã bị hăm dọa, bị chống đối, thậm chí kẻ thù muốn lấy đi mạng sống của ông, khiến ông phải bị cách ly khỏi xã hội, nhưng trong lúc ấy Chúa vẫn bảo toàn mạng sống của ông, Chúa sai con quạ mang thức ăn đến cho ông, hay người đàn bà góa có đứa con trai nhỏ nuôi sống ông. Vì vậy, sự cầu xin phải lẽ là cầu nguyện đúng theo ý Chúa và đúng thời điểm Chúa sẽ hành động.
Trong lúc chịu hoạn nạn chúng ta phải chuẩn bị mọi sự về cả thuộc linh, tinh thần và thể chất để sẵn sàng cho mọi tình huống ‘sẵn tiến sẵn thoái, theo ơn Cha sai’ cho đến thời điểm Chúa hành động và làm trọn chương trình của Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Cha kính yêu,
Qua tấm gương về đời sống cầu nguyện của tiên tri Ê-li Chúa dạy chúng con biết được tấm lòng của Đức Chúa Trời đối với chúng con là thế nào và cho chúng con biết cầu xin cách phải lẽ theo ý muốn tốt lành và trọn vẹn của Ngài là thế nào. Xin cho con có sự nhạy bén thuộc linh về chương trình của Ngài và chờ đợi cho đến khi Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài, dù có những lúc cách thức của Chúa khác với sự suy nghĩ và tính toan của chúng con, nhưng xin cho con luôn vâng phục Chúa và phó thác cuộc đời mình trong tay Chúa. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện những lời này trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
TGV
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét