II Phi-e-rơ | Ích Lợi Từ Sự Hiểu Biết

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em yêu dấu trong Chúa,

Thế giới ngày nay đang tiến tới nhiều sự hiểu biết, và người ta tìm mọi cách để trang bị cho mình nhiều kiến thức, thậm chí ngay một đứa trẻ đã buộc phải học biết nhiều điều vượt hơn độ tuổi của chúng. Có sự hiểu biết sâu rộng là điều tốt nhưng những kiến thức đó có ích lợi cho con người hay không thì lại là một việc cần xem xét lại. Hôm nay chúng ta cùng suy ngẫm về ÍCH LỢI TỪ SỰ HIỂU BIẾT dựa trên II Phi-e-rơ 1:2. Sự hiểu biết này là gì? Có phải là sự hiểu biết khôn ngoan về kiến thức hay khả năng lý luận logic hoặc là có sự am tường, có nhiều kinh nghiệm sống hay không? Xin mời quý vị cùng tôi đọc câu Kinh Thánh này.

2 nguyền xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta!

Giải thích

Trong bức thư thứ nhất, sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh đến ân điển của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 5:12), nhưng trong thư này, ông nhấn mạnh đến sự nhận biết Đức Chúa Trời. Chữ nhận biết hay hiểu biết được dùng ít nhất mười ba lần trong lá thư ngắn ngủi này.

“Nguyền xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta!”. Vậy thì có phải ân điển và sự bình an đều do sự hiểu biết, nhận biết Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu chăng? Có phải Cơ Đốc nhân phải lệ thuộc vào tri thức hiểu biết thì mới được bình an và ân điển Chúa chăng? Sự hiểu biết này không phải là là hiểu biết tri thức, hay lý thuyết nào nó là nhưng là một lẽ thật sống động mà Chúa nói đến trong Giăng 17:3 “Vả sự sống đời đời là sự nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cha đã sai đến.” Để hiểu được tường tận hơn sự ‘nhận biết’ này chúng ta cần xem xét nguyên ngữ mà trong thư này đã dùng. Từ ‘hiểu biết tri thức’ Hy văn thường dùng là từ ‘gnosis’ nhưng từ được dùng tại đây là từ ‘epignosis’ với tiếp đầu ngữ là epi có nghĩa là hướng về, có thể hiểu đây là một sự hiểu biết luôn luôn vươn tới, hướng về điều mình muốn tìm biết, sự hiểu biết này có một sự liên tiến, không dừng. Ngoài ra từ ‘epignosis’ còn có một nghĩa nữa, đó là ‘tri thức trọn vẹn’ là sự hiểu biết đầy đủ, toàn diện, sâu sắc chứ không phải là hiểu biết phớt qua. Vì thế khi chúng ta càng hiểu biết về Chúa Giê-xu càng hơn thì ân điển của Đức Chúa Trời và sự bình an mà lòng chúng ta khát khao sẽ càng gia tăng hơn. Tuy nhiên, khi nói rằng ân điển và sự bình an do sự nhận biết Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu mà đến không phải là sứ đồ Phi-e-rơ muốn tri thức hóa tôn giáo, nhưng ông muốn mỗi Cơ Đốc nhân cần phải luôn thắt chặt mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-xu ngày càng hơn. Sự nhận biết này là một mối quan hệ riêng tư, là nhận biết Ngài có đang sống động trong đời sống mình và có mối tương giao mật thiết mỗi ngày càng hơn với Ngài.

Nhiều Cơ Đốc nhân muốn được ân điển và sự bình an dư dật từ Đức Chúa Trời nhưng lại thiếu quan tâm, không nỗ lực trong việc hiểu biết về Ngài, không muốn cố gắng tìm biết Ngài rõ hơn bằng cách học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện. Sự nhận biết Chúa của chúng ta không phải là biết sơ sài, nhưng là một tiến trình liên tục. Trong phần sau của thư tín, sứ đồ Phi-e-rơ đã khuyên “hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ” (II Phi-e-rơ 3:18a). Như vậy, khi chúng ta càng tấn tới trong sự nhận biết Chúa thì càng kinh nghiệm được sự dư dật ân điển của Đức Chúa Trời càng thêm trên đời sống của mình.

Đức Chúa Trời đã tỏ bày chính mình Ngài qua Lời của Ngài, khi chúng ta càng học biết Lời Chúa thì sự hiểu biết về Ngài sẽ càng sâu sắc hơn. Qua Lời Chúa chúng ta hiểu được chương trình và ý muốn của Ngài cho đời sống chúng ta. Có lẽ trong chúng ta không ai là người không muốn nhận được ân điển của Đức Chúa Trời và tình yêu cao sâu mầu nhiệm của Ngài, và còn mong muốn mình luôn được bình an nữa. Vậy làm thế nào để nhận được điều diệu kỳ này? Bí quyết chính là sự hiểu biết về Chúa. Không phải chúng ta chỉ hiểu biết Chúa bằng sự hiểu biết của lý trí nhưng còn là sự nhận biết ý muốn của Chúa và sống theo ý Ngài. Đó là nếp sống yêu thương để chẳng những chúng ta vui thỏa trong ân điển kỳ diệu của Chúa, mà được sự bình an dư dật ở trong Ngài và qua đó nhiều người chung quanh chúng ta còn nhận biết Chúa qua nếp sống của chúng ta nữa.

Cầu nguyện

Lạy Cha yêu dấu!

Cảm tạ Chúa về tình yêu, ân điển và sự bình an dư dật Ngài ban cho chúng con. Chúa ơi, xin cho con mỗi ngày càng nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu Christ một cách sâu sắc hơn, xin cho con có được mối tương giao sống động với Ngài và luôn sống trong sự nhận biết Chúa để càng ngày con càng kinh nghiệm ân điển sâu rộng và tình yêu diệu kỳ của Chúa trên con. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa