I Phi-e-rơ | Học Sự Khiêm Nhường
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em thân mến!
Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên sẽ muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Với bản tính tự nhiên ấy, ai cũng muốn được người đời tôn trọng và kính phục, vì thế người ta luôn tìm cách để vượt hơn người khác, để có cho mình một địa vị, uy quyền, giàu có, tri thức và cả sự tôn trọng nữa. Nhưng là con cái của Đức Chúa Trời, Chúa dạy chúng ta không theo xu hướng của đời này, càng nhận biết Chúa và nhận biết mình thì chúng ta sẽ có được những đức tính của Chúa Giê-xu, mà một trong những đức tính tốt lành của Chúa là sự khiêm nhường. Khiêm nhường không phải là một đức tính dễ dàng có được hay bằng nỗ lực bản thân mà đạt được nhưng cần sự giúp đỡ của Chúa thì chúng ta mới có được. Đây cũng là điều mà sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở con cái Chúa cần phải trau dồi và HỌC SỰ KHIÊM NHƯỜNG. Trong giờ tĩnh nguyện hôm nay chúng ta sẽ cùng suy ngẫm về bài học này dựa trên I Phi-e-rơ 5:5. Ước ao mỗi đời sống con dân Chúa sẽ có được sự khiêm nhường như Chúa muốn.
5 Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
Giải thích
Với bối cảnh của thư tín này, chúng ta biết rằng con cái Chúa đương thời phải chịu nhiều áp lực, họ phải chịu những lời lăng mạ, bị đe dọa, bị khinh chê từ xã hội, vì thế khi phải chịu đựng sự thiệt hại cả về mặt cảm xúc lẫn thể chất có thể khiến cho nhiều Cơ Đốc nhân dễ từ bỏ đức tin hoặc bởi áp lực từ bên ngoài sẽ gây xáo trộn bên trong hội thánh. Nên sứ đồ Phi-e-rơ đã kêu gọi con cái Chúa học sự khiêm nhường bằng sự vâng phục nhau.
Trước hết, tín hữu trẻ tuổi phải vâng phục các trưởng lão, không chỉ kính trọng ‘các trưởng lão’ về tuổi tác của họ, nhưng còn nể trọng về sự trưởng thành thuộc linh của họ. Dĩ nhiên, không phải mọi ‘tín đồ lớn tuổi’ đều là Cơ Đốc nhân trưởng thành, vì quá trình thâm niên trong Hội Thánh không đảm bảo cho phẩm chất của sự từng trải thuộc linh. Mặt khác, ‘các trưởng lão’ ở đây không chỉ là người lớn tuổi nhưng cũng muốn nói đến những người lãnh đạo thuộc linh. Vì vậy để hội thánh không bị xáo trộn do sự tác động từ bên ngoài thì các thánh đồ trước hết cần vâng phục người lãnh đạo thuộc linh của mình. Trong Hội Thánh có nhiều thành phần, đối tượng, cũng có nhiều thế hệ, người lớn tuổi thường hay theo lối mòn truyền thống không chịu thay đổi còn giới trẻ năng động muốn phát huy cái mới nên thường xảy ra sự bất đồng quan điểm và dẫn đến sự tranh chấp, tranh cãi nội bộ trong hội thánh.
Biện pháp giải quyết những sự xung đột này là tất cả con cái Chúa, người già lẫn người trẻ phải vâng phục nhau và tất cả “hãy trang sức bằng sự khiêm nhường”. Chúa Giê-xu đã để lại cho chúng ta gương hạ mình, khiêm nhường bằng sự rửa chân cho các môn đồ như một đầy tớ. Khiêm nhường không phải tự hạ phẩm giá của mình và tự cho mình kém thiếu nhưng đơn giản là không nghĩ về chính mình mà nghĩ đến người khác và xem người khác như tôn trọng hơn mình.
Cách để học sự khiêm nhường là vâng phục lẫn nhau. Để có thể vâng phục nhau thì trước hết cần phải vâng phục Đấng Christ. Chúng ta phải mặc lấy ơn để vâng phục anh em tín hữu khác, nhưng Đức Chúa Trời có thể ban ơn đó cho nếu chúng ta hạ mình xuống trước mặt Ngài. Và Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo vì Ngài ghét tội kiêu ngạo. Bởi kiêu ngạo muốn bằng Chúa mà thiên sứ trưởng đã phạm tội và sa ngã thành quỷ Sa- tan. Chính sự kiêu ngạo của Ê-va vì muốn được giống như Đức Chúa Trời nên đã thúc đẩy Ê-va hái trái cấm. ‘Sự kiêu ngạo của đời’ là bằng chứng của những việc thuộc về thế gian (1 Giăng 2:16). Vì vậy, thuốc giải độc duy nhất có thể chữa trị bệnh kiêu ngạo là ơn của Đức Chúa Trời, và chúng ta nhận ơn đó khi chúng ta đầu phục Đấng Christ. Ơn Chúa ban cho khiến chúng ta biết hạ mình, khiêm nhường, và bằng chứng của sự khiêm nhường bởi ơn của Chúa là chúng ta vâng phục lẫn nhau. Vâng phục nhau là hành động của đức tin chứ không phải là sự nhát hèn. Đó là sự tin cậy và giao thác cho Đức Chúa Trời, Đấng có thẩm quyền trên mọi sự, Ngài sẽ can thiệp và hướng dẫn đời sống chúng ta để thực hiện mục đích tốt lành của Ngài trên chúng ta.
Vì vậy, là con cái Chúa, khi chúng ta hạ mình đầu phục Chúa và cư xử khiêm tốn, khiêm nhường trước người khác là một sự đáp ứng minh chứng cho sự nhận thức Chúa là ai, chúng ta là ai và những gì Ngài đang làm trên đời sống chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Cha từ ái!
Khi sống trong một cộng đồng nhiều người dễ lắm chúng con tự cho mình hơn người khác và thiếu lòng tôn trọng và vâng phục nhau. Xin cho con biết học bài học khiêm nhường hôm nay. Con biết không dễ có được đức tính khiêm nhường bởi sự nỗ lực cố gắng rèn tập của bản thân mình được, vì vậy, xin Chúa ban ơn cho con. Xin cho con biết vâng phục Chúa trước hết thì Ngài sẽ thêm ơn để con có thể cư xử cách khiêm nhường, nhu mì với mọi người, nhất là đối với anh em cùng niềm tin trong Chúa. Con thật cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét