I Phi-e-rơ | Phẩm Chất Của Người Chăn Bầy - Phần 1: Có Kinh Nghiệm Cá Nhân Với Chúa Cứu Thế
Lời ngỏ
Kính thưa quý vị và các bạn,
Theo quý vị và các bạn để trở thành người chăn bầy của một hội thánh, của một ban ngành, của một nhóm nhỏ, hay trong chính gia đình riêng của mình… thì điều quan trọng nếu không phải là người đó có năng lực lãnh đạo, có khả năng ăn nói, có tố chất quản trị thì điều cần trước hết là gì? Trong cương vị là một người lãnh đạo thuộc linh được Chúa Giê-xu kêu gọi và được nhiều người tín nhiệm, sứ đồ Phi-e-rơ đã có những hướng dẫn cho các hội thánh đương thời về phẩm cách cần có của người lãnh đạo thuộc linh để chăn bầy mà Chúa giao phó. Hôm nay chúng ta sẽ cùng suy ngẫm đến điều kiện đầu tiên mà người lãnh đạo thuộc linh cần có, đó là CÓ KINH NGHIỆM CÁ NHÂN VỚI CHÚA CỨU THẾ dựa trên I Phi-e-rơ 5:1. Đây cũng là điều cần trước hết cho người lãnh đạo thuộc linh trong hội thánh và trong gia đình riêng của chúng ta.
1 Tôi gởi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ, và cũng có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra:
Giải thích
Trong câu đầu tiên, sứ đồ Phi-e-rơ nêu rõ là ông viết những lời này là để ‘khuyên nhủ’ các trưởng lão, tức những người lãnh đạo trong Hội Thánh. Chức vụ ‘trưởng lão’ không nói về tuổi tác hay như các trưởng lão trong hội thánh ngày nay, nhưng nói đến người trưởng thành trong chức vụ để làm công tác lãnh đạo thuộc linh. Các Hội Thánh trong thế kỷ thứ nhất được tổ chức rất đơn sơ, chỉ dưới sự lãnh đạo của các trưởng lão và chấp sự (1 Ti-mô-thê 3:1-14). Trong thời kỳ này, trưởng lão lo chăm sóc về phần thuộc linh, còn chấp sự hỗ trợ trưởng lão để lo về phần tổ chức của hội thánh. Đối với chức vụ ‘trưởng lão’, thì cần phải được bầu chọn, rồi sau đó được chứng thực chức vụ bằng cách đặt tay cầu nguyện, như việc phong chức mục sư ngày nay (Công vụ 14:23). Khi nói đến từ ‘trưởng lão’ và từ ‘giám mục’ là nói đến cùng một chức vụ của người chăn bầy. Chữ ‘giám mục’ thường được hiểu là ‘người coi sóc’ còn từ ‘trưởng lão’ là nói đến sự trưởng thành trong chức vụ. Ngày nay từ ‘mục sư’ có nghĩa là ‘người chăn bầy’, cũng là một danh xưng khác tương đương với chức vụ giám mục và trưởng lão của hội thánh đầu tiên (Ê-phê-sô 4:11).
Trong lời khuyên này Phi-e-rơ không tự giới thiệu ông là vị sứ đồ hay nhà lãnh đạo thuộc linh tài ba, nhưng ông chỉ là một trưởng lão như bao nhiêu vị trưởng lão khác. Tuy nhiên, ông đề cập đến việc cá nhân ông đã có những trải nghiệm thực với Chúa Giê-xu và ông đã chứng kiến sự thương khó và cả những vinh hiển của Ngài. Ông như là một chứng nhân nói lại những gì đã nghe và thấy. Ông biết Chúa Giê-xu Christ mặt đối mặt, ông và các sứ đồ khác đã nghe Chúa Giê-xu giảng và ông chứng thực rằng Chúa Giê-xu là thật, Ngài chính là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Điều quan trọng hơn hết trong kinh nghiệm cá nhân của Phi-e-rơ đối với Đấng Christ là ông đã chứng kiến toàn bộ hành trình thương khó của Chúa Cứu Thế. Từ trong những ngày cùng với Chúa Giê-xu đi khắp các làng, các thành để rao giảng về Nước Đức Chúa Trời, rồi từ khi những lãnh đạo Do Thái giáo đương thời tìm cách bắt Ngài, vu khống Ngài, cho đến đêm cuối cùng Ngài đã chiến đấu trong sự cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài bị bắt, bị vu cáo, bị chứng gian, bị hạch hỏi, bị đánh đập, rồi bị treo trên thập hình tại đồi Gô-gô-tha. Không những thế ông cũng đã được chứng kiến trước về sự ‘vinh hiển’ Chúa Giê-xu tại núi hóa hình khi Ngài gặp gỡ Môi-se và Ê-li tại đó, điều này cũng là sự chắc chắn trong tương lai tất cả những người tin Chúa cũng sẽ được chứng kiến ‘phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra’.
Ngày nay, nếu bạn đang hoặc sẽ là người chăn bầy của Chúa, dù là bầy lớn hay nhỏ, bạn cần kiểm định lại đời sống thuộc linh của mình, xem chính mình đã có sự trải nghiệm, có sự gặp gỡ riêng tư với Chúa Giê-xu Christ chưa? Sự trải nghiệm này không phải là kinh nghiệm tôn giáo, không chỉ dựa trên sự am hiểu lễ nghi của giáo hội hay là trên niềm tin của một người nào khác, hoặc chỉ là những điều thuộc về giáo điều, sách vở… vì những kinh nghiệm ấy không đủ để bạn được cứu huống hồ chi là một người lãnh đạo thuộc linh cho người khác. Nếu là người chăn bầy cho Chúa Giê-xu thì trước hết bạn phải nhận thức cuộc đời mình cần Chúa Giê-xu, có sự xưng nhận niềm tin nơi Chúa, kinh nghiệm được sự tha thứ của Chúa và để lời Chúa hướng dẫn mọi hoạt động của đời sống mình. Vì người chăn bầy chắc chắn sẽ phải đối diện với sự thử thách, hoạn nạn nên nếu không có kinh nghiệm thuộc linh với Chúa thì khó có thể vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh trong chức vụ. Khi có kinh nghiệm và đồng chịu khổ với Chúa Giê-xu thì chúng ta sẽ luôn nhớ rằng chính Chúa Giê-xu đã chịu khổ vì mình, từ đó Ngài sẽ thêm sức để chúng ta có thể tiếp tục trung tín trong chức vụ mà Chúa đã giao phó. Sau khi chịu khổ vì Chúa thì chắc chắn sẽ đến vinh quang, người chăn bầy cũng được khích lệ về vinh quang hầu đến mà mình sẽ được dự phần ở trong Chúa Cứu Thế, đó cũng chính là động lực để chúng ta tiếp tục tận hiến cho Đức Chúa Trời.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa vì Ngài đã yêu thương và chọn lựa chúng con trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa Chúa cũng đã chọn và lập chúng con là những người lãnh đạo thuộc linh trong hội thánh, trong nhóm nhỏ và ngay cả trong gia đình chúng con nữa. Xin cho mỗi người trong chúng con có những trải nghiệm thực sự gặp gỡ Chúa, và mỗi ngày luôn vun đắp mối tương giao sống động lớn lên trong Chúa Giê-xu hầu có thể chia sẻ những điều tươi mới mà con đã nhận được từ nơi Ngài cho bầy của mình. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét