Gia-cơ | Cầu Nguyện Với Đức Tin
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Giê-xu! Có một gia đình kia mới cài đặt cái điện thoại bàn ở nhà mình. Vào ban ngày thì điện thoại kết nối rất tốt, nhưng cứ đến ban đêm thì lại không thể sử dụng được, và hiện tượng này cứ liên tục xảy ra nên người chủ nhà gọi công ty điện thoại đến để kiểm tra và tìm chỗ hỏng hóc để sửa chữa. Phải một hồi lâu người thợ mới tìm ra nguyên nhân là do lỗi kết nối, đây cũng là điều bất ngờ đến nỗi người thợ điện cũng chưa bao giờ gặp. Do đầu nối đường truyền bị rời ra một khoảng cực nhỏ, ban ngày nhiệt độ cao hơn ban đêm nên 2 dây đầu nối giãn ra và khoảng cực nhỏ ấy được nối lại, nên máy điện thoại có thể dùng được, còn ban đêm, nhiệt độ giảm xuống nên khoảng cực nhỏ ấy bị tách rời ra khiến máy điện thoại không thể sử dụng được. Điều này liên tưởng đến sự cầu nguyện của Cơ Đốc nhân, để lời cầu nguyện có thể kết nối được với Đức Chúa Trời thì điểm tiếp xúc cần thiết đó là đức tin. Đây cũng là điều mà Gia-cơ 1:6-8 nhắc nhở chúng ta hầu cho mỗi chúng ta cần CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC TIN chứ không phải chỉ cầu nguyện theo thói quen hay cầu nguyện cho có mà đức tin không đặt để trong lời cầu nguyện của mình. Đức tin là điểm tiếp xúc cần thiết để lời cầu nguyện được nhậm.
6 Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.
7 Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa:
8 ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định.
Giải thích
Cầu nguyện được ví như hơi thở thuộc linh, là điều không thể thiếu trong đời sống của Cơ Đốc nhân. Con cái Chúa đều biết rằng cầu nguyện là điều thiết yếu trong đời sống và cầu nguyện có ý nghĩa như thế nào trong hành trình theo Chúa nhưng dường như trong thực tế thì khác. Không phải lúc nào sự cầu nguyện của chúng ta đều được ngọt ngào, tươi mới, đôi khi cầu nguyện chỉ chiếu lệ, như một sinh hoạt tôn giáo chứ chưa đúng tinh thần như lời Chúa dạy, nên chúng ta không thấy lời cầu nguyện của mình được hiệu nghiệm. Một trong những nguyên nhân khiến sự cầu nguyện của chúng ta không được Chúa trả lời là vì chúng ta không cầu nguyện với đức tin.
Trong phần Kinh Thánh này Gia-cơ đang nói đến việc cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan để đối ứng với những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Ở đây không chỉ nói đến điều cần cầu xin là sự khôn ngoan mà còn nói đến cách cầu xin nữa. Chúng ta phải cầu nguyện với đức tin. Để có đức tin, chúng ta cần biết Chúa, biết ý muốn và chương trình của Ngài. Khôn ngoan có nghĩa là cần hỏi Chúa muốn làm gì trong hoàn cảnh chúng ta đối diện, đừng dại dột đòi Chúa thực hiện những điều phi thường để thỏa mãn ý riêng của mình. Chúng ta cần biết rõ ràng đâu là thẩm quyền Chúa cho mình để làm thành ý muốn của Ngài. Khi đã biết rõ những điều trên, chúng ta có thể mạnh dạn cầu nguyện với lòng tin chắc, không lay động theo hoàn cảnh.
Người không cầu nguyện với đức tin thì sẽ “hay nghi ngờ” mà người như thế Kinh Thánh nói là “giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó”. Người hay dao động thì có thể ban đầu cầu nguyện sẽ nói “vâng” với Chúa nhưng khi bước đi thì sẽ dễ dàng thay đổi theo hoàn cảnh rồi nói “không” với Ngài. Câu chuyện về sứ đồ Phi-e-rơ, khi ông thấy Chúa Giê-xu bước đi trên mặt biển thì ông cũng có được đức tin Chúa ban để có thể bước trên mặt biển mà đến với Chúa, nhưng khi ông thấy sóng biển nổi lên thì bởi sự nghi ngờ mà ông đã bị nhận chìm giữa những đợt sóng biển (Ma-thi-ơ 14:22-33). Chúng ta thấy, Phi-e-rơ khởi sự bước đi bằng đức tin, mắt ông nhìn xem Chúa mà bước đi nhưng khi gặp sóng gió, Phi-e-rơ không tiếp tục bước đi bằng đức tin nên mới bị sóng nhấn chìm. Chúa đã giơ tay ra đỡ ông và Ngài đã hỏi Phi-e-rơ: “Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?” Sự dao động, nghi ngờ trong khi cầu nguyện thì sẽ không “lãnh được vật chi từ nơi Chúa”.
Câu 8 kết luận rằng: “ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định.” Người phân tâm là người có hai lòng, và bị lôi cuốn theo hai hướng trái ngược nhau, lòng trung thành của người đó bị chia ra, bị dao động giữa tin và không tin, người như thế thì làm việc gì cũng thiếu kiên nhẫn, thiếu kiên định, không chỉ trong nếp sống cầu nguyện mà trong mọi sinh hoạt của đời sống. Thật vậy, tinh thần bất định và tư tưởng thiếu khôn ngoan luôn đồng hành với nhau. Khi chúng ta có lòng tin kiên định, cầu nguyện bởi đức tin, Chúa sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan cần thiết để sống, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách.
Bạn thân mến, bạn đang cầu xin Chúa điều gì và bạn có nhận được điều mình cầu xin không? Nếu chưa nhận được thì hãy đặt đức tin trọn vẹn nơi Ngài, đừng nghi ngờ, đừng sợ hãi, vì chính Đức Chúa Trời rất mong đáp lời chúng ta và sẵn sàng ban cho chúng ta cách dư dật.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu! Xin tha thứ cho chúng con vì chúng con dù có cầu nguyện với Chúa nhưng sau đó đã tự mình giải quyết vấn đế và làm theo ý mình cho là phải trong những hoàn cảnh khó khăn mà con đối diện. Cảm tạ Chúa vì lời Ngài giúp chúng con hiểu được sức mạnh của đức tin trong sự cầu nguyện. Xin ban cho chúng con có đức tin mạnh mẽ để cầu xin với Ngài, trong lúc chờ đợi Chúa đáp lời thì đừng để chúng con day động và phân tâm mà cứ toàn tâm toàn ý chờ đợi Chúa với lòng vâng phục Ngài trọn vẹn. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét