Gia-cơ | Sự Khôn Ngoan Đến Từ Đâu?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Thân mến chào quý vị và các bạn trong tình yêu của Chúa Giê-xu. Đã là con người bất luận nam hay nữ, giàu hay nghèo thì ai cũng muốn mình được kể là người khôn ngoan. Vì thế người ta đã cất công học hỏi, tìm kiếm sự khôn ngoan. Có một người tên Gióp, là người giàu có, gia đình sung túc, nhưng rồi ông đã mất tất cả, các con ông đều chết, ông phải sống trong cảnh bệnh tật nan y, thế mà còn bị vợ lên án, bị bầu bạn chỉ trích… trong lúc cùng cực ấy ông đã hỏi: SỰ KHÔN NGOAN ĐẾN TỪ ĐÂU? Sự thông sáng ở tại nơi nào? (Gióp 28:20). Và ông khám phá ra là dù tài giỏi đến đâu, giàu có cỡ nào, dầu ở trong đại dương mênh mông hay dưới đáy biển sâu thẳm thì con người với tri thức hữu hạn không thể tìm ra sự khôn ngoan từ trong trần gian này. Tuy nhiên, trong sách Gia-cơ 1:5 đã cho chúng ta một câu trả lời rất rõ ràng, xin mời quý vị và các bạn cùng tôi đọc câu Kinh Thánh này.
5 Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.
Giải thích
Ông Gióp sau nhiều ngày tháng tranh chiến với sự đau đớn của bệnh tật, sự mất mát cả vật chất lẫn tinh thần thì ông đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: sự khôn ngoan đến từ đâu? Lời đáp đó là “kính sợ Chúa, ấy là sự khôn ngoan” (Gióp 28:28), cuối cùng ông đã tìm thấy nguồn cội của sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời.
Từ xưa đến nay, ai cũng biết vua Sa-lô-môn nổi tiếng là người khôn ngoan. Khi lên ngôi vua, việc đầu tiên ông làm là dâng của lễ cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Chúa đã hiện ra hỏi ông: “Ngươi muốn xin gì?” Ông thưa : “Xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để đoán xét dân sự Ngài và phân biệt điều lành điều dữ; vì ai có thể đoán xét dân rất lớn này của Chúa? (I Các Vua 3:9). Và Đức Chúa Trời đã ban cho ông để quản trị quốc gia. Tuy nhiên, vua Sa-lô-môn có sự khôn ngoan nhưng ông chỉ dùng để xét xử dân Ngài, dù thông minh, khôn ngoan không ai bằng, nhưng ông không dùng sự khôn ngoan để sống đẹp ý Chúa nên dẫn đến cuối cuộc đời mình, vua Sa-lô-môn đã phạm tội thờ hình tượng và nước ông bị chia đôi. Vì thế, sự khôn ngoan mà Sa-lô-môn có được mới chỉ là sự khôn ngoan tri thức, là sự nhạy bén trong cách cư xử và nhận biết trong cuộc sống.
Thật ra, con người có thể thấy một chút ít về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong việc Ngài đã thiết lập và vận hành vũ trụ, thiên nhiên một cách có trật tự, quy cũ. Khi con người càng học hỏi về vũ trụ, nghiên cứu về khoa học tự nhiên, thì có thể hiểu biết chút ít được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Nhưng điều mà Gia-cơ 1:5 nói đến thì sự “khôn ngoan” ở đây mang một ý nghĩa rất đặc biệt, khôn ngoan này không phải nói về trí thông minh hay tri thức nhưng nói đến sự khôn ngoan để nhận biết Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài. Đây là sự khôn ngoan mà Đức Chúa Trời sẵn sàng chia sẻ và ban cho chúng ta.
Như điều Gia-cơ khuyên chúng ta: “Nếu trong anh chị em có ai thiếu kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì sẽ được Ngài cho.” Gia-cơ đang nói câu này trong bối cảnh chung về chủ đề mà ông đã đề cập trước đó về sự thử thách. Khi một Cơ Đốc nhân trải qua sự thử thách với thái độ tích cực và vui mừng thì sẽ sinh ra kết quả là sự kiên nhẫn và nhịn nhục. Và điều ông nói tiếp theo, nếu có ai thấy rằng mình thiếu khôn ngoan, không biết phải cư xử thế nào trong sự thử thách thì hãy cầu xin Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban cho sự khôn ngoan để đương đầu với thử thách. Sự khôn ngoan ở đây chính là sự hiểu biết được mục đích của sự thử thách để có thể sống vượt lên trên những thử thách đó. Để biết cách ứng phó và vượt qua được những khó khăn, thử thách trong cuộc sống thì con dân Chúa có một cách là cầu xin Chúa cho mình có sự khôn ngoan. Đức Chúa Trời là nguồn cội của sự khôn ngoan, và chúng ta có thể thấy được hai đặc tính của Ngài là “Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai.”
Đức Chúa Trời là Đấng rộng rãi ban cho. Rộng rãi ban cho là nói đến cách cho và của cho. Cách cho rộng rãi là ban cho mà không hề tiếc nuối và cho điều tốt nhất mình có. Rõ ràng là Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Con Độc Sinh của Ngài là Chúa Giê-xu và không tiếc mạng báu của Ngài mà hy sinh làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Không những thế, những điều Chúa ban cho chúng ta nhiều vô kể, không thể nói hết được (II Cô 9:15). Ngoài ra, đặc tính ban cho của Chúa là “không trách móc ai” nghĩa là không phiền lòng về điều chúng ta cầu xin để được sự khôn ngoan.
Vậy thì, thay vì cầu xin Chúa những điều mà chúng ta thường mong muốn trong cuộc sống như về nhu cầu vật chất, công việc, sự thành công… thì chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho sự khôn ngoan, còn điều gì tốt lành hơn nữa khi chúng ta có sự khôn ngoan của Chúa để nhận biết Chúa và sống theo mục đích Ngài đã định cho chúng ta. Từ hôm nay, bạn hãy cầu xin Chúa ban cho mình có sự khôn ngoan này nhé!
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu! Con cảm tạ ơn Chúa vì chỉ ở trong Chúa và từ nơi Ngài mà chúng con có được sự khôn ngoan, đây là điều quý báu được giấu kín nhưng Ngài sẵn sàng ban cho chúng con khi chúng con biết cầu xin Ngài. Xin cho con luôn kính sợ Chúa, tìm cầu sự khôn ngoan của Chúa mỗi ngày để con có thể vượt qua những thử thách trong cuộc sống, tránh khỏi mọi điều ác và bước đi trong ý muốn tốt lành của Chúa. Con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. A-men.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét