Gia-cơ | Lá Thư Cho Những Người Lưu Vong

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Thân mến chào quý anh chị em trong tình yêu và ân điển của Chúa,

Thời đại ngày nay có lẽ viết thư tay cho nhau là điều rất hiếm hoi, khi mà các phương tiện truyền thông phát triển và mọi người ở xa đều có thể liên lạc với nhau qua các trang mạng xã hội và các ứng dụng truyền thông để trao đổi và tiếp nhận các thông tin. Tuy nhiên, với bối cảnh của thế kỷ thứ nhất thì việc viết thư là điều thông dụng, người ta thường dùng thư từ để có thể gửi thông tin liên lạc với nhau. Lúc bấy giờ người ta chưa có giấy và mực in như ngày nay, nên muốn viết thư thì phải viết trên một loại giấy làm bằng cỏ sậy, gọi là pa-pa-rus [đọc pa-pa-rớts], loại giấy này có kích thước lớn nên thông thường một bức thư phải chứa đựng trong vài cuộn giấy. Các sứ đồ ngày xưa thường viết thư thăm hỏi các hội thánh và trong đó còn chứa đựng những lời hướng dẫn thuộc linh với những lẽ đạo niềm tin giúp cho tín hữu học biết Chúa Giê-xu và trưởng thành trong đức tin. Hôm nay chúng ta sẽ học và tìm hiểu thư Gia-cơ, đây là một LÁ THƯ CHO NHỮNG NGƯỜI LƯU VONG. Chúng ta sẽ cùng xem câu đầu tiên của thư tín này.

1 Gia-cơ, tôi tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ,

đạt cho mười hai chi phái ở tan lạc, chúc bình an!

Giải thích

Khi xem một thư tín nào thì điều tối thiểu chúng ta cần xác định là phải xem tác giả và người nhận thư là ai. Với câu đầu tiên chào thăm ngắn gọn của thư tín này thì chúng ta đã biết tác giả và người nhận thư rồi. Tuy nhiên, để biết được chính xác tên gọi mà người viết tự xưng mình là Gia-cơ thì cần phải xác định rõ hơn. Gia-cơ là tên rất phổ thông và có nhiều người cùng mang tên này. Có ít nhất bốn người tên Gia-cơ trong thời ấy.

1/ Gia-cơ, con trai Xê-bê-đê, tức anh của Giăng (Ma-thi-ơ 4:24), ông là một trong 12 môn đồ của Chúa Giê-xu. Với tên này, ông là người nổi bật vì thường được nhắc đến chung với Phi-e-rơ và Giăng và là một trong ba môn đồ thân tín của Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, Gia-cơ là sứ đồ đầu tiên tử đạo vì Danh Chúa khi bị vua Hê-rốt giết vào năm 44 S.C (Công vụ 12:1-2) nên Gia-cơ sứ đồ không thể là người viết thư tín này.

2/ Gia-cơ, con A-phê, cũng là một trong 12 môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 10:3) nhưng rất ít người biết ông và tên ông cũng không được nhắc đến ngoài Mác 15:40 gọi ông là “Gia-cơ nhỏ”, chữ “nhỏ” có thể là nói về độ tuổi so với Gia-cơ anh của Giăng là người lớn tuổi hơn. Các sách khác không có chi tiết nào cho thấy Gia-cơ này là tác giả thư tín chúng ta đang học.

3/ Gia-cơ, cha của môn đồ Giu-đe (Lu-ca 6:16) hầu như ít ai biết ông và chỉ được nhắc đến một lần nữa trong Công vụ 1:13.

4/ Gia-cơ, em của Chúa Giê-xu người được các giáo phụ công nhận là tác giả của thư tín này. Theo Mác 6:3 cho biết, Chúa Giê-xu có ít nhất bốn người em trai là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn và Giu-đe. Gia-cơ và các em của Chúa Giê-xu không tin Chúa trong thời gian Ngài thi hành chức vụ trên đất (Giăng 7:1-5) nhưng khi Chúa sống lại thì họ đã gặp Chúa và tin Ngài. Họ đã cùng với các môn đồ cầu nguyện cách bền lòng tại Phòng Cao sau khi Chúa thăng thiên (Công vụ 1:14). Đặc biệt, Gia-cơ em Chúa Giê-xu là nhà lãnh đạo đầy ơn trong hội thánh đầu tiên, ông chủ trì và người có quyết định sau cùng trong giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 15:13). Vì vậy, có thể kết luận, Gia-cơ – em của Chúa Giê-xu về phần xác, là một trong những lãnh đạo hội thánh đầu tiên và cũng là người viết thư tín này.

Mặc dù trong thư này Gia-cơ không xưng mình là anh em của Chúa, nhưng ông khiêm nhường nhận mình là “tôi tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu Christ”. Từ “tôi tớ” với bối cảnh của thời kỳ đó có nghĩa là nô lệ, là người thuộc quyền sở hữu của chủ, kể như là tài sản của chủ, và người chủ có toàn quyền sử dụng. Về phương diện xác thịt thì Gia-cơ có mối liên hệ là anh em của Chúa nhưng ông không xem điều đó là quan trọng, mà ông tự coi mình là tôi tớ, là nô lệ của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu Christ, ông kể mình hoàn toàn thuộc về Chúa và sẵn sàng phục vụ Ngài.

Những người nhận bức thư này là “mười hai chi phái ở tan lạc”. Khi nói đến 12 chi phái thì thường được hiểu là 12 chi tộc Do Thái có từ thời Cựu Ước. Tuy nhiên, khi nói 12 chi phái tan lạc này Gia-cơ không phải chỉ về tất cả những người Do Thái lưu lạc khắp nơi mà chỉ về những người Y-sơ-ra-ên đã tin Chúa Giê-xu (2:1). Từ “tan lạc” còn được hiểu là “lưu vong” theo tiếng Hy Lạp, từ này mang ý nghĩa “hạt giống bị vương vãi”. Khi các Cơ Đốc nhân Do Thái bị tan lạc trong làn sóng bách hại đầu tiên vào thế kỷ thứ nhất thì Chúa cho phép Tin Lành được gieo giống ra khắp nơi.

Qua lời chào và lời giới thiệu của thư tín này cho chúng ta ít nhất hai bài học sau:

1/ Một người khi xuất thân từ một gia đình tin Chúa thì không đảm bảo là người đó trở thành con cái Chúa, nhưng quan trọng là người ấy phải thực sự gặp gỡ Chúa Giê-xu, kinh nghiệm được tình yêu và tin Chúa Giê-xu thì mới được kể là con cái của Chúa. Bạn có kinh nghiệm gặp gỡ và tin Chúa Giê-xu chưa?

2/ Có nhiều người Việt Nam vì cuộc sống mưu sinh hay vì những lý do khác mà phải rời xa quê hương, lưu lạc khắp nơi trên thế giới. Đây là một điều đáng buồn nhưng không phải là sự vô vọng, có thể nói đây là cơ hội để những người lưu vong nơi viễn xứ được nhận Tin Lành của Chúa và trở thành những hạt giống Tin Lành đầu tiên mang Phúc Âm của Chúa về cho gia đình và quê hương của mình. Bạn có phải là hạt giống Tin Lành đầu tiên trong gia đình và cho quê hương mình không? Hãy là hạt giống kết nhiều quả cho Chúa.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa! Cảm tạ Ngài đã yêu thương và lựa chọn con, cho con được gặp gỡ và kinh nghiệm tình yêu của Ngài. Có những lúc Chúa cho phép hoạn nạn xảy đến đời sống con, xin cho con nhận biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích lợi cho người tin kính Chúa, xin giúp con nhận biết rằng Ngài có mục đích tốt đẹp trong những nan đề con đối diện. Chúa ơi, xin giúp con biết đáp ứng trước những khó khăn thử thách trong đời sống để danh Chúa được tôn cao và niềm tin của con được tăng trưởng. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa,
tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc góp ý kiến cho chương trình xin liên lạc với Ban Biên Tập.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa