Truyền Đạo | Sư Hư Không Của Cuộc Đời
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Kính chào quý anh chị em yêu mến,
Bạn có biết vua Sa-lô-môn không? Ông làm vua và cai trị xứ Do Thái khoảng năm 970-931 trước Công Nguyên và nổi tiếng là một người khôn ngoan. Kinh Thánh thuật lại những câu chuyện về việc xử đoán dân sự hết sức có tình, có lý của ông. Thời kỳ ông cai trị tại xứ Do Thái là thời kỳ hưng thịnh nhất của đất nước này. Sa-lô-môn có đến 700 người vợ và 300 cung phi. Có thể nói ông là một người đã hưởng hết tất cả những gì mà người trần gian gọi là sung sướng, hạnh phúc. Thế nhưng ở cuối cuộc đời, ông đã viết một sách ngắn ,gọi là Truyền Đạo, sách được xếp thành 12 chương, trong đó có 222 câu bàn luận về một chủ đề chính là SỰ HƯ KHÔNG CỦA CUỘC ĐỜI. Sự hư không của đời người được hiểu như thế nào dưới cái nhìn của Sa-lô-môn?
Sách Truyền Đạo mà vua Sa-lô-môn viết bắt đầu bằng những lời như thế này:
Lời của người truyền đạo, con trai của Đa-vít, vua tại Giê-ru-sa-lem. Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, Hư không của sự hư không! Tất cả đều hư không.
[Truyền Đạo 1:1-2, BTTHĐ]
Giải thích
Chữ “hư không” tiếng Hê-bơ-rơ là “hebel” được dùng đến 37 lần trong sách Truyền Đạo và được xem như là câu chìa khóa của sách. Chữ này có nghĩa là hơi thở, hay làn gió nhẹ, để chỉ những gì nhanh chóng qua đi và tiêu tan, không để lại một kết quả hoặc chỉ để lại một cái gì đó không đáng kể. Chính vì thế khái niệm “hư không” này thường dùng để chỉ đặc tính của những thần tượng, hoàn toàn khác với một Thiên Chúa hằng sống, tồn tại vĩnh cửu và toàn năng.
Con người là tác phẩm cuối cùng trong sự sáng tạo của Thiên Chúa cũng cùng chịu số phận như vậy. Là bụi đất, con người sẽ trở về với bụi đất. Những cố gắng tìm phương cách để cải tử hoàn đồng, kéo dài cuộc đời ra thêm đôi chút không giúp gì được bao nhiêu. Con người sinh ra là để đi một hành trình tới cái chết! Chỉ bàn về khía cạnh ngắn ngủi của đời sống qua hai câu Kinh Thánh này, chúng ta đã thấy thật tất cả đều là phù vân, hư ảo. Từ “hebel” này cũng là tên của A-bên (Sáng Thế Ký 4:2) và cuộc đời của A-bên ngắn ngủi như ý nghĩa cái tên của ông vậy.
Cho dù ngắn ngủi phù vân như thế, nhưng con người vẫn phải lao nhọc vì những trách nhiệm của cuộc sống. Có thành công trên đời đến đâu rồi một ngày kia chúng ta cũng sẽ để lại tất cả, không mang theo được gì. Người trí thức, giàu sang, địa vị, quyền thế cũng như người ít học, nghèo khó, chẳng thân thế, địa vị…, tất cả đều đi đến một cuối cùng giống như nhau, đó là cái chết.
Con người luôn khắc khoải về thân phận phù du của mình và có lẽ là tạo vật độc nhất biết đặt câu hỏi tại sao và tìm phương cách thoát ra, dù là vô vọng. Những dằn vặt ấy nói lên nỗi khát khao một cái gì đó bền vững, tốt đẹp và tồn tại lâu dài nếu không muốn nói là mãi mãi. Nghệ thuật đã bắt nguồn từ khát khao đó: văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc… vẫn đã và đang vươn tới những giá trị không phai tàn. Những con sông tri thức của sách vở cứ chảy mãi mà không bao giờ đầy, và con người vẫn cứ tìm kiếm. Các tôn giáo đã bắt đầu từ khao khát vĩnh cửu đó, nhưng làm sao có thể làm thỏa lòng người ta được, bởi những giáo chủ của nó đều đã chết và không quay trở lại. Người ta cũng không biết linh hồn họ đi về đâu. Từ cõi phù du con người không thể tự mình bước vào cõi vĩnh cửu. Nhưng cảm tạ Chúa, một ngày kia cõi vĩnh cửu đã bước vào thế giới phù vân của con người.
Hơn 2000 năm trước đây, Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng ở trong cõi thời gian vĩnh cửu, đã bước vào thế giới này và chia đôi dòng lịch sử. Ngài đã đến để cứu rỗi và đưa con người vào cõi đời đời, nơi sự hư không không còn. Kể từ đó, một kỷ nguyên mới đã mở ra cho con người, và từ đây nhân loại đã có đường đi, chân lý và sự sống, Chúa Giê-xu có câu trả lời cho những gì nhân loại khát khao. Và Ngài chính là câu trả lời. Chúa Cứu Thế Giê-xu thật đã đến để ban cho con người sự sống và sự sống dư dật (Giăng 10:10). Thế giới hư không đã có một hy vọng, một trời mới đất mới sẽ bắt đầu.
Đang lúc người thế gian miệt mài với những bận rộn phù vân hư ảo, thì con cái Chúa đang hướng về trời mới, đất mới là nơi sự công bình ngự trị. Người tin Chúa Giê-xu đang sống vì những mục đích đời đời, đang xây dựng một căn nhà không hư nát giữa thế gian đầy đổ vỡ và hư nát. Chúng ta đang theo đuổi cuộc sống thánh khiết, công nghĩa, yêu thương giữa một thế giới tội lỗi, bất nghĩa, không có tình thương. Chúng ta đang đi trên đường hẹp nhưng dẫn mình đến các nẻo sự sống. Và chúng ta cũng đang có dòng sông sự sống của Chúa tràn tuôn để đem sự cứu rỗi ấy đến cho nhiều người (Giăng 4:14). Mục đích sống đầy lý tưởng và hy vọng của người tin Chúa hoàn toàn khác với cái nhìn tiêu cực, bi quan trước cuộc đời và số phận con người.
Bạn có là người đang chơi vơi giữa những nghi ngờ, dằn vặt trong thế giới nhiều đổ vỡ, phù du và hư không này chăng? Hãy đến với Chúa Giê-xu. Ngài có một cuộc đời nguyên lành, vĩnh cửu và đầy thương yêu dành cho bạn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, giữa cuộc đời hư không con đã tìm gặp được Ngài. Chúa là chỗ dựa bền vững và là hy vọng đời đời của con. Hết cuộc sống ngắn ngủi và phù du, con sẽ về ở với Ngài trong cuộc đời vĩnh cửu. Cảm tạ ơn cứu rỗi của Chúa. Trong Danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. A-men.
Ân Điển
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa,
tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc góp ý kiến cho chương trình xin liên lạc với Ban Biên Tập.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét