Giăng | Ngôi Lời Sự Sống
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Ca dao, tục ngữ Việt nam chúng ta có những câu rất quen thuộc, chẳng hạn như “uống nước, nhớ nguồn”, “con chim có tổ, con người có tông”, “như cây có cội, như sông có nguồn.” Nội dung của những câu ca dao, tục ngữ này muốn nhắc nhớ người Việt trải qua các thế hệ, dù đang sống ở đâu hay làm gì thì cũng nhớ về “cội nguồn”. Đối với người Việt thì “cội nguồn” thường là tổ tiên 3 đến 10 đời tuỳ theo dòng tộc. Tổ tiên là nơi xuất phát ra chính mình và con cháu sau này. Kinh thánh trong Tin lành Giăng 1:1-5 đã đề cập đến “cội nguồn” được gọi là “Ngôi Lời Sự sống”.
Kinh thánh: Giăng 1:1-5
1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.
2 Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.
3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.
4 Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.
5 Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.
Giải thích
Đối với người Do thái thì “cội nguồn” được đề cập đến đó là Giê-hô-va Đức Chúa Trời – Đấng Tự hữu và Hằng hữu. Ngài cũng là Đấng cứu rỗi cá nhân, dân tộc và thế giới. Ngài là “cội nguồn” của thế giới và các dân tộc vì Ngài sáng tạo bằng Lời sự sống đầy năng quyền.
Tuy nhiên, khi các sứ đồ đem khái niệm “cội nguồn” này giới thiệu ra thế giới người ngoại bang không phải là Do thái, họ là những người đang thờ đa thần giáo thì người ta không thể hiểu, vì đối với họ thế giới có vô số thần chứ không phải thần duy nhất. Thế nên, sứ đồ Giăng khi mục vụ tại Ê-phê-sô là nơi được gọi là xuất phát “cội nguồn” của các thần, ông biết đến một vị thần mang danh hiệu “Logos”.
Trong ngôn từ Hy-lạp thì Logos không phải chỉ có nghĩa là “Lời phán” của vị Thần tối cao, mà đó là “ý chí”, “lẽ phải” hay “lý trí” của Đấng tối cao. Khái niệm này được Triết gia Haraclitus đề cập đầu tiên vào năm 560 T.C. Ông cho rằng mọi sự trên thế gian này đều ở trong trạng thái lưu chảy và biến chuyển liên tục. Mọi vật đều thay đổi từng khoảnh khắc, từng ngày, từng năm tháng. Ông đã lấy bối cảnh dòng sông có dòng nước chảy xuất phát từ núi non ra biển cả mênh mông. Ông đã từng thốt lên rằng: “Người ta không thể nào bơi trên cùng một dòng nước.” Bởi vì dòng nước đã chảy đi rồi thì dòng nước khác chảy đến. Tuy nhiên, ông cho rằng tất cả sự lưu xuất, thay đổi đó không phải là ngẫu nhiên hay không thể kiểm soát. Bởi vì có Đấng kiểm soát phần khuôn mẫu cho sự thay đổi. Đó chính là Logos. Logos là Lời, là Lý trí, là Tư tưởng của Đấng tối cao. Nhờ Logos đó mà vạn vật luôn thay đổi trong một trật tự ổn định và an toàn.
Sứ đồ Giăng đã liên kết khái niệm Ngôi Lời Khôn ngoan chỉ về danh xưng của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh Cựu ước và Kinh Targum của Do thái giáo với khái niệm Ngôi Lời Lý trí chỉ về danh xưng của Đấng tối cao là Thần của các vị thần trong Triết học Hy-lạp để bày tỏ về Đức Chúa Giê-xu Christ chính là Ngôi Lời Sự sống. Bởi vì Khôn ngoan và Lý trí cũng xuất phát từ Cội nguồn đem lại Sự sống.
Sứ đồ Giăng khẳng định Đức Chúa Giê-xu Christ chính là Ngôi Lời Khôn ngoan mà người Do thái hằng trông đợi, cũng như Ngài là Ngôi Lời Lý trí của người trong toàn đế quốc Rô-ma luôn đặt mình trong khuôn mẫu cho mọi tư tưởng. Tuy nhiên, Đức Chúa Giê-xu Christ từ khi Ngài giáng sinh làm Con người xác thịt, Ngài mang cả Nhân tính và Thần tính, trong Ngài đã kết hiệp cả hai khái niệm ấy và vượt trên cả hai khái niệm ấy. Ngài tự bày tỏ Ngài chính là Đấng ban sự sống lại và sự sống, ban ánh sáng của sự khôn ngoan, sự lý trí cho tất cả người nhận Ngài. Ngài sẽ dùng quyền năng của Ngài để khiến người ấy được sinh lại theo thể thiêng liêng bởi Đức Chúa Trời chứ không còn theo thể huyết khí nữa.
Khi một đứa trẻ bắt đầu đến trường đi học thì nó cần phải học đánh vần, học từng chữ, từng câu cho đến khi biết đọc, biết viết rành mạch. Con người có thể nhờ những người thầy cô là những người dạy dỗ để được học biết đạo đức làm người. Tuy nhiên, chỉ khi con người đến với Chúa Giê-xu thì con người mới thực sự học về Đức Chúa Trời đầy đủ và trọn vẹn để trở nên một “sinh linh”. Đó là một tạo vật mang thân thể xác thịt với linh hồn sống.
Bạn thân mến, để có được sự sống thật thì chính bạn và tôi cần chính Ngôi Lời sự Sống. Bởi sự cứu rỗi nhờ huyết Chúa Giê-xu mà chúng ta trở nên những người kinh nghiệm sự sống và sự sáng thiêng liêng từ Chúa ban cho.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Cảm tạ Chúa vì nhờ Chúa Giê-xu, nhờ Ngôi Lời Sự sống mà chúng con được trở nên con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin. Bởi vì, Đức Chúa Giê-xu chính là Cội nguồn Sự sống lại và Sự sống vĩnh cửu của tất cả người tin theo Ngài. Cầu xin Chúa Giê-xu đến ngự trong tâm linh chúng con để xua tan bóng tối của thế giới tối tăm và sự hỗn loạn của tội lỗi. Cầu xin Chúa Giê-xu giải cứu chúng con khỏi đời sống đầy hỗn loạn, sự đam mê, dục vọng, sợ hãi, kinh hoàng đầy bất an. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. A-men.
TGV
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa,
tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc góp ý kiến cho chương trình xin liên lạc với Ban Biên Tập.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét