Sáng Thế Ký | Ngày Thứ 3: Sáng Tạo Đất, Biển & Cây Cỏ

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Cách đây nhiều thế kỷ, người ta cho rằng trái đất là một mặt phẳng. Ngay cả trong truyền thống Việt Nam ngày xưa trong đời vua Hùng Vương người ta đã làm bánh chưng là hình vuông, màu xanh, với mặt phẳng tượng trưng cho trái đất để dâng lên cho vua Hùng. Tuy nhiên, lối suy nghĩ trái đất là mặt phẳng chưa bao giờ có nguồn gốc từ Kinh Thánh. Thánh Kinh dùng một từ để ám chỉ hình cầu của trái đất khi chép rằng: “Ðấng ngự trên vòm trái đất” (Ê-sai 40:22) Kinh Thánh cũng ghi rằng: “Chúa trải phương bắc ra trên vùng trống. Treo trái đất lơ lửng trong không gian. Ngài gói nước trong các đám mây Ngài, Nhưng mây không vỡ ra vì nước ấy.” (Gióp 26:7-8). Tất cả những điều này đều là sự minh chứng cho sự sáng tạo ban đầu của Đức Chúa Trời. Dù nhận thức của con người có giới hạn, có sai lầm về vũ trụ nhưng sự sáng tạo của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh luôn là chân lý và qua mọi thời đại thì Lời Ngài chưa bao giờ mâu thuẫn với nhau. Hôm nay chúng ta cùng học biết về Ngày Sáng tạo thứ ba của Đức Chúa Trời: SÁNG TẠO ĐẤT, BIỂN & CÂY CỐI dựa trên Sáng Thế Ký 1:9-13.

9 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy.
10 Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.
11 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy.
12 Đất sanh cây cỏ: Cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.
13 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ ba.

Giải thích

Chúng ta thấy ngày thứ nhất Chúa tạo nên ánh sáng, vì cần cho sự sống của mọi loài. Ngày thứ hai Chúa làm nên khoảng không để ánh sáng hoạt động, tức là chiếu vào. Đến ngày thứ ba “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy.” (câu 9). Theo lời phán của Chúa, Đức Chúa Trời gom nước lại và làm cho nước chảy dồn vào những chỗ thấp, nhờ đó, trái đất có những con sông, con suối xinh đẹp. Những chỗ trũng sâu hơn thì nước dồn vào thành những cái hồ lớn nhỏ khác nhau. Chỗ sâu nhất và có nhiều nước hơn cả, chúng ta gọi là biển. Chỗ không có nước gọi là đất liền.

Khi chứng kiến những trận lũ lụt hay những đợt sóng thần thì chúng ta mới thấy được sức mạnh từ nước gây nên. Vậy mà Đức Chúa Trời quyền năng chỉ phán bằng lời khiến cho nước đang bao phủ cả quả địa cầu này di chuyển và tập trung vào một nơi, làm cho đất xuất hiện. Tác giả Thi Thiên 95:4-5 đã công bố rằng: “Các vực sâu của đất đều ở nơi tay Ngài; Những đỉnh núi cũng thuộc về Ngài. Biển thuộc về Ngài, vì chính Ngài đã làm nó; Còn đất khô, tay Ngài cũng đã nắn nên nó.” Vậy thì chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không đến cúi đầu thờ phượng Ngài; Đấng Tạo Hoá toàn năng. 

“Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy.” (câu 11). Sau khi phân rẽ biển và đất, Chúa tạo nên sự sống thực vật xuất hiện trên đất. Chúa bảo đất phải sanh cây cỏ, rau xanh và kết trái như chúng ta có ngày nay. Chỉ một mình Đức Chúa Trời có sự thông biết và quyền năng để tạo dựng sự sống của cây cỏ. Các nhà khoa học càng nghiên cứu sự sống loài thảo mộc thì càng khám phá ra sự phức tạp của nó. Đức Chúa Trời trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài đã tạo dựng mọi sự sống của các loài cây cỏ và làm cho mọi loài thích hợp trong sự vận hành chung của trái đất.

Trong sự sáng tạo này Đức Chúa Trời đã đặt luật di truyền trong các loài thực vật. “Đất sanh cây cỏ: Cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại.” (câu 12). Mọi vật được sáng tạo sẽ phải sinh sản. Sinh sản nói lên ý nghĩa tái tạo, đổi mới, tiếp tục công trình sáng tạo. Sự sinh sản này được nhấn mạnh là “tùy theo loại” điều này thể hiện trong sự sáng tạo có một trật tự và giống loại hợp lý. Không có trường hợp cây cam sanh ra trái xoài, hay trồng khoai mà gặt lúa được. Người ta thống kê trên trái đất hiện có hơn 250.000 loài thảo mộc khác nhau và loại nào sinh sản ra loại đó. Đức Chúa Trời chuẩn bị đất để loài người và loài vật ở, và loài cây cỏ để cung cấp thực phẩm cho chúng ta, cây xanh thải khí ô-xi cho chúng ta thở. Đức Chúa Trời đã sáng tạo mọi loài hết sức khéo léo lạ lùng, và để cho mỗi loài tương hỗ và ích lợi cho nhau. Sau khi mỗi một vật đã được sáng tạo thì “Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ ba.” (câu 13). Tốt lành vì tất cả hiện hữu với một mục đích và có giá trị.

Các bạn thân mến, là một tạo vật của Chúa, chúng ta phải sống với mục đích mà Chúa đã định. Đời sống chúng ta phải liên kết với Chúa là Đấng tạo dựng và sống với Lời của Ngài. Lời Chúa là lời sự sống mà chúng ta nhờ đó để nuôi sống mỗi ngày. Lời sự sống cũng sẽ cho chúng ta năng lực để tái tạo, đổi mới chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Cha nhân từ! Cám ơn Chúa Đấng quyền năng đã tạo dựng muôn vật bằng lời phán của Ngài và mọi vật được tạo dựng với mục đích tốt lành để chúng con được tận hưởng. Xin giúp con biết được mục đích của Ngài khi tạo dựng con và luôn có lòng biết ơn, yêu kính và phục vụ Ngài. Con cầu nguyện trong danh Thánh Chúa Giê-xu Christ. A-men.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa