Giăng | Lời Chứng Sống
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | Gia-cơ |
Lời ngỏ
Theo luật pháp trong Cựu Ước, khi xét xử ai đó thì cần phải có hai hay ba người làm chứng và kiểm chứng độc lập thì mới có đủ chứng cứ để buộc tội (Phục 17:6). Sau này sứ đồ Phao-lô cũng đã dạy điều này khi có sự kiện cáo từ Hội Thánh Cô-rinh-tô (II Cô 13:1), và ông cũng chỉ bảo mục sư Ti-mô-thê về phương cách xét đơn tố cáo trong Hội Thánh để không bị thiên vị (I Tim 5:19).
Chúa Giê-xu khi ở trong thế giới này, không chỉ có được hai nhân chứng theo luật lệ thông thường cần có, mà có đến bốn nhân chứng sống đã làm chứng về Ngài. Vì cớ đó mà ngày nay chúng ta có đến bốn sách phúc âm làm chứng về Ngài với nhiều điểm chung (cộng quan) và những điểm đặc sắc riêng. Trong bốn sách phúc âm thì có hai vị là sứ đồ Ma-thi-ơ và Giăng đã trực tiếp đi theo Chúa Giê-xu trong ba năm chức vụ và hai vị còn lại là học trò của các sứ đồ khác. Trong đó Mác là môn đồ từng sát cánh theo sứ đồ Phi-e-rơ còn Lu-ca là môn đồ theo sứ đồ Phao-lô trong nhiều cuộc hành trình truyền giáo. Tin Lành Giăng 5:31-40 chép về LỜI CHỨNG SỐNG mà Chúa Giê-xu trực tiếp bày tỏ đối với người người Pha-ri-si khi họ chất vấn Ngài.
31 Nếu ta tự mình làm chứng lấy, thì sự làm chứng ấy không đáng tin.
32 Có người khác làm chứng cho ta, và ta biết rằng chứng người đó làm cho ta là đáng tin.
33 Các ngươi có sai sứ đến cùng Giăng, thì người đã làm chứng cho lẽ thật.
34 Còn ta, lời chứng mà ta nhận lấy chẳng phải bởi người ta; nhưng ta nói vậy, đặng các ngươi được cứu.
35 Giăng là đuốc đã thắp và sáng, các ngươi bằng lòng vui tạm nơi ánh sáng của người.
36 Nhưng ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta.
37 Chính Cha, là Đấng đã sai ta, cũng làm chứng về ta. Các ngươi chưa hề nghe tiếng Ngài, chưa hề thấy mặt Ngài,
38 và đạo Ngài không ở trong các ngươi, vì các ngươi không tin Đấng mà Ngài đã sai đến.
39 Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy.
40 Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!
Giải thích
Qua phân đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-xu bày tỏ về những nhân chứng sống đã làm chứng “Ngài chính là Đấng Mê-si”.
Thứ nhất, về ngoại chứng. Giăng Báp-tít là người được hầu hết dân chúng và các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như vua chúa đương thời thừa nhận là người công bình, chính trực. Các lãnh đạo tôn giáo đã trực tiếp sai sứ giả đến để chất vấn Giăng Báp-tít xem ông có phải là Đấng Mê-si hay không. Giăng Báp-tít đã phủ nhận bản thân mình là Đấng Mê-si nhưng đã chính thức tuyên bố với các môn đồ của mình nói riêng và những sứ giả từ phái Pha-ri-si nói chung rằng Đức Chúa Giê-xu mới thật là Đấng Mê-si. Ngài mới chính là Chiên Con của Đức Chúa Trời theo lời hứa (Giăng 1). Chúa Giê-xu đã lấy hình ảnh minh hoạ về Giăng Báp-tít như là một người thắp ngọn đuốc chiếu sáng tạm thời về niềm tin, hy vọng ơn cứu rỗi sắp đến. Bản thân Giăng Báp-tít không phải là sự sáng vĩnh cửu, mà ông chỉ mượn ánh sáng chân lý theo ơn Thánh Linh ban cho để thắp sáng tạm thời cho người nào khao khát và tìm kiếm ánh sáng thật sẽ xuất hiện. Ông đã có lòng sốt sắng, nóng cháy. Ông đã rao ra thông điệp không phải là sự hiểu biết của lý trí, mà là tiếng vang làm rung động tâm thần của mọi người. Ông có vai trò của người dự bị, người đi trước cầm loa, cầm đuốc để báo tin Đấng Mê-si là Chúa Giê-xu đang xuất hiện. Vai trò của ngọn đuốc tạm đã kết thúc khi Chúa Giê-xu là Vua trên muôn vua, là Ánh sáng thật của thế giới chính thức xuất hiện. Giăng đã hạ mình để Chúa Giê-xu được tôn cao. Giăng Báp-tít là một nhân chứng sống đích thực cho Chúa Giê-xu. Ông tự nguyện tự làm tiêu hao chính mình như ngọn đuốc cháy một thời gian phải tàn để Chúa Giê-xu được tôn cao.
Thứ hai, về nội chứng. Nội chứng ở đây không chỉ là chính mình Ngài bày tỏ mà có đến hai nội chứng rất hùng hồn không thể chối cãi được. Bằng chứng nội tại thứ nhất là Lời xác chứng của Đức Chúa Trời là Cha. Người Do thái đều thừa nhận Đức Chúa Trời là Đấng vô hình (Phục 4:12), song Chúa Giê-xu đã bày tỏ rằng chính Ngài là Con Một ở trong lòng Cha mà ra (Giăng 1:18). Do đó ai thật sự kính sợ Cha thì sẽ nhận biết và tin Chúa Giê-xu được sai phái từ Cha. Đó là sự xác tín trong lòng của người tin về địa vị tối cao của Chúa Giê-xu.
Bằng chứng nội tại thứ hai đó chính là Lời Đức Chúa Trời hay Kinh Thánh. Đối với người Do thái Kinh Thánh là tất cả, ai nắm được lời của Kinh Thánh thì nắm được sự sống đời đời, ai có điều răn Chúa thì nắm được sợi dây ân điển để dẫn đến sự cứu rỗi. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu muốn đánh động tấm lòng của người Pha-ri-si, đây là những người đọc Kinh Thánh cách tỉ mỉ và sao chép từng câu từng chữ. Chúa Giê-xu cũng không muốn hạ thấp sự tuân thủ luật lệ của họ và Ngài không cố gắng giành phần thắng về mình trong cuộc tranh luận về chữ nghĩa khiến họ “cứng họng” dẫn đến sự “cứng lòng”. Ngài không muốn họ mất cơ hội cứu rỗi. Ngài chân thành chỉ cho họ bằng chứng sống như tin vào Đức Chúa Trời là Cha, tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời và tin Giăng Báp-tít là nhân chứng sống công bình. Chúa Giê-xu khẳng định đó là những bằng chứng sống nhờ đó mà nhận biết Ngài để được sự cứu rỗi và sự sống đời đời.
Ngày nay cũng có nhiều người quá nhờ cậy vào lý trí, ý chí, tình cảm riêng của mình đang chất vấn và nghi ngờ về thẩm quyền và địa vị của Chúa Giê-xu. Xin Chúa cho tôi và bạn không giống như những người Pha-ri-si ngày xưa nhưng mở lòng để đón nhận những bằng chứng sống mà Chúa Giê-xu bày tỏ để được giải cứu linh hồn và nhận được sự sống đời đời trong tâm linh lẫn trong thân thể này.
Cầu nguyện
Kính lạy Cha! Xin Chúa mở mắt, mở lòng, mở tâm trí chúng con để chúng con nhận ra những bằng chứng sống mà Chúa bày tỏ. Qua đó chính chúng con sớm tin Chúa Giê-xu là Cứu Chúa để kinh nghiệm điều Chúa chuẩn bị sẵn cho chúng con. Cảm tạ Chúa qua Lời Kinh Thánh giúp con nhận biết Ngài và được dự phần trong công tác rao truyền ơn phước Chúa cho mọi người. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
TGV
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét