Rô-ma | Nhờ Tin Vào Lời Hứa

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến! Cuộc sống thì không thể thiếu vắng lời hứa, con người thì thích hứa hẹn thật nhiều nhưng thất hứa cũng không ít. Thêm vào đó, nhịp sống của thời hiện đại quá nhanh đôi khi làm cho người ta quên đi lời mình đã hứa. Tuy nhiên, lời hứa đáng được trân trọng, vì khi chúng ta trao đi một lời hứa với ai đồng nghĩa với việc nhận lại lòng tin từ người đó. Lòng tin ấy sẽ được nhân lên khi chúng ta thực hiện lời hứa của mình. Đối với con người, hứa thì dễ nhưng để tin vào lời hứa của ai đó thì rất khó, vì con người vốn hay quên và thất hứa, nhưng khi biết giữ lời hứa thì đó là người biết tạo uy tín để người khác tin tưởng mình. Với con người chỉ cần một hai lần giữ lời hứa thì đã tạo được lòng tin, còn Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín, hễ ai tin thì chắc chắn không bao giờ thất vọng, bởi thế NHỜ TIN VÀO LỜI HỨA của Ngài mà chúng ta được kể là công bình theo như Rô-ma 4:13-17. Xin mời cùng đọc và suy ngẫm đoạn Kinh Thánh này trong giờ tĩnh nguyện hôm nay.

13 Vả, ấy chẳng phải bởi luật pháp mà có lời hứa cho Áp-ra-ham hoặc dòng dõi người lấy thế gian làm gia nghiệp, bèn là bởi sự công bình của đức tin.
14 Vì, nếu bởi luật pháp mà được hưởng gia nghiệp, thì đức tin ra vô ích, lời hứa cũng bỏ rồi,
15 vì luật pháp sanh ra sự giận; song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp.
16 Vậy nên, bởi đức tin mà người ta trở nên kẻ ăn gia tài, hầu cho sự ấy được bởi ân điển, và cho lời hứa được chắc chắn cho cả dòng dõi Áp-ra-ham, chẳng những cho dòng dõi dưới quyền luật pháp, mà cũng cho dòng dõi có đức tin của Áp-ra-ham, là tổ phụ hết thảy chúng ta,
17 y như lời chép rằng: Ta đã lập ngươi làm cha nhiều dân tộc, thật người là cha chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, tức là Đấng người đã tin, là Đấng ban sự sống cho kẻ chết, gọi những sự không có như có rồi.

Giải thích

Sách Rô-ma nhấn mạnh đến trọng tâm của Phúc Âm là “xưng công bình bởi đức tin” và trong phần Kinh Thánh hôm nay sứ đồ Phao-lô lấy dẫn chứng về Áp-ra-ham – tổ phụ của dân Do Thái đã được xưng công bình bởi đức tin nơi Lời Hứa, qua đó ông muốn chứng minh rằng cả người Do Thái và người ngoại cũng được kể là công bình bởi đặt đức tin vào Lời Hứa của Chúa chứ không phải dựa trên việc tuân thủ luật pháp hay nhờ vào nghi lễ, cụ thể là phép cắt bì – điều mà người Do Thái thường hãnh diện.

Theo như lời khẳng định trong câu 14 rằng: “Vì, nếu bởi luật pháp mà được hưởng gia nghiệp, thì đức tin ra vô ích, lời hứa cũng bỏ rồi.” Tức là nếu chúng ta cậy vào việc làm của mình, là việc làm công đức hay nghiêm khắc tuân thủ luật pháp trong mối liên hệ với Chúa, thì những lời hứa dù vững hơn đá tảng cũng không có giá trị gì. Chữ chìa khoá ở đây là “Lời Hứa”. Áp-ra-ham được xưng công bình bởi tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, chứ không phải do việc vâng giữ luật pháp, vì lúc ấy luật pháp của Đức Chúa Trời chưa được ban xuống qua Môi-se.

Nhiều người đã dùng câu Kinh Thánh trong Gia-cơ 2:17 nói rằng: “đức tin mà không có việc làm là đức tin chết” để bảo vệ “chủ trương của việc làm” (tức là giữ luật pháp) với “đức tin nơi lời hứa”. Đức tin chết trong Gia-cơ nói đến là khi tin Chúa mà không sống theo Lời Chúa, tức là nhấn mạnh đến nếp sống Cơ Đốc. Còn câu Kinh Thánh Rô-ma 4:14 nói đến ân điển của sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin vào Lời Hứa chứ không phải cậy vào việc làm, vì nếu người ta cậy vào việc làm của mình thì Lời Hứa ân điển của Chúa thành ra vô giá trị hay sao?

Sứ đồ Phao-lô tiếp tục chứng minh sự vô hiệu của việc giữ luật pháp trong câu 15 – “Vì luật pháp sanh ra sự giận; song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp.” Mục đích chính của luật pháp là để chỉ cho người ta biết tội, thấy được bản chất thực sự của tội lỗi và hình phạt đối với kẻ phạm tội, khi có luật pháp thì mới có sự phạm pháp. Vì thế luật pháp không thể khiến cho người ta bình an mà chỉ mang đến sự tức giận vì phải chịu hình phạt khi phạm pháp. Luật pháp không thể cứu chúng ta khỏi căn bệnh tội lỗi. Thay vào đó, mục đích của luật pháp là cho chúng ta thấy nhu cầu để chữa bệnh và người chữa bệnh đó là Đức Chúa Giê-xu. Đức Chúa Trời không ban luật pháp để cứu rỗi chúng ta, nhưng để bày tỏ cho chúng ta thấy rằng con người cần phải được cứu. Từ đó, bởi tin vào Lời Hứa ân điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta được xưng công bình chứ không phải vì tuân giữ luật pháp mà được.

Sự việc Áp-ra-ham được xưng công bình bởi ân điển chứ không do luật pháp chứng minh rằng sự cứu rỗi dành cho tất cả mọi người. Áp-ra-ham là cha của mọi kẻ tin, cả người Do Thái lẫn người ngoại bang. Phao-lô thấy điều này là sự ứng nghiệm Sáng Thế Ký 17:5 – “Ta đã lập ngươi làm cha nhiều dân tộc, thật người là cha chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, tức là Đấng người đã tin, là Đấng ban sự sống cho kẻ chết, gọi những sự không có như có rồi.” (câu 17).

Các bạn thân mến, nếu bạn nhận biết mình là người có tội thì chỉ cần với tấm lòng chân thành tin vào Lời Hứa của Đức Chúa Trời, dù là tội nhân xấu xa đến đâu thì tất cả chúng ta được Đức Chúa Trời tiếp nhận và kể chúng ta là công chính. Đó là ân điển mà Đức Chúa Trời ban cho tất cả những ai tin vào lời hứa của Ngài. Nếu tin cậy Chúa, chúng ta cũng được Chúa kể là công bình và sẽ kinh nghiệm việc Chúa thực hiện Lời Hứa của Ngài trên đời sống chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa yêu dấu! Cảm tạ ân điển lớn lao của Ngài ban cho chúng con là những người nhờ tin vào Lời Hứa của Chúa như Áp-ra-ham đã tin, bởi đó mà chúng con được tha thứ tội lỗi và được kể là công bình và trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Con cầu nguyện trong danh thánh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa