Sáng Thế Ký | Lao Động & Quản Trị

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Chào quý vị và các bạn tuần mới an lành! Thứ hai ngày đầu tuần làm việc có lẽ không ít người cảm thấy mệt mỏi vì chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày làm việc. Đôi khi chúng ta xem làm việc, lao động, cả lao động tay chân và trí óc, như một gánh nặng. Nhiều người cho rằng nhàn hạ mới là sung sướng, hạnh phúc, còn phải lao động, làm lụng thì là vất vả, cực nhọc. Là con cái Chúa chúng ta nghĩ thế nào về vấn đề lao động và làm việc? Để có được câu trả lời chính xác thì chúng ta cần quay lại với Lời Chúa trong Sáng Thế Ký 2:15-17 xem Chúa dạy thế nào về vấn đề LAO ĐỘNG & QUẢN TRỊ sau khi Ngài tạo dựng ra loài người.

15 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn.
16 Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn;
17 nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.

Giải thích

Đức Chúa Trời đã tạo ra cảnh vườn Ê-đen xinh đẹp, đầy đủ, sung túc và đáp ứng mọi nhu cầu cho A-đam để ông vui hưởng nhưng Ngài không cho A-đam sống cảnh an nhàn. Vì Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo, Ngài đã làm việc và luôn làm việc, vì thế Chúa cũng tạo cho con người công việc để làm. Thật ra, ở trong vườn Ê-đen có đầy đủ mọi thứ, con người không cần phải làm việc mới có miếng ăn, nhưng Chúa không tạo con người ra để nhàn rỗi mà Chúa giao cho con người hai trọng trách là “trồng và giữ vườn”.

1/ Lao động là “trồng vườn“: là làm cho cây cối sinh sôi và phát triển, làm cho đất đầy dẫy. Tại đây chúng ta thấy ý nghĩa của sự lao động. Lao động không phải là gánh nặng mà làm việc là một nhu cầu, một thiên chức. Khi đã xem làm việc là thiên chức Chúa dành cho con người thì dù có làm việc gì, trong cương vị nào thì chúng ta cũng sẽ làm như lời Chúa dạy trong Cô-lô-se 3:23 – “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta,”

Ngày nay, người ta thích nhàn rỗi hơn là làm việc, vì thế con người thường hay than phiền rằng sao cứ phải làm việc cực nhọc quá. Cũng có người xem công việc là cứu cánh của cuộc đời nên lao vào làm việc, làm giàu mà quên mất Chúa cho chúng ta làm việc là để vui hưởng cuộc sống. Vì thế, nếu chúng ta xem việc làm như là thiên chức Chúa ban, một trọng trách Chúa giao cho mình thì chúng ta sẽ chăm chỉ làm việc, bên cạnh đó cũng sẽ sống vui hơn, sống có ý nghĩa, có mục đích hơn trong công việc mình làm.

2/ Quản trị là “giữ vườn”: như điều Chúa đã phán khi giao cho con người quyền quản trị đất và làm cho đất phục tùng. “Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn;” Trong thiên chức quản trị, Chúa cho A-đam có quyền tự do, ông được quyền ăn quả các thứ cây có trong vườn, song trong sự tự do ấy Chúa lại có một thử thách “nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết.”

Trong sự tự do Chúa ban cho cũng thấy được quyền phép sáng tạo của Ngài khi tạo ra con người có ý chí, tức là có khả năng chọn lựa. Khả năng chọn lựa là vô nghĩa khi không có một sự lựa chọn nào khác. Như vậy Chúa đặt trước mặt con người một sự lựa chọn rất đơn giản liên quan đến hai cây, cây sự sống và cây biết điều thiện, điều ác. Nếu chọn ăn trái cây sự sống thì hẳn nhiên A-đam sẽ sống đời đời còn ăn trái cây biết điều thiện và điều ác thì sẽ nhận lấy hậu quả của việc không tuân theo mạng lệnh, đó là con người sẽ chết.

Khi có quyền lựa chọn đó tức là Chúa không tạo con người như một lập trình như tạo ra rô-bốt để chỉ làm những gì mà người tạo ra nó muốn nó làm. Nhưng Chúa ban cho quyền quản trị, quản trị sự lựa chọn của mình. Sự giới hạn trong lựa chọn đối với A-đam không phải là khó khăn, vì ông được ban cho đủ mọi thứ, không phải chỉ có hai cây này. Từ lúc tạo dựng ra A-đam, Đức Chúa Trời đã quyết định điều gì là tốt cho ông. Ông không có khái niệm về điều xấu hay là vật gì đó không tốt, vì Đức Chúa Trời ban mọi vật tốt cả. A-đam chọn lựa thế nào thì ông sẽ nhận lấy kết quả như vậy.

Nhiều người hỏi: Vì sao Đức Chúa Trời lại dựng nên cây biết điều thiện điều ác để con người phạm tội? Đức Chúa Trời dựng nên cây biết điều thiện điều ác không nhằm mục đích làm cho con người phạm tội để rồi trừng phạt. Đức Chúa Trời không cần làm như vậy, vì nếu muốn trừng phạt con người thì Ngài có quyền làm bất cứ lúc nào, nhưng vì Đức Chúa Trời đã yêu thương con người và cho con người quyền quản trị bằng sự tự do chọn lựa, nếu chọn vâng lời Chúa thì con người chỉ hưởng lấy điều tốt lành, còn chọn không vâng lời thì sẽ nhận lấy điều xấu, điều ác.

Khi ăn trái cây biết điều thiện và điều ác thì chắc chắn A-đam phải nhận lấy hậu quả của sự lựa chọn của mình. Chết nghĩa là chia cắt khỏi nguồn sự sống, tách rời khỏi Ngài là Đấng ban sự sống, ngăn cách khỏi sự yêu thương và mọi điều tốt lành của Đức Chúa Trời.

Ngày nay, lao động và quản trị vẫn là thiên chức và đặc ân mà Đức Chúa Trời vẫn ban cho chúng ta, bạn có sử dụng thiên chức ấy với quyền tự do lựa để đẹp lòng Chúa không?

Cầu nguyện

Lạy Cha kính yêu! Xin giúp con nhận biết thiên chức và đặc ân Chúa ban cho con qua việc lao động và quyền quản trị ý chí của mình, chúng con được có ý chí tự do để sử dụng những điều Chúa ban cho mình. Chúa ban cho con người có thể quản trị những tạo vật khác trên đất, dù vậy chúng con vẫn biết mình là một tạo vật của Chúa và chỉ được Đức Chúa Trời ban phước khi nương cậy và thuận phục theo ý muốn của Ngài. Con cảm tạ Chúa và cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa