Rô-ma | Ấn Chứng Của Sự Công Bình

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maGia-cơ

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến! Chúng ta đều biết con dấu được sử dụng phổ biến trên thế giới từ xưa đến nay nhằm để xác nhận pháp nhân của một tổ chức hay cá nhân nào đó trong hoạt động xã hội. Khi đóng dấu vào một văn bản thì dấu ấn ấy xác nhận văn bản đó có giá trị pháp lý, tuy nhiên, dấu ấn ấy không làm nên giá trị của nội dung văn bản. Chẳng hạn, một văn bằng tốt nghiệp có con dấu của trường nào đó là một sự ấn chứng để xã hội công nhận người cầm văn bằng đủ điều kiện tốt nghiệp theo nội dung của văn bằng. Tuy nhiên, con dấu không thể làm cho người ấy tốt nghiệp được và con dấu cũng không thể đóng trước khi người đó chưa hoàn thành chương trình học. Vậy, con dấu dùng để ấn chứng một sự thật chứ không làm nên sự thật. Thì cũng vậy, việc chúng ta được kể là công bình theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cũng có một sự ấn chứng, chúng ta cùng xem Lời Chúa trong Rô-ma 4:9-12 để biết ẤN CHỨNG CỦA SỰ CÔNG BÌNH là gì?

9 Vậy, lời luận về phước đó chỉ chuyên về kẻ chịu cắt bì mà thôi sao? Cũng cho kẻ không chịu cắt bì nữa. Vả, chúng ta nói rằng đức tin của Áp-ra-ham được kể là công bình cho người.
10 Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi, hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước.
11 Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình,
12 và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy.

Giải thích

Người Do Thái vẫn tự hào mình là dân giao ước của Đức Chúa Trời, và dấu hiệu của giao ước đó chính là phép cắt bì trên thân thể. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô mạnh mẽ phủ nhận việc một người được xưng công bình bởi phép cắt bì. Như đã nói ở phần Kinh Thánh chúng ta học trong bài trước, một người được phước là được tha thứ tội lỗi mình bởi đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì vậy, phước hạnh này không chỉ dành cho những người thuộc dân giao ước mà thôi nhưng dành cho tất cả mọi dân như lời khẳng định trong Rô-ma 4:9 – “Vậy, lời luận về phước đó chỉ chuyên về kẻ chịu cắt bì mà thôi sao? Cũng cho kẻ không chịu cắt bì nữa.” Để giải thích cho tường tận thêm sự xưng công bình, tức là sự cứu rỗi, bởi đức tin mà được chứ chẳng phải bởi việc làm, thì Phao-lô nêu lên chứng cứ về ông tổ của người Do Thái là Áp-ra-ham – “Vả, chúng ta nói rằng đức tin của Áp-ra-ham được kể là công bình cho người.” Hai ý chính mà sứ đồ Phao-lô muốn trình bày trong phần Thánh Kinh này là:

1/ Áp-ra-ham được kể là công bình trước khi chịu cắt bì: “Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi, hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước.” (Rô-ma 4:10). Áp-ra-ham được xưng công bình trước khi ông chịu phép cắt bì quan trọng như thế nào? Thật là quan trọng lắm. Nếu Áp-ra-ham được xưng công bình sau khi ông chịu phép cắt bì, thì phép cắt bì đó đã trở nên một điều kiện của sự cứu rỗi. Nhưng Kinh Thánh cho biết, khi ông còn trong tình trạng chưa chịu cắt bì thì ông đã nhận được Lời Hứa của Chúa. Áp-ra-ham chịu cắt bì khi ông được 99 tuổi, khoảng 14 năm trước đó Chúa đã hứa ban sản nghiệp đất đai và dòng dõi cho ông rồi (Sáng thế ký 15:6, 16:16 và 17:24). Điều này chứng tỏ Chúa kể công bình và ban phước cho Áp-ra-ham không phải vì ông chịu cắt bì nhưng vì ông có đức tin. Áp-ra-ham không được xưng công bình bởi phép cắt bì, mặc dù ông đã làm phép cắt bì rồi.

Vì vậy, phép cắt bì không có liên quan gì đến sự cứu rỗi mà chúng ta nhận được ở trong Chúa. Thế thì phép cắt bì có tác dụng gì đối với người Do Thái?

2/ Phép cắt bì là sự ấn chứng của sự công bình bởi đức tin: “Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì.” (Rô-ma 4:11a). Rõ ràng “dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình” đối với người Do Thái thì phép cắt bì thân thể là ấn chứng họ là tuyển dân của Đức Chúa Trời, phép cắt bì đó nhằm để nhắc nhở người Do Thái nhận biết chính họ thuộc về Đức Chúa Trời và bởi tin vào lời hứa của Ngài mà họ được nhận lấy sự thành tựu của Lời Hứa chứ không phải là điều kiện để được kể là công chính.

3/ Dân ngoại không chịu cắt bì nhưng bởi có đức tin thì vẫn được kể là con cháu Áp-ra-ham: “hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình.” (Rô-ma 4:11b). Vì có đức tin nơi Chúa Giê-xu nên chúng ta cũng có thể gọi Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin của chúng ta. Áp-ra-ham cũng là tổ phụ của người Do-thái, chẳng những vì họ chịu cắt bì, nhưng quan trọng hơn, vì họ cũng có đức tin như ông (câu 12). Do đó, điểm chung giữa người tin Chúa và người Do Thái là có cùng một tổ phụ đức tin là Áp-ra-ham. Chúng ta không cần phải chịu phép cắt bì để được làm con cháu Áp-ra-ham nhưng chỉ cần có đức tin. Người Do Thái muốn được kể là con cháu thật của Áp-ra-ham cũng phải có đức tin chứ không phải chỉ chịu cắt bì là đủ.

Vậy thì, đối với Chúa, đức tin là điều quan trọng, những lễ nghi tôn giáo là điều thứ yếu. Cắt bì không thêm vào cho sự cứu rỗi của người Do Thái nhưng chỉ chứng thực cho sự cứu rỗi mà thôi. Con cái Chúa ngày nay được Thánh Linh của Đức Chúa Trời ấn chứng (Ê-phê-sô 1:13-14) vì chúng ta cũng từng trải phép cắt bì thiêng liêng trong lòng (Cô-lô-se 2:10-12), không chỉ là cuộc tiểu phẫu bên ngoài nhưng là sự từ bỏ bản chất cũ qua sự chết và sống lại của Đấng Christ.

Vậy, bạn có chắc mình nhận được sự ấn chứng của Đức Thánh Linh về đức tin của bạn nơi Chúa Giê-xu chưa?

Cầu nguyện

Kính lạy Cha Thiên Thượng! Con cảm tạ Chúa vì ân điển cứu rỗi Ngài ban cho chúng con qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng con nhận lãnh không phải bởi việc giữ gìn lễ nghi tôn giáo mà được, bởi đức tin nơi Ngài mà thôi. Xin Chúa Thánh Linh ấn chứng điều này trong lòng chúng con cho đến Ngài chúng con được gặp Cha nơi nước Ngài. Con cầu nguyện trong danh thánh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa