Lu-ca | Ảo Tưởng Niềm Tin
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Kính chúc quý vị một ngày mới an lành trong Chúa!
Trong thị trường mua bán online, có rất nhiều mặt hàng người mua bị nhầm vì những hình ảnh quảng cáo trông thật đẹp mắt, lung linh, bóng bẩy. Người mua chỉ có thể thấy hình ảnh sản phẩm, còn chất lượng không thể đánh giá bằng mắt được. Đối với đồ vật là thế, còn đối với con người thì sao, chúng ta sẽ đánh giá thế nào? Hằng ngày trong giao tiếp, chúng ta cũng gặp nhiều người mà không thể biết hết được tính cách của họ. Có những người đa tính cách làm chúng ta bối rối mỗi khi tiếp xúc; ngược lại có những người thật thà, chất phát, biểu hiện trong lời nói, cách cư xử khiến chúng ta an tâm khi tiếp xúc và còn muốn phát triển mối quan hệ. Dù là người như thế nào, chúng ta tự đánh giá và cảm nhận nên hay không phát triển mối quan hệ. Giăng Báp-tít, người được gọi là Người Dọn Đường cho Chúa Cứu Thế, ông đã rao giảng một sứ điệp sấm truyền cho dân chúng để họ có thể nhận dạng được tình trạng chính mình hầu không còn ẢO TƯỞNG NIỀM TIN. Phần Kinh Thánh hôm nay trong Lu-ca 3:7-9 bày tỏ về điều này.
7 Vậy, Giăng nói cùng đoàn dân đến để chịu mình làm phép báp-têm rằng: Hỡi dòng dõi rắn lục, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ ngày sau?
8 Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; và đừng tự nói rằng: Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta; vì ta nói cùng các ngươi, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được.
9 Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm.
Giải thích
Bắt đầu chức vụ của mình, Giăng Báp-tít đã tạo được tiếng vang khiến nhiều người tìm đến ông. Sứ điệp của ông là “lời của Đức Chúa Trời truyền cho ông” (Lu-ca 3:2b) khiến đụng chạm đến lòng người nghe, hiệu ứng domino từ những sứ điệp của Giăng đã kết nối ông với nhiều tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên không phải ai đến với ông cũng đều có tấm lòng chân thật tìm cầu Đấng Mê-si-a. Đôi mắt linh nhãn của ông nhìn thấu được lòng người nên trong số đó ông gọi họ là dòng dõi rắn lục. Nói đến rắn, chúng ta nghĩ đến tính chất linh hoạt, di chuyển đa chiều của nó chứ không thấy được nọc độc trong cơ thể của nó. Hạng người mà Giăng Báp-tít xếp loại là rắn lục đó đến với ông bằng “… sự khôn ngoan theo cách đời nầy…” (I Cô-rinh-tô 3:18). Họ nghĩ rằng: người khác sẽ nhìn thấy họ ăn năn qua báp-têm còn ông nhìn thấy tấm lòng giả dối của họ, chẳng khác gì nọc độc của loài rắn.
Sứ điệp của Giăng Báp-tít (Lu-ca 3:4-6) là chuẩn bị tấm lòng cho dân chúng để tiếp nhận Đấng Mê-si-a. Những người đến xin làm báp-têm không phải vì thật lòng ăn năn: “Ai đã báo cho các người tránh cơn thịnh nộ sắp tới?” nên ông đã thách thức họ thể hiện sự ăn năn bằng hành động cụ thể, chứ không phải bằng nghi lễ tôn giáo.
Tình trạng tâm linh như thế vẫn còn kéo dài cho đến tận bây giờ. Nhiều người theo Chúa một cách mệt mỏi. Cố gắng thực hiện đầy đủ tất cả các lễ nghi tôn giáo đối với cá nhân hoặc tham dự các nghi lễ tôn giáo được tổ chức quy mô, chỉ để người khác công nhận “sự sốt sắng của mình” còn trong lòng thế nào chỉ có Chúa mới biết. Còn những người được Chúa lựa chọn cho sự cứu rỗi thì tự họ sẽ “kết quả xứng đáng với sự ăn năn”.
Tuy nhiên, đáng lo hơn là hạng người “tự hào: Áp-ra-ham là tổ tiên chúng ta”. Trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã từng lập giao ước với Áp-ra-ham, Ngài hứa sẽ làm Đức Chúa Trời của ông và dòng dõi ông đời đời (Sáng Thế Ký 17:7). Trong suy nghĩ của đoàn dân, dựa trên mối quan hệ này đương nhiên Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham cũng là Đức Chúa Trời của họ. Sứ điệp của ông Giăng Báp-tít kêu gọi họ hãy ăn năn thể hiện qua lễ báp-têm thì họ đến để thực hiện nghi lễ tôn giáo là đủ, nên họ đến với ông để mong được một sự chứng nhận mà thôi. Nếu không phải thế Giăng Báp-tít đã không nhắc họ là đừng tự hào vì là hậu tự của Áp-ra-ham.
Đâu đó trong cộng đồng Cơ Đốc nhân vẫn còn những người sống trong ảo tưởng về niềm tin rằng tôi tin Chúa từ trong lòng mẹ, ba mẹ đã đem tôi lên đền thờ để dâng cho Chúa lúc tôi mới hai ba tháng tuổi thì đương nhiên Chúa phải biết tôi chứ. Đủ tuổi, tôi chỉ cần làm báp-têm để chính thức gia nhập Hội Thánh là trọn bổn phận công dân. Hiểm họa cho những người tự mặc định sự cứu rỗi như thế là đang chết về mối quan hệ thuộc linh với Chúa mà cứ tưởng mình đang sống. Sự cứu rỗi Chúa dành cho tất cả mọi người, nhưng phải tiếp nhận một cách cá nhân, Chúa không cứu chúng ta dựa trên mối liên hệ.
Thêm một lời cảnh báo nữa mà Giăng Báp-tít dành cho đoàn dân đó là: “Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm.” (câu 9). Kế hoạch cứu rỗi con người được Đức Chúa Trời hoạch định qua dân Y-sơ-ra-ên nhưng nếu họ không thực hiện theo sự chỉ đạo của Chúa, thì Ngài sẽ “đốn hạ” họ. Sự cảnh báo này cũng dành cho mỗi người chúng ta. Tấm lòng ăn năn thật sẽ được Chúa Thánh Linh hướng dẫn biết phải làm gì. Nguyện Chúa khuấy động tấm lòng chúng ta để mỗi người nhận ra được tình trạng tâm linh của mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa kính yêu của con, cảm tạ Chúa vì con được biết Ngài, trong ơn thương xót và sự cứu rỗi Ngài dành cho con, xin giúp con càng biết thêm về Ngài, càng thêm lòng yêu mến, kính sợ Chúa. Xin cho con chỉ đặt niềm tin vào một Ngài mà thôi. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét