Rô-ma | Chức Vụ Nhà Truyền Giáo

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính chúc quý anh chị em ngày mới an lành!

Nếu được hỏi nhà truyền giáo nào có tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất trong lịch sử phát triển Cơ Đốc giáo thì có lẽ ai trong chúng ta cũng đồng ý rằng sứ đồ Phao-lô xứng đáng được công nhận là nhà truyền giáo đầy tâm huyết của Chúa Giê-xu. Tinh thần truyền giáo của ông đã ảnh hưởng, thúc giục, cảnh tỉnh Cơ Đốc nhân bao thế hệ tiếp tục dấn thân và mạnh mẽ trong công tác rao truyền Phúc Âm của Chúa.

Trong phần cuối của thư tín Rô-ma, nhà truyền giáo Phao-lô cũng đã chia sẻ một phần tâm tình của ông về sự kêu gọi của Chúa cho chức vụ truyền giáo cho dân ngoại giữa những tấn công, những hiểu lầm của những người xung quanh. Chúng ta cùng đọc Rô-ma 15:14-21 và cùng học biết thêm về CHỨC VỤ của NHÀ TRUYỀN GIÁO PHAO-LÔ.

14 Hỡi anh em, về phần anh em, tôi cũng tin chắc rằng anh em có đầy lòng nhân từ, đủ điều thông biết trọn vẹn, lại có tài khuyên bảo nhau.
15 Nếu tôi đã lấy lòng thật dạn dĩ mà viết thơ nói điều nầy điều kia với anh em, ấy là để nhắc lại cho anh em nhớ, bởi ơn Đức Chúa Trời đã làm cho tôi
16 nên chức việc của Đức Chúa Jêsus Christ giữa dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin lành Đức Chúa Trời, hầu cho dân ngoại được làm của lễ vừa ý Chúa, và nên thánh bởi Đức Thánh Linh.
17 Vậy tôi có cớ khoe mình trong Đức Chúa Jêsus Christ về điều hầu việc Đức Chúa Trời.
18 Vì tôi chẳng dám nói những sự khác hơn sự mà Đấng Christ cậy tôi làm ra để khiến dân ngoại vâng phục Ngài, bởi lời nói và bởi việc làm,
19 bởi quyền phép của dấu kỳ phép lạ, bởi quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Ấy là từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-ly-ri, tôi đã đem đạo Tin lành của Đấng Christ đi khắp chốn.
20 Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra, để cho khỏi lập lên trên nền người khác,
21 như có chép rằng: Những kẻ chưa được tin báo về Ngài thì sẽ thấy Ngài, Những kẻ chưa nghe nói về Ngài thì sẽ biết Ngài.

Giải thích

Trong phần cuối của thư tín Rô-ma, sứ đồ Phao-lô chuyển sang các vấn đề cá nhân liên quan đến chức vụ của ông và mối liên hệ với Hội Thánh. Trong phần này Phao-lô cũng có giải thích lý do ông viết thư cho các tín hữu tại Rô-ma hầu giúp chúng ta cảm nhận được trọn vẹn hơn sứ điệp về ân điển Đức Chúa Trời thông qua cuộc đời của ông. Có bốn điểm chúng ta học được từ chức vụ của nhà truyền giáo Phao-lô:

1) Nhà truyền giáo trong chức việc là người chăn bầy (câu 14-15)

Ông Phao-lô từ một người bắt bớ Hội Thánh mà trở nên một người truyền rao Tin Lành là từ khi ông gặp Chúa Giê-xu Christ trên đường đến Đa-mách để bắt hại Hội Thánh (Công vụ 9:1-30). Từ đó ông kinh nghiệm được ân điển của Đức Chúa Trời. Chính ân điển của Ngài đã cứu ông và bởi ân điển ấy mà ông trở thành người truyền giáo. Không chỉ là một giáo sĩ tận hiến cho Chúa mà ông còn là một người chăn bầy. Ông đã chăm sóc, gây dựng, khuyên nhủ các tín hữu ở Hội Thánh khắp nơi qua các bức thư ông viết. Ông đã viết cho các tín hữu tại Rô-ma rằng: “Tôi đã lấy lòng thật dạn dĩ mà viết thơ nói điều nầy điều kia với anh em, ấy là để nhắc lại cho anh em nhớ, bởi ơn Đức Chúa Trời đã làm cho tôi.” (câu 15). Dù chưa gặp nhưng ông cậy ơn Chúa mà mạnh mẽ khuyên bảo, các con cái Chúa con cái Chúa tại Rô-ma, là những người “có đầy lòng nhân từ, đủ điều thông biết trọn vẹn, lại có tài khuyên bảo nhau” (câu 14) thực hành nếp sống đẹp lòng Chúa.

2) Nhà truyền giáo trong chức việc là thầy tế lễ (câu 16)

Đây là điều ít được biết đến trong tâm tình của sứ đồ Phao-lô. Ông được trở nên “chức việc của Đức Chúa Jêsus Christ giữa dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin lành Đức Chúa Trời, hầu cho dân ngoại được làm của lễ vừa ý Chúa, và nên thánh bởi Đức Thánh Linh” (câu 16). Tại đây, Phao-lô nhận thức được tầm quan trọng của “chức vụ truyền giáo” và “chức vụ thầy tế lễ”. Khi ra đi truyền rao danh Chúa thì ông Phao-lô đã tự đặt mình như là thầy tế lễ nơi bàn thờ và dâng lên cho Chúa những con người mà ông đã chinh phục về cho Ngài. Dân ngoại trở về với Chúa như là những “của lễ” dâng lên đẹp lòng Đức Chúa Trời nhất. Vậy nên, những ai được Chúa kêu gọi để trở thành sứ giả chinh phục những linh hồn hư mất trở lại với Chúa Giê-xu Christ quả thật là một đặc ân lớn lao và là một trọng trách thiêng liêng như thầy tế lễ trong đền thờ vậy.

3) Nhà truyền giáo trong chức việc là một đầy tớ (câu 17-19)

Phao-lô là người học cao, hiểu rộng nhưng ông không khoe khoang về điều đó. Trái lại, điều ông tự hào, là “cớ khoe mình trong Đức Chúa Jêsus Christ về điều hầu việc Đức Chúa Trời” (câu 17). Phao-lô hãnh diện là một đầy tớ của Đức Chúa Trời. Người đầy tớ là người không làm theo ý mình, nhưng tất cả mọi điều, dù nói hay làm đều làm theo ý chủ, như lời ông xưng nhận “vì tôi chẳng dám nói những sự khác hơn sự mà Đấng Christ cậy tôi làm ra để khiến dân ngoại vâng phục Ngài, bởi lời nói và bởi việc làm” (câu 18). Người đầy tớ là người có tinh thần luôn khiêm nhường, dù làm được nhiều việc nhưng không kể đó là của mình, mà làm vì danh của chủ mình, chính là Chúa Giê-xu.

4) Nhà truyền giáo trong chức việc là người tiên phong (câu 20-21)

Trong sự Chúa kêu gọi, nhà truyền giáo Phao-lô chọn tiêu chí là chỉ đi giảng Tin Lành ở những nơi nào chưa có ai đến giảng và sẵn sàng đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Ông nói: “Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra, để cho khỏi lập lên trên nền người khác.” (câu 20). Lịch sử Hội Thánh đã chứng minh sự thành công lạ lùng trong chức vụ truyền giáo của Phao-lô. Ông đã đi tiên phong trong chức vụ và đem Tin Lành đến các vùng đất mới từ Châu Á đến Châu Âu. Câu 21 được trích dẫn từ Ê-sai 52:15 như lời chứng nhận của Đức Chúa Trời cho chức vụ truyền giáo tiên phong này của ông.

Qua các chức vụ của nhà truyền giáo Phao-lô là một mẫu hình cho tất cả chúng ta là tôi con Chúa được Chúa giao cho sứ mạng truyền giáo, dù chính thức hay âm thầm phục vụ Chúa, thì càng phải dấn thân hơn trong sự kêu gọi để hoàn thành chức vụ Chúa giao.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã ban ân điển cứu rỗi và kêu gọi chúng con là những chứng nhân cho Ngài. Xin cho chúng con nhận biết ơn này để mạnh mẽ trong sự làm chứng về Chúa cho bao người đang cần sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa