Lu-ca | Người Trưởng Thành

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÊ-saiLu-caRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Định nghĩa về người trưởng thành, từ điển bách khoa Việt Nam viết: “Trong tâm lý học, trưởng thành là khả năng thích ứng được với môi trường xã hội, nhận thức được thời gian và địa điểm chính xác để có những cư xử đúng mực và biết được khi nào nên làm gì, tùy theo hoàn cảnh và phụ thuộc vào nền văn hóa xã hội mà ta đang sống”. Đây là khái niệm chung cho một người trưởng thành thuộc thể, nhưng về mặt tâm linh, làm thế nào để đánh giá được mức độ trưởng thành của một người, và chúng ta dựa trên tiêu chí gì đánh giá? Người Cơ Đốc khi thật sự tin nhận Chúa Jesus thì chỉ có một chuẩn mực duy nhất cho tiêu chuẩn sống của mình, đó chính là Thần Nhân Jesus. Chúng ta cùng suy ngẫm với nhau hai câu Kinh Thánh trong Lu-ca 2:40 & 52.

40 Con trẻ lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài.
52 Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.

Giải thích

Hai câu Kinh Thánh chúng ta vừa đọc, tạm gọi là câu kết cho phần tường thuật giai đoạn phát triển tuổi thơ ấu và niên thiếu của Chúa Jesus khi Ngài làm người. Câu chữ của hai câu tuy có khác nhưng nội dung thì như nhau, đều đề cập đến sự phát triển toàn diện về thể chất và nhân cách của Ngài. Theo bản dịch mới của Kinh Thánh câu 40 ghi: “Con Trẻ lớn lên, mạnh khoẻ”, câu 52: “thân hình càng lớn” – một sự phát triển thể chất bình thường mạnh khoẻ; Về tâm trí thì “đầy dẫy sự khôn ngoan” (câu 40), “khôn ngoan càng thêm” (câu 52). Điểm quan trọng trong sự phát triển toàn diện là tâm linh. “Ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” (câu 40), “càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời” (câu 52).

Đối với Cơ Đốc nhân, việc phát triển toàn diện dường như là một thách thức đòi hỏi chúng ta cần có sự kiên trì. Trong việc nuôi dạy con, chúng ta thường áp đặt giờ giấc ngủ nghỉ cho trẻ một cách nghiêm khắc, nhằm đảm đảm sức khỏe cho trẻ. Trong khi đó, chúng ta lại không áp dụng điều đó cho mình, thật nghịch lý. Bạn có biết từ 11h tối đến 1h sáng là lúc bộ phận gan trong cơ thể chúng ta làm việc để giải phóng độc tố, nếu lúc đó cơ thể chưa được nghỉ ngơi, sẽ ức chế hoạt động của gan. Thế mà chúng ta thường làm việc lúc đó, có khi chỉ vì tính cấp bách tạm thời của công việc. Tai hại hơn là giới trẻ thường giải trí vào khung giờ đó, thường là chơi game hoặc xem phim. Chúa ban cho mỗi người một cơ thể mạnh khỏe và tốt đẹp, chúng ta không thể sử dụng thân thể của mình một cách tùy tiện được. Những người kém may mắn về thể chất hiểu rất rõ điều này, họ phải chống chọi với bệnh tật thế nào để cải thiện sức khỏe. Trong khi chúng ta lại phung phí sức khỏe vào những trò giải trí vô bổ. Thật ra, giải trí là quyền tự do cá nhân nhưng chúng ta cần có tiết độ. Thể chất của mỗi người tùy thuộc vào cách chúng ta “đãi thân thể” mình thế nào như ăn uống quá độ, hay tuyệt thực.

Trong mọi trường hợp, chúng ta nên giải quyết theo tinh thần Cơ Đốc, nghĩa là làm điều gì tổn hại đến sức khỏe hay thân thể đều là phạm tội với Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta ý thức trong việc giữ gìn thân thể mạnh khỏe.

“Đầy dẫy khôn ngoan” hay “khôn ngoan càng thêm” đều nói đến tâm trí của Chúa Jesus trong quá trình phát triển. Theo sự đánh giá của các vị giáo sư Do Thái thời đó, Chúa Jesus có sự thông sáng đặc biệt khiến họ kinh ngạc (Lu-ca 2:47). Có một người con khôn ngoan luôn là điều ao ước, và là niềm kiêu hãnh của cha mẹ, nên chúng ta thường bị cuốn vào việc ép con mình học tập. Nhiều đứa trẻ trở nên trầm cảm vì tham vọng của cha mẹ trong việc nhồi nhét kiến thức cho con, khiến đứa trẻ bị bội thực kiến thức. Họ quên mất chỉ số IQ của mỗi người khác nhau. Nhiều phụ huynh còn tạo cho trẻ thói quen học thêm ngày Chúa nhật. Dân gian ta có câu: cần cù bù thông minh. Không sai, nhưng cần cù đúng cách, khoa học mới hiệu quả. Tâm trí khôn ngoan đối với Cơ Đốc nhân cần có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh chứ không phải khôn ngoan theo cách của người đời. Khi sai phái các môn đệ đi giảng đạo Chúa nói: “Ta sai các con đi như đàn chiên giữa muông sói. Vì thế, hãy khôn khéo như rắn và đơn sơ như chim bồ câu.” (Ma-thi-ơ 10:16). Chúa dùng đặc tính của con rắn để dạy chúng ta: khi không cần thiết hãy tránh đi cách nhẹ nhàng, nếu bị hà hiếp, bị bắt nạt, bị lợi dụng cách không chính đáng, chúng ta có thể thẳng thắng từ chối, không hợp tác. Trong mọi tranh luận, biết dừng đúng lúc. Kể ra thì vô số trường hợp trong cuộc sống chúng ta phải đối diện, nhất là những lúc gặp hoạn nạn, khó khăn. Nguyện Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan trong mọi cách cư xử để được “đẹp lòng người ta”.

Trong quá trình phát triển, có thể người ta chưa nhận diện được Chúa Jesus, nhưng họ nhận định được “Ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài” (câu 40) và “… đẹp lòng Đức Chúa Trời” (câu 52). Đối với Chúa Jesus là Thần Nhân bản chất vốn dĩ của Ngài là Thần. Còn chúng ta đã tự đánh mất đi bản chất vốn có ban đầu được Đức Chúa Trời tạo dựng và đã hòa tan vào thế giới của sự tối tăm. Vậy nên, nhờ ơn thương xót Ngài khiến chúng ta trở lại con đường tốt đẹp vốn có ban đầu. Thật sự là một thách thức rất lớn để chúng ta có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, nếu không để Chúa cai trị lòng và ý tưởng của chúng ta. Khi xin Chúa cai trị nghĩa là chúng ta phải vâng phục Chúa trong mọi sự, phải chịu sự sửa phạt, phải sống có kỷ luật, chịu sự huấn luyện, có tấm lòng khao khát muốn học biết về Ngài… thì mới mong được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Càng trở nên giống Chúa là mực thước đánh giá sự trưởng thành của Cơ Đốc nhân. Ước ao đây cũng là mục tiêu đeo đuổi của chúng ta khi bước vào năm mới này.

Cầu nguyện

Con cảm tạ ơn Chúa đã gìn giữ, chăm sóc con trong suốt năm qua. Giữa dịch bệnh, khó khăn Chúa vẫn ban cho con tấm lòng bình an, Ngài vẫn gìn giữ con như con ngươi của mắt Ngài, chu cấp cho con đầy đủ nhu cầu cần dùng. Con đang ở những ngày tiễn biệt năm cũ, nguyện Chúa tiếp tục đồng hành cùng con trong năm mới với những hứa nguyện sống đắc thắng cho Chúa, xin trao dâng Ngài những duyên cớ trong lòng con, giúp ơn để con luôn sống thỏa lòng trong Ngài. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa