Lu-ca | Chúa Nhìn Thấu
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Trong giao tiếp hằng ngày, người ta không chỉ là trao đổi công việc, vài câu xã giao làm quen, tạo mối quan hệ vì nhiều mục đích, mà khen ngợi nhau cũng là phần không kém quan trọng và không thể thiếu trong giao tiếp. Khen nhau thật lòng, hay khen lấy lòng, lấy lệ, hoặc khen để tạo ấn tượng, sự chú ý… tất cả đều có chủ đích mà người được khen đôi khi không nhận ra, chỉ vô tư và vui vẻ đón nhận những lời khen hoa mỹ đó. Trong thời gian thi hành chức vụ trên đất, cũng nhiều lần Chúa Jesus đã từng nghe những lời tán tụng về Ngài như thế, nhưng thực chất tấm lòng của những người thốt lên những lời khen ngợi đó là gì? Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ nghe Chúa Jesus phân tích điều này qua Lu-ca 4:22-24.
22 Ai nấy đều làm chứng về Ngài, lấy làm lạ về các lời đầy ơn lành từ miệng Ngài ra, và nói rằng: Có phải con Giô-sép chăng?
23 Ngài phán rằng: Chắc các ngươi lấy lời tục ngữ nầy mà nói cùng ta rằng: Hỡi thầy thuốc, hãy tự chữa lấy mình; mọi điều chúng ta nghe ngươi đã làm tại Ca-bê-na-um, thì cũng hãy làm tại đây, là quê hương ngươi.
24 Ngài lại phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, không có một đấng tiên tri nào được trọng đãi trong quê hương mình.
Giải thích
Trong năm thứ hai của chức vụ, danh tiếng Chúa Jesus được đồn khắp các vùng lân cận trong miền Ga-li-lê. Đức Thánh Linh đầy dẫy trên Ngài nên khi đến các nhà hội dạy dỗ, dân chúng kéo đến nghe và hết lòng khen ngợi (Lu-ca 4:14-15). Trở về Na-xa-rét lần này, vẫn theo thói quen đến hội đường vào ngày Sa-bát, Chúa Jesus lại giảng dạy và nghe nhiều lời khen ngợi. Nếu dùng môi miệng của con người để khen ngợi những lời giảng dạy của Chúa Jesus thì thật không xứng đáng, nhưng những người dân tại quê hương của Chúa Jesus đang làm điều đó. Họ không chỉ khen ngợi mà còn “ngạc nhiên về những lời đầy linh ân Ngài nói ra” (câu 22). Họ hỏi nhau: “Người nầy há chẳng phải là con của Giô-sép đấy sao?”. Câu hỏi với hàm ý một người xuất thân từ gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo hèn, không được học tập trong môi trường chuyên nghiệp hay giáo sư danh tiếng, sao có thể giảng dạy những lời đầy ơn lành như thế, sao có thể giỏi đến vậy. Những lời khen ngợi nghe như có cánh, nếu là chúng ta hẳn sẽ tự hào lắm đây.
Nhưng đối với Chúa Jesus, Ngài biết sự yêu mến dân chúng dành cho Ngài chỉ hời hợt trên môi miệng. Không có sự cảm kích đúng về việc nhận biết giá trị thật của Ngài. Trong cái nhìn của họ, Ngài là một cậu bé lớn lên giữa vòng dân sự như bao nhiêu cậu bé khác. Phản ứng của Chúa Jesus trước những lời khen ngợi đó không phải là bày tỏ sự cảm kích mà ngược lại, Ngài phơi bày ý nghĩ của họ: “Chắc hẳn các ngươi muốn nói với Ta câu tục ngữ, ‘Y sĩ ơi, hãy tự chữa bịnh cho mình đi.’ Những gì chúng tôi đã nghe ông làm ở Ca-bê-na-um thì cũng hãy làm ở đây, là quê hương của ông, thử xem nào!” (câu 23 – BHĐ). Đây như một lời thách thức Chúa Jesus tự thể hiện mình để được họ công nhận và cũng để tự cứu mình khỏi sự chế giễu của dân chúng. Để được hòa nhập, con người chúng ta có thể sẽ bị thuyết phục trước những lời lẽ như thế. Nhưng Chúa Jesus thì không, Ngài hiểu thấu tấm lòng cứng cỏi, đầy định kiến của họ. Dù cho làm bao nhiêu việc lành cũng không thỏa mãn tính tò mò của họ. Trong nhiều công việc, nhất là trong lĩnh vực hầu việc Chúa, chúng ta cũng thường mắc sai lầm này. Có thể chúng ta muốn thể hiện mình quá mức, đôi lúc mù quáng và bỏ qua mọi lời cảnh báo để dẫn đến mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Chúng ta dễ bị cám dỗ nghe những lời khen ngợi có cánh khiến mình không nhận định được năng lực thật sự của mình, và hành động hấp tấp, thiếu suy xét. Nguyện Chúa giúp chúng ta tỉnh táo, khiêm nhường trước những lời khen ngợi dành cho mình.
Sau khi phơi bày ý nghĩ của dân chúng, Chúa Jesus kết luận: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, không có một đấng tiên tri nào được trọng đãi trong quê hương mình”. Có một nguyên tắc đã ăn sâu trong nhận thức của con người: những vĩ nhân không được kính trọng ở quê hương mình. Ngài minh chứng cho họ hai ví dụ trong thời Cựu Ước. Một là tiên tri Ê-li. Trong lúc xứ Y-sơ-ra-ên đói kém, Ê-li đã không được sai đến với bất kỳ bà góa nào trong xứ mà là bà góa ở xứ Si-đôn. Rồi đến Ê-li-sê cũng được sai đến làm ơn cho một người dân ngoại, mắc bệnh phung ở Sy-ri là quan tổng binh Na-a-man, trong khi người Y-sơ-ra-ên cũng có những người phung nhưng không được chữa lành. Điều này khiến dân chúng trong nhà hội giận dữ vì họ hiểu rõ điều Ngài nói. Phản ứng của họ là đuổi Chúa Jesus ra khỏi thành, đem Ngài lên đỉnh đồi đặng xô xuống vực (Lu-ca 4:28-29). Khi được Chúa Jesus nhắc nhở rằng họ có thể đánh mất đặc ân Đức Chúa Trời dành cho mình thì họ phải thức tỉnh, mới là phản ứng khôn ngoan. Nhưng đáng tiếc một lần nữa họ lại để định kiến đẩy đưa linh hồn mình đến con đường của sự chết.
Xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan hiểu biết Chúa đủ để suy xét lại định hướng đời sống tâm linh của mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa kính yêu, con hết lòng cảm tạ Ngài vì được hưởng đặc ân quý báu từ Đức Chúa Trời. Mỗi ngày trong lời ngợi khen cảm tạ dâng lên Đức Chúa Trời Ba Ngôi, xin Ngài đoái đến tấm lòng thành kính của con. Những định kiến sai trật về niềm tin đối với Chúa và với anh em cùng niềm tin, xin Chúa giúp con thẳng thắn nhìn nhận và thay đổi để tiếp tục sống trong ơn thương xót của Ngài. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét