Sáng Thế Ký | Chúa Vẫn Còn Thương
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Xin chào quý anh chị em yêu dấu! Khi nhắc đến hai bác cháu Áp-ra-ham và Lót, chúng ta vẫn luôn thấy hai hình ảnh trái ngược nhau. Nếu Áp-ra-ham là đại diện cho những người thuộc về Đức Chúa Trời, thì Lót chính là đại diện cho người làm bạn với thế gian. Vẫn luôn có những chỉ trích và lời dạy nhất định rằng chúng ta không nên giống như Lót, chớ yêu mến thế gian và cũng đừng yêu các vật ở thế gian (I Giăng 2:15a). Thế nhưng, cuộc đời Lót được ghi chép lại trong Kinh Thánh không hoàn toàn là những điều tiêu cực. Sứ đồ Phi-e-rơ ghi lại rằng “Lót là người công bình” (II Phi-e-rơ 2:7). Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi những điểm sáng tích cực của Lót qua Sáng Thế Ký 19:1-3. Ở đây chúng ta sẽ khám phá được rằng dẫu có những thất bại và lầm lỗi trong quá khứ nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ vì những điều đó mà bỏ mặc chúng ta, CHÚA VẪN CÒN THƯƠNG khi chúng ta còn biết ăn năn và tìm cầu Ngài.
1 Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đương ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất.
2 Người thưa rằng: Nầy, lạy hai chúa, xin hãy đến ở nhà của kẻ tôi tớ, và hãy nghỉ đêm tại đó. Hai chúa hãy rửa chân, rồi sáng mai thức dậy lên đường. Hai thiên sứ phán rằng: Không, đêm nầy ta sẽ ở ngoài đường.
3 Nhưng Lót cố mời cho đến đỗi hai thiên sứ phải đi lại vào nhà mình. Người dâng một bữa tiệc, làm bánh không men, và hai thiên sứ bèn dùng tiệc.
Giải thích
Trong suốt chương 19 đề cập đến câu chuyện của Lót với cuộc sống tại thành Sô-đôm, nội dung chính tập trung vào những hậu quả đáng buồn về sự suy đồi đạo đức, những suy sụp về tâm linh diễn ra trong xã hội này. Nếu chương 18 mở ra cuộc viếng thăm đầy phước hạnh của ba vị khách đến với Áp-ra-ham ngay trước cửa trại ông, thì chương 19 lại mở màn chỉ với hai thiên sứ đến thành Sô-đôm, nhưng họ cũng không có ý định đến thăm và ở tại nhà Lót. Có những giải thích cho rằng hai thiên sứ này đến Sô-đôm để xác nhận lần nữa về những tội ác “thấu Trời” của dân thành này, nhưng cũng có người cho rằng hai thiên sứ đến để thử thách lòng hiếu khách của Lót. Kinh Thánh không ghi cụ thể mục đích viếng thăm của hai thiên sứ, tuy nhiên qua dòng chảy suốt câu chuyện, chúng ta có thể thấy rằng việc thiên sứ đến với Sô-đôm, nơi có Lót đang sinh sống và trú ngụ như một cứu cánh và sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với ông, Ngài mở cho ông một con đường để có thể thoát khỏi sự hủy diệt khủng khiếp, vì ông được kể là người công bình (II Phi-e-rơ 2:7).
Khi hai thiên sứ đến thì Lót đang “ngồi tại cửa thành” (câu 1a). Ngày xưa, cửa thành là nơi người ta xử kiện, mua bán và giải quyết nhiều vấn đề. Người ngồi tại cửa thành là người có chức vị quan trọng. Do đó ta thấy ông Lót chẳng những chọn Sô-đôm làm nơi sinh sống, mà còn tham gia vào những sinh hoạt của xã hội tội lỗi đó. Nếu Lót đi đến Sô-đôm vì Đức Chúa Trời hướng dẫn, việc ông ở đó sẽ thực hiện những mục đích thiên thượng. Xét cho cùng, Đức Chúa Trời đã đặt Giô-sép ở Ê-díp-tô, Đa-ni-ên ở Ba-by-lôn và Ê-xơ-tê ở Ba-tư, và sự hiện diện của họ trở thành một phước hạnh. Như vậy có thể thấy rằng tính trần tục không phải là vấn đề về địa lý học nhưng là vấn đề về thái độ của tấm lòng.
“Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất” (câu 1b). Hành động “đứng dậy, đón rước, và sấp mình” cho thấy Lót nhận ra đây là thiên sứ của Đức Chúa Trời, điều này có nghĩa là ông vẫn đang có mối liên hệ với Đức Chúa Trời để có thể nhận biết được “người của Chúa”. Ông nhận ra và cũng giống với Áp-ra-ham, bác mình, Lót lập tức đón rước và tỏ lòng tôn kính trước hai vị khách quý này. Sau đó ông mời các thiên sứ về nhà mình để nghỉ qua đêm. Lót có lòng hiếu khách thật sự chứ không phải chỉ là phép lịch sự xã giao, điều đó được chứng minh khi các thiên sứ từ chối nhưng Lót “cố mời cho đến đỗi hai thiên sứ phải đi lại vào nhà mình” (câu 3a). Không dừng lại ở lòng hiếu khách, hành động “cố mời” của Lót còn cho ta thấy rằng: ông đã sai lầm khi quyết định sống chung với những người tội lỗi, tuy nhiên sâu kín trong đáy lòng, ông vẫn kính sợ Chúa và vì thế ông áy náy khó chịu khi thấy tội ác của dân thành Sô-đôm. Phi-e-rơ nói về điều này như sau “… Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình.” (II Phi-e-rơ 2:7-8). Ông biết rõ về tội lỗi của dân thành này và ra sức thuyết phục, nài nỉ các thiên sứ về nhà mình với tấm lòng muốn được bảo vệ họ. Vì chính ông biết rằng Đức Chúa Trời, và những người thuộc về Ngài là thánh khiết và không dung chứa tội lỗi.
Như vậy ý thức về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, đau xót về việc làm trái phép của người khác, và tấm lòng muốn được bảo vệ người thuộc về Chúa tránh những tội lỗi là những điều mà chúng ta nên học hỏi ở Lót khi đang sống giữa thế gian với rất nhiều những tội ác xung quanh. Lót có những chương sai lầm trong cuộc đời mình, nhưng không vì vậy mà Đức Chúa Trời bỏ rơi ông, Ngài vẫn còn thương và mở cho ông một con đường ra khỏi chốn tội lỗi, chỉ cần ông còn nhận biết và kính sợ Ngài.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, con thật lòng cảm ơn Chúa vì Ngài còn thương và không phó mặc con cho tội lỗi. Con tin rằng Ngài vẫn luôn thương xót và có cách giúp con ra khỏi những cám dỗ ở thế gian này. Xin cho con nhạy bén với Thánh Linh Chúa để nhận ra tiếng Ngài giữa những tiếng ồn của cuộc đời này. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Thiên Mỹ Ngôn
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét