Rô-ma | Hãy Nâng Đỡ Anh Em
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ê-sai | Lu-ca | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Xin chào quý anh chị em trong Danh Chúa Giê-xu!
Có một chiến binh Nga, sau khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo, tôi bị tai nạn khiến lưng tôi bị gù. Một ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: “Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?” Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù vậy tôi bình thản trả lời: “Cục bướu đấy cháu ạ”. Tôi chờ đợi cậu bé tiếp tục trò chơi gian ác của nó, nhưng không, nó nhìn tôi một cách trìu mến và nói: “Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có giấu đôi cánh của thiên sứ. Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó.” Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng. Cảm ơn cậu bé đã chấp cho tôi đôi cánh và cho tôi nhìn thấy giá trị của tình yêu và sự nâng đỡ những người cùng khốn như tôi.
Kính thưa quý anh chị em, Lời Chúa trong Rô-ma 15:1-7 có những lời khuyên cho chúng ta là Cơ Đốc nhân cũng HÃY NÂNG ĐỠ ANH EM trong đức tin. Xin mời quý vị cùng suy ngẫm trong giờ tĩnh nguyện hôm nay.
1 Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình.
2 Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân cận mình, đặng làm điều ích và nên gương tốt.
3 Vì Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình, như có chép rằng: Lời của những kẻ nguyền rủa Chúa đã đổ trên mình tôi.
4 Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy.
5 Xin Đức Chúa Trời hay nhịn nhục và yên ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jêsus Christ;
6 để anh em lấy một lòng một miệng mà ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.
7 Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển.
Giải thích
Sách Rô-ma được chia ra làm hai phần chính. Phần đầu từ đoạn 1 đến đoạn 11 trình bày về lẽ đạo căn bản của niềm tin Cơ Đốc, phần sau từ đoạn 12 đến đoạn 16 là những nguyên tắc chung để thực hành nếp sống đạo cũng như những hướng dẫn cụ thể giúp giải quyết những nan đề trong Hội Thánh lúc bấy giờ. Đến đoạn 15 như là lời tóm tắt những điều Chúa đã dùng sứ đồ Phao-lô khuyên bảo Hội Thánh ở đoạn 12 đến 14. Lời kết luận cho nguyên tắc sống đạo là: “Chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình.” (câu 1).
“Kẻ mạnh” là những Cơ Đốc nhân có niềm tin quyết nơi Chúa Giê-xu, có đời sống tự do trong Chúa, không còn ràng buộc với những luật lệ xưa cũ nữa. Đây là những người có đức tin mạnh hơn người khác nên phải “gánh vác” sự yếu đuối của kẻ khác, tức là phải lấy tình yêu thương để nâng đỡ, phải kiên nhẫn chịu đựng để hòa hợp với những “kẻ kém sức” là người còn yếu đuối trong đức tin. Chúng ta thực hành điều này với hai mục đích được sứ đồ Phao-lô nêu lên ở đây:
1) Để giúp ích và gây dựng đức tin anh em (câu 2-4)
Mục đích của sự nâng đỡ anh em “kém sức” này là để “làm đẹp lòng kẻ lân cận mình” điều này không có ý nói chúng ta sống là cố gắng chỉ để đẹp lòng người khác nhưng có nghĩa là chúng ta không sống để thỏa mãn ý riêng và ý thích cá nhân mình nhưng biết sống “đặng làm điều ích và nên gương tốt” (câu 2) cho họ. Bản chất của con người là chỉ nghĩ đến mình và lo cho mình trước, sau đó mới nghĩ đến người khác. Bởi điều này khó làm nên chúng ta cần có học theo gương của Chúa Giê-xu, vì “chính Ngài cũng không làm cho đẹp lòng mình” (câu 3). Chúa Giê-xu đến thế gian để làm theo ý chỉ của Đức Chúa Cha, chứ không phải theo ý riêng của Ngài. Chúa chịu khổ cho đến chết là vì ích lợi cho chúng ta, để cứu rỗi chúng ta.
Sứ đồ Phao-lô cũng nêu thêm một nguồn sức mạnh thuộc linh để giúp chúng ta có thể sống vì ích lợi của người khác, đó là Lời Đức Chúa Trời: “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy.” (câu 4). Chúng ta phải thừa nhận rằng thỉnh thoảng chúng ta không nhịn nhục với những anh em mới tin Chúa, nên chúng ta cần có Lời Chúa nhắc nhở để học “sự nhịn nhục và sự yên ủi” mà có được niềm hy vọng ở trong Chúa.
Nói tóm lại, người đời thường cậy sức mạnh mà chèn ép người yếu và sống ích kỷ, chỉ mưu cầu ích lợi cho mình. Nhưng con cái Chúa, chúng ta phải sống khác với người chưa thế gian, chúng ta cần sống quan tâm, sống rộng lượng, sống vì Chúa và vì người khác.
2) Để Đức Chúa Trời được tôn vinh (câu 5-7)
Phao-lô kết thúc phần này bằng lời cầu nguyện “Xin Đức Chúa Trời hay nhịn nhục và yên ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jêsus Christ;” (câu 5) để chúng ta có thể kinh nghiệm từ Đức Chúa Trời là Đấng có thể ban cho sự hiệp một thiêng liêng. “Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em, để Đức Chúa Trời được vinh hiển.” (câu 7). Kết quả của sự hiệp nhất trong anh em được bắt nguồn từ gương mẫu của Chúa Giê-xu, chính Ngài đã tiếp lấy mỗi chúng ta, là những kẻ tội lỗi đáng hư mất nhưng được kết hiệp trở lại với Đức Chúa Trời, nên giờ đây chúng ta cần “tiếp nhận” và “nâng đỡ” anh em mới tin để danh Đức Chúa Trời được tôn vinh.
Anh chị em thân mến, Hội Thánh nơi anh chị em thờ phượng Chúa có được sự nâng đỡ và sự hiệp nhất như lời Chúa dạy hôm nay không? Để được điều đó thì trước hết mỗi người cần sống vì ích lợi của người khác, khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau hầu Danh Chúa được tôn vinh giữa thế giới này.
Cầu nguyện
Lạy Chúa yêu dấu! Xin giúp chúng ta biết noi gương Chúa Giê-xu, vâng lời Cha, biết nghĩ đến người khác, yêu thương và nâng đỡ người mới đến với Chúa, hầu cho tất cả chúng con có được sự hợp nhất ở trong Ngài và Danh Chúa được cả sáng qua hội thánh của Ngài. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét