I Cô-rinh-tô | Tiệc Thánh Hay Tiệc Phàm?

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Những buổi tiệc, bữa ăn không còn đơn thuần là lấp đầy cái bao tử trống rỗng, nó còn là thời gian để chúng ta chuyện trò, lắng nghe và tìm hiểu về ai đó, là cơ hội cho những mối quan hệ được thiết lập và thêm gắn bó. Thế nhưng tinh thần của những bữa tiệc sẽ khác nhau tùy thuộc vào người chủ tiệc cũng như những người tham gia. Trong Hội Thánh đầu tiên cũng luôn có những bữa tiệc thông công, là nơi mọi người có thể ăn uống, chia sẻ, trò chuyện một cách vui vẻ thật thà mà không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội hay màu da, sắc tộc. Nếu được quay ngược thời gian, tôi ước mình có thể tham dự vào những bữa tiệc của Hội Thánh đầu tiên để cảm nhận được bầu không khí san sẻ đầy yêu thương là như thế nào. Thế nhưng đáng tiếc thay khi Hội Thánh được mở rộng ra nhiều nơi, hình thức tiệc thông công vẫn giữ nhưng tinh thần của bữa tiệc bị thay đổi ít nhiều. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này ở Hội Thánh Cô-rinh-tô qua đoạn Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 11:17-22, để xem những tín hữu ở đây đã biến những bữa tiệc Thánh thành ra bữa tiệc phàm như thế nào.

17 Trong khi tôi truyền lời cáo dụ nầy, chẳng phải khen anh em, vì sự nhóm lại của anh em không làm cho mình hay hơn mà làm cho mình dở hơn.
18 Trước hết, tôi nghe rằng khi anh em có sự nhóm họp Hội thánh, thì sanh ra sự phân rẽ; tôi cũng hơi tin điều đó.
19 Vì chắc trong vòng anh em phải có bè đảng, hầu cho được nhận biết trong anh em những kẻ nào thật là trung thành.
20 Vậy, khi anh em nhóm nhau lại một chỗ, ấy chẳng còn phải là Tiệc thánh của Chúa mà anh em ăn;
21 bởi vì lúc ngồi ăn, ai cũng nôn nả mà ăn bữa riêng mình, đến nỗi người nọ chịu đói, còn kẻ kia thì quá độ.
22 Anh em há chẳng có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh bỉ Hội thánh của Đức Chúa Trời, muốn làm cho những kẻ không có gì phải hổ thẹn? Tôi nên nói chi với anh em? Có nên khen anh em không? Trong việc nầy tôi chẳng khen đâu.

Giải thích

Từ buổi ban đầu của Hội Thánh, các tín hữu có thói quen ăn chung bữa với nhau (Công vụ 2:42). Đó cũng là cơ hội thông công và chia sẻ với những người yếu kém hơn về mặt tài chính. Điểm trọng tâm của bữa ăn thông công này chính là lễ Tiệc Thánh của Chúa. Tiếp nối một chuỗi những vấn đề được nêu ra trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, ở phần Kinh Thánh hôm nay Phao-lô đề cập đến vấn đề xảy ra xung quanh bữa tiệc thân ái này. Gọi là “tiệc thân ái” vì điểm nhấn mạnh chính yếu là bày tỏ lòng yêu thương của các thánh đồ qua việc chia sẻ bữa ăn cho nhau. Đây là một phần trong sự thờ phượng tại Cô-rinh-tô, nhưng dần dần đang bị lạm dụng. Kết quả của của bữa tiệc này không gây dựng, san sẻ hay khích lệ lẫn nhau theo đúng tinh thần ban đầu, thay vào đó là sự nguy hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các tín hữu (câu 17).

Trước hết là sự phân rẽ. “Trước hết, tôi nghe rằng khi anh em có sự nhóm họp Hội thánh, thì sanh ra sự phân rẽ.” (câu 18a). Có nhiều nhóm khác nhau trong Hội Thánh được hình thành, và người ta ngồi ăn với “nhóm riêng” hợp với mình thay vì thông công với toàn thể các anh chị em khác. Chúng ta cũng vẫn còn thấy tình trạng này trong các Hội Thánh hiện đại ngày nay. Tuy nhiên Phao-lô cho chúng ta thấy một lý do cơ bản đáng chú ý về cách Đức Chúa Trời dùng những chia rẽ giữa vòng các tín hữu: “Vì chắc trong vòng anh em phải có bè đảng, hầu cho được nhận biết trong anh những kẻ nào thật là trung thành.” (câu 19). Một điều tốt mà chúng ta có thể nói về những chia rẽ giữa vòng các tín hữu là Đức Chúa Trời dùng những khác biệt của họ để bày tỏ người được Ngài chấp nhận, tức là Đức Chúa Trời dùng điều này để cho thấy ai là Cơ Đốc nhân thật.

Một điểm sai trái khác nữa là thói vị kỷ. Người giàu thì mang nhiều thức ăn cho riêng mình, trong khi các thành viên nghèo thì bị đói. Ý nghĩa ban đầu của “bữa tiệc thân ái” là chia sẻ cho người khác trong tình yêu thương, nhưng người ta đã đánh mất ý tưởng tốt đẹp đó. Thậm chí những người giàu còn say sưa, quá độ (câu 21). Bữa tiệc thân ái hằng tuần có thể là bữa ăn đàng hoàng và tươm tất duy nhất trong tuần mà các tín hữu nghèo khó được hưởng, vì trong số họ có rất nhiều người nghèo và người nô lệ. Nhưng nếu họ bị khinh miệt bởi các thành viên giàu có hơn thì lòng tự ái của họ không phải sẽ bị tổn thương một cách trầm trọng sao? Rõ ràng là sự phân rẽ và thói vị kỷ trong bữa ăn là bằng chứng của những nan đề sâu xa hơn trong Hội Thánh. Tín hữu Cô-rinh-tô nghĩ rằng họ là những con cái Chúa trưởng thành, nhưng thực tế họ chỉ là những con trẻ non nớt. Phao-lô không gợi ý họ bỏ đi thói quen này mà chỉ muốn phục hồi lại ý nghĩa đúng đắn của nó. Hãy để người giàu ăn uống tại nhà riêng nếu họ thấy đói. Còn nếu đối xử tệ với những người kém may mắn hơn mình tức là xem thường Hội Thánh (câu 22). Đáng lẽ ra bữa tiệc Thánh phải là dịp tiện để gây dựng nhưng họ đã biến nó thành bữa tiệc phàm mà gây cớ xấu hổ và vấp phạm cho anh em mình. Một bữa tiệc rượu linh đình không phải là cách tốt nhất để chuẩn bị cho bữa tiệc yêu thương của Chúa. Khinh miệt người khác chắc chắn không phải là cách nhớ đến Đấng Cứu Chuộc đã chết thay cho tất cả tội nhận, cả giàu lẫn nghèo. Thật quan trọng khi chúng ta sửa soạn lòng mình đến dự tiệc Thánh!

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa yêu dấu, cảm ơn Chúa vì con được thuộc về Hội Thánh, là một cộng đồng con được nhận yêu thương, cũng là nơi con học cách bày tỏ tình yêu thương. Mỗi khi con dự lễ Tiệc Thánh, hay tham dự những bữa ăn thông công trong Hội Thánh, xin Chúa giúp con nhớ về tinh thần sẻ chia yêu thương của bữa tiệc thân ái trong Hội Thánh đầu tiên. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Thiên Mỹ Ngôn

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa