I Cô-rinh-tô | Đức Thánh Linh Trong Hội Thánh
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Một trong những dấu hiệu của một người đang đến tuổi trưởng thành là nhận ra sự phát triển của thân thể mình. Trong đời sống thuộc linh cũng vậy. Khi trưởng thành trong Đấng Christ, chúng ta hiểu rõ thêm về Hội Thánh, là thân thể của Đấng Christ. “Thân thể” không phải là hình ảnh duy nhất Phao-lô dùng để chỉ về Hội Thánh, nhưng ông nhấn mạnh đến hình ảnh này vì không thể bàn luận về thân thể mà không nói đến chức vụ của Đức Thánh Linh. Chính Đức Thánh Linh là Đấng đang thi hành chức vụ trong và qua thân thể. Thật buồn khi tình trạng thuộc linh của các tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô là họ hiểu biết lẽ thật về Đức Thánh Linh nhưng lại thiếu hiểu biết về vai trò của Đức Thánh Linh trong Hội Thánh. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu điều này qua phân đoạn Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 12:1-3 hôm nay.
1 Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng.
2 Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình.
3 Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng: Đức Chúa Jêsus đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!
Giải thích
Từ chương 12-14 của I Cô-rinh-tô, Phao-lô bắt đầu hướng sự tập trung vào các ân tứ thuộc linh. Đây là một đề tài gây tranh cãi ngày nay, là giáo lý bị hiểu lầm và lạm dụng rất nhiều. Nhưng không một lĩnh vực nào của giáo lý lại quan trọng hơn sức khỏe thuộc linh và tính hiệu quả của Hội Thánh. Ngoài sự truyền sức lực trực tiếp từ Thánh Linh của Chúa, thì không một điều gì quan trọng đối với tín hữu cho bằng mục vụ thông qua các ân tứ thuộc linh, những khả năng Chúa ban cho trong sự phục vụ. Tài năng siêu nhiên hay ân tứ qua Đức Thánh Linh được ban cho nhằm để trở nên công cụ thiên thượng trong công tác rao truyền Phúc Âm cho thế gian. Đó cũng là sự cung ứng siêu nhiên mà Chúa ban để gây dựng Hội Thánh. Đây là những công cụ mà qua đó tín hữu phải được lớn lên, sử dụng nó trong sự thờ phượng, làm chứng nhân và phục vụ. Các ân tứ thuộc linh thật sự được ban cho bởi Đức Chúa Trời để củng cố và bày tỏ tính chất hiệp nhất, sự hòa hợp và năng quyền. Những ân tứ giả mạo của Sa-tan là để chia rẽ, phá vỡ, và làm suy yếu. Các ân tứ của Chúa thì xây dựng; các ân tứ giả mạo của Sa-tan thì đánh đổ.
Quan trọng là thế nên Phao-lô đã nhấn mạnh trong câu 1 rằng: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em không biết gì cả về các ân tứ thuộc linh.” Phao-lô muốn đảm bảo rằng người Cô-rinh-tô có một sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về những ân tứ thuộc linh của họ, sự trang bị đặc biệt cho chức vụ và Đức Thánh Linh ban cho trong một mức độ nào đó cho mọi tín đồ và nó phải hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát của Ngài và được sử dụng cho sự vinh hiển của Đấng Christ.
Để làm rõ hơn về tầm quan trọng của sự hiểu biết các ân tứ thuộc linh qua Đức Thánh Linh, Phao-lô đối chiếu nét tương phản giữa kinh nghiệm của họ trong khi còn cách xa không biết chân lý với kinh nghiệm hiện tại là một Cơ Đốc nhân. Họ đã thờ lạy thần tượng hư không, bị nô lệ cho tội lỗi, bị khuyên dỗ, để tùy ý người ta dẫn mình đi (câu 2); nhưng giờ đây họ thuộc về Đức Chúa Trời hằng sống. Hình tượng thì câm nín, nhưng Đức Chúa Trời trò chuyện với họ qua Đức Thánh Linh, và Ngài cũng bày tỏ về chính mình cho họ qua những ân tứ hay khả năng siêu nhiên được ban cho.
Tuy nhiên một số thuộc viên của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô dường như đã trở nên quá xác thịt, sự thờ phượng của họ đã bị ngoại giáo hóa quá mức và trở nên điên cuồng, đến nỗi thậm chí họ đã để cho Chúa bị nguyền rủa ngay trong chính hội chúng của mình. Phao-lô đã quở trách toàn bộ Hội Thánh vì đã cho phép một sự bất khiết như vậy và vì họ đã quá ngu dốt trước sự phân biệt điều gì là thuộc linh và điều gì thuộc về ma quỷ. Phao-lô nói với những người Cô-rinh-tô rằng không có một lời phát biểu mang tính phỉ báng nào như vậy lại có thể ra từ sự cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời (câu 3a). Như vậy chẳng khác nào họ đang nguyền rủa chính Thần mà mình đang thờ phượng. Nhưng người Cô-rinh-tô đã đoán xét bản chất và việc sử dụng những ân tứ trên nền tảng kinh nghiệm chứ không phải nội dung. Họ đã rơi trở lại rất sâu vào trạng thái xuất thần và sự nhiệt tình mà sự phán đoán của họ đã hoàn toàn bị bóp méo.
Phao-lô nói tiếp: “Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!” (câu 3b). Điều này có nghĩa chỉ bởi sự cảm động của Đức Thánh Linh con người mới có thể thật lòng thưa rằng “Giê-xu là Chúa”. Còn các tội nhân thì lộng ngôn dưới sự sai khiến của ma quỷ. Thật là quan trọng khi biết rằng người tin Chúa luôn có thể làm chủ được mình khi Đức Thánh Linh đang ở cùng người đó. Bởi vì Chúa Giê-xu trở thành Chủ của người và cai trị người. Bất cứ điều gì gọi là “hành động bày tỏ của Chúa Thánh Linh” mà cướp đi sự tự chủ khỏi con người đều chẳng thuộc về Đức Chúa Trời, vì “trái của Thánh Linh là…tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Việc một người thật sự tin rằng Chúa Giê-xu là ai chính là bài thử nghiệm về việc những gì mà người đó dạy dỗ hay làm có phải là bởi cảm Đức Thánh Linh hay không. Đức Thánh Linh luôn luôn dẫn con người đến chỗ gán uy quyền cho Chúa Giê-xu Christ như là một Thân vị không thể chia tách được và mang tính thiên thượng, được vâng lời theo một cách hoàn toàn. Đó chính là lời chứng của Đức Chúa Cha, của Đức Thánh Linh, và của chính Chúa Giê-xu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, cảm ơn Đức Thánh Linh vì Ngài đang ở cùng con, cho con nhận biết được Lẽ Thật trong Lời Ngài. Con tuyên xưng rằng Chúa Giê-xu Christ là Chúa trong đời sống con. Xin Đức Thánh Linh Chúa chiếm hữu trọn đời sống con và hướng dẫn con sống trở nên giống như Đấng Christ mỗi ngày. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Mỹ Ngôn
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét