Lu-ca | Khước Từ Phước Hạnh
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Xin chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Khi đọc phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 14:15-20 mà chúng ta sẽ cùng suy ngẫm hôm nay, tôi chợt nhớ khi còn bé, mỗi khi được ba mẹ dẫn đi ăn tiệc, dù là tiệc gì, tôi cũng đều rất hồ hởi vì được ăn ngon và được ăn nhiều món lạ. Có những lúc mẹ tôi từ chối, để ba tôi đi một mình, tôi thường trách mẹ, không phải vì tôi không được đi, mà trong suy nghĩ đơn giản của một đứa trẻ năm tuổi rằng: “Tại sao được đi ăn tiệc ngon thế mà mẹ từ chối?!”. Sau này khi lớn, tôi mới vỡ lẽ vì những lý do của mẹ thật đơn giản. Nào là phải trang điểm, quần áo phải tươm tất, mẹ ngại tiếp xúc với đám đông, công việc nhà còn bề bộn quá… đủ thứ lý do mẹ bày ra để ở nhà. Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của người chủ tiệc, mà bị khách mời từ chối đến dự, thật buồn phải không quý anh chị em? Bữa tiệc chúng ta đề cập hôm nay không phải là bữa tiệc bình thường mà là bữa tiệc trong vương quốc Đức Chúa Trời. Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta chỉ còn nghĩ đến những bữa tiệc vật chất mà không còn quan tâm đến yến tiệc tâm linh chúng ta sẽ dự. Chúng ta cùng bước vào phần Kinh Thánh Lu-ca 14:15-20.
15 Một người đồng tiệc nghe lời đó, thì thưa Ngài rằng: Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trong nước Đức Chúa Trời!
16 Nhưng Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn.
17 Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.
18 Song họ đồng tình xin kiếu hết. Người thứ nhứt nói rằng: Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu.
19 Kẻ khác rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu.
20 Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được.
Giải thích
Bối cảnh khi Chúa Jesus nói đến ví dụ này là lúc Ngài đang dự tiệc tại nhà một người Pha-ri-si. Những nguyên tắc đạo đức về Nước Trời được Chúa Jesus dạy dỗ ngay cho khách dự tiệc. Trước hết, khi vào dự tiệc thì nên tìm một vị trí thấp để ngồi, nếu chủ tiệc có đến nói rằng: “Bạn ơi, mời bạn lên ghế cao hơn”, như thế anh sẽ được vinh dự trước mặt toàn thể quan khách. Khiêm nhường là điều nên làm theo gương Chúa Jesus (Phi-líp 2:5-8). Còn đối với chủ tiệc, Ngài lại nói: “Nhưng khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khổ, bại liệt, què quặt, mù lòa, thì sẽ được phước vì họ không thể nào mời lại để đền ơn ông, còn ông sẽ được đền ơn trong ngày người công chính sống lại.” (Lu-ca 14:13-14). Sống bày tỏ lòng nhân ái đối với người nghèo khổ, tàn tật chính là một trong những nguyên tắc cao cả của Cơ Đốc nhân. Một vị khách dự tiệc khi nghe Chúa Jesus nói những điều này có vẻ như ông lấy làm cảm kích mà thốt lên: “Phước cho ai được ăn tiệc trong Nước Đức Chúa Trời.” (BDM). Thật là một phước hạnh lớn theo suy nghĩ của vị khách này, nhưng Chúa Jesus nói với ông cùng những khách dự tiệc khác biết một sự thật đáng buồn, đó là các khách mời đã từ chối không nhận lời dự tiệc hoặc hờ hững không quan tâm vì những lý do hết sức ngờ nghệch. Qua ví dụ về yến tiệc lớn mà Chúa kể, chúng ta thấy có ba lý do mà người được mời từ chối dự tiệc.
Thứ nhất: “Tôi phải đi coi đám ruộng mới mua.” Trong thực tế, những tài sản lớn như vậy, người ta phải xem xét kỹ càng trước khi quyết định mua. Dù đã sở hữu đám ruộng, người này vẫn đặt tâm trí mình vào nó, lấy làm cớ để không đến dự tiệc. Cho dù thế nào, anh ta cũng vẫn đặt lòng yêu mến vật chất lên trên lời mời ân điển.
Thứ hai: “Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử.” Chúa Jesus mô tả người này xem công việc, nghề nghiệp và việc làm ăn hơn sự kêu gọi của Đức Chúa Trời.
Thứ ba: “Tôi mới cưới vợ, không đi được.” Tình cảm dựa trên mối quan hệ gia đình và xã hội chính là rào cản để người đó không thể đón nhận một tình cảm thiêng liêng cao cả, đời đời, bền vững hơn tình cảm của con người dành cho nhau.
Khi bữa tiệc đã chuẩn bị xong, chủ tiệc sai đầy tớ mình báo tin cho các khách mời rằng: “Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.” Nếu là khách dự tiệc, chúng ta sẽ hình dung ra công khó để chuẩn bị cho buổi yến tiệc là thế nào. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến công trình cứu rỗi mà Chúa Jesus đã thực hiện để chuẩn bị cho yến tiệc trong Vương quốc Đức Chúa Trời dành cho hết thảy muôn dân thuộc về Ngài. Đoạn đường ba năm chức vụ với những hỉ, nộ, ái, ố, cùng trận chiến bản ngã để bước lên thập tự giá mà Chúa Jesus trải qua, là để đem phước hạnh thật sự cho người được mời đến dự yến tiệc.
Những lời từ chối dự yến tiệc được tìm thấy trong xã hội chúng ta đang sống dưới rất nhiều hình thức tinh vi mà ma quỷ đánh lừa con người. Dù là lý do gì, chung quy cũng vẫn là của cải vật chất, công việc, tình cảm chi phối con người khiến nhu cầu tâm linh không còn là mối bận tâm nữa. Thế giới trải qua cơn đại dịch Covid, khiến nhịp sống của con người bị chậm lại, cơ hội chiêm nghiệm về đời sống tâm linh được thức tỉnh, nhưng còn nhiều người vẫn chưa thật sự nghiêm túc đầu tư cho đời sống tâm linh của mình trong tương lai. Nguyện xin Chúa cho mỗi Cơ Đốc nhân tái xác nhận lại niềm tin của chính mình, vì chúng ta đang ở trong thời kỳ Chúa gia hạn, Ngài sẽ trở lại đem chúng ta vào dự bữa tiệc ân điển bất cứ lúc nào, chúng ta phải luôn ở trong tinh thần sẵn sàng, đừng từ chối lời mời yêu thương của chủ tiệc.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Con cám ơn tình yêu vô bờ bến mà Chúa Jesus đã dành cho nhân loại trong đó có con, để con được hưởng yến tiệc phước hạnh trong vương quốc Ngài. Cuộc sống tại trần gian này có vô số điều cám dỗ có thể khiến một lúc nào đó con từ chối cơ hội nhận phước hạnh Ngài ban, nguyện ơn thương xót của Ngài hằng theo con luôn. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét