Sáng Thế Ký | Người Vợ Không Được Chồng Yêu

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Chúc quý anh chị em một ngày mới bình an phước hạnh!

Có thể nói câu chuyện về “tam giác tình yêu” nổi bật nhất trong Kinh thánh là hôn nhân của Gia-cốp với hai chị em Lê-a và Ra-chên. Ngày nay khi đọc câu chuyện này có lẽ ai trong chúng ta cũng lấy làm lạ và có nhiều thắc mắc: Tại sao Lê-a là người vợ trước của ông Gia-cốp nhưng lại không được chồng yêu thương? Trong vị trí của Lê-a tại sao cô lại không đòi hỏi quyền lợi cho mình?

Thông thường chúng ta yêu thích những câu chuyện tình yêu lãng mạn, đồng cảm với những người phụ nữ đấu tranh cho tình yêu để được sự công nhận, còn cuộc sống trái ngược của Lê-a với cô em gái Ra-chên khiến cho nhiều người bất bình vì thấy cô bị đối xử bất công khi luôn bị chồng từ chối và không được yêu thương. Về lý lẽ thì Lê-a không có lỗi gì cả, cô đã bị cha ép buộc vào cuộc hôn nhân với Gia-cốp chứ cô không “cướp” chồng của em gái mình. Tuy không được chồng yêu nhưng Lê-a đã không hành xử như những cô vợ xấu tính hay ghen khác. Phía sau những tình tiết này chúng ta thấy một Đức Chúa Trời công bình, Đấng luôn bênh vực và ban phước cho những người bị khước từ. Hôm nay Mana Thuộc Linh kính mới quý anh chị em cùng suy ngẫm về bản chất yêu thương của Đức Chúa Trời qua câu chuyện được ghi trong Sáng Thế Ký 29:31-35.

31 Đức Giê-hô-va thấy Lê-a bị ghét, bèn cho nàng sanh sản; còn Ra-chên lại son sẻ.
32 Lê-a thọ thai, sanh một con trai, đặt tên Ru-bên, vì nói rằng: Đức Giê-hô-va đã thấy sự cực khổ tôi; bây giờ chồng sẽ yêu mến tôi.
33 Nàng thọ thai nữa và sanh một con trai, đặt tên Si-mê-ôn; vì nói rằng: Đức Giê-hô-va có nghe biết tôi bị ghét, nên cho thêm đứa nầy.
34 Nàng thọ thai nữa và sanh một con trai; nàng rằng: Lần nầy chồng sẽ dính díu cùng tôi, vì tôi đã sanh cho người ba con trai; bởi cớ đó, đặt tên là Lê-vi.
35 Nàng thọ thai nữa, sanh một con trai, và nói rằng: Lần nầy tôi ngợi khen Đức Giê-hô-va; vì cớ ấy, đặt tên là Giu-đa. Đoạn, nàng thôi thai nghén.

Giải thích

Kinh Thánh cho biết Ra-chên là cô gái “có hình dung đẹp đẽ, vẻ mặt tốt tươi” nên đã thu hút Gia-cốp ngay từ lần gặp đầu tiên khi ông vừa đặt chân đến xứ Cha-ran. Mặt khác, chị gái Lê-a của cô chỉ là một cô gái bình thường với đôi mắt yếu, có thể là cô bị cận thị. Nếu thời nay thì có lẽ Lê-a là cô gái phải đeo một cặp kính dày cộm, và hầu như không thể so sánh với Ra-chên xinh đẹp. Vì yêu Ra-chên và muốn cưới cô nên Gia-cốp sẵn sàng làm việc không công, ở rể cho nhà La-ban bảy năm trường. Thế nhưng, ông La-ban lại chỉ gả con gái lớn là Lê-a cho Gia-cốp. Dù được gả trước nhưng Lê-a không được Gia-cốp yêu mà ông vẫn muốn cưới người mình yêu là Ra-chên, nên vì thế mà Gia-cốp lại phải làm thêm cho bố vợ bảy năm nữa. “Gia-cốp đi lại cùng Ra-chên, thương yêu nàng hơn Lê-a. Vậy, người ở giúp việc nhà La-ban thêm bảy năm nữa.” (Sáng Thế Ký 29:30)

Hầu hết mọi phụ nữ đều khao khát cảm giác an toàn và hãnh diện khi được người chồng của mình yêu thương và quan tâm. Trong câu chuyện này chúng ta thấy có vẻ thật bất công cho Lê-a là người vợ không được chồng yêu, nhưng phần Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta một bằng chứng của một Đức Chúa Trời công bình và yêu thương: “Đức Giê-hô-va thấy Lê-a bị ghét, bèn cho nàng sanh sản; còn Ra-chên lại son sẻ.” (câu 31)  

Từ “ghét” trong câu này không có ý nói đến sự ngược đãi mà có nghĩa là Gia-cốp dành tình cảm của mình cho Ra-chên nhiều hơn cho Lê-a, ông yêu Ra-chên hơn và quan tâm đến cô em hơn cô chị.

Thật kỳ lạ là Gia-cốp đã làm việc vất vả 14 năm không nhận lương để được hai người vợ, nhưng chỉ một người vợ sinh con. Theo quan niệm của người Do Thái thì con cái là phước hạnh, là cơ nghiệp từ Chúa ban cho, nên Đức Chúa Trời đã lấp đầy sự thiệt thòi và thiếu hụt tình cảm mà Lê-a đã phải chịu trong hôn nhân của mình, Ngài ban phước cho cô qua việc cô liên tục sinh bốn đứa con cho chồng.  

Chúa cho Lê-a thọ thai con đầu lòng, và cô đặt tên là Ru-bên, nghĩa là “hãy xem, một con trai” vì mọi người cha Do Thái đều muốn có con trai. Cô nghĩ rằng: “Đức Giê-hô-va đã thấy sự cực khổ tôi; bây giờ chồng sẽ yêu mến tôi.” (câu 32). Lê-a hy vọng rằng đứa con trai mà cô sinh ra sẽ khiến chồng yêu nhưng cô đã nhầm tưởng. Thế rồi Đức Chúa Trời cho Lê-a thọ thai đứa con thứ hai và cô đặt tên là Si-mê-ôn, nghĩa là “nghe” với hàm ý rằng cô đã nói với Đức Chúa Trời về sự khốn khổ của mình, Ngài thật sự đã nghe, đã thấu hiểu nên mới ban đứa con này. Thế nhưng, việc sinh hai đứa con vẫn không thể có được tình cảm của người chồng và rồi Chúa lại ban cho cô đứa con thứ ba, cô đặt tên là Lê-vi với lòng tin rằng lần này chồng sẽ gắn bó với mình, vì đã sinh cho chồng ba người con trai trong khi người vợ mà chồng yêu thì vẫn chưa sinh được đứa con nào.

Hẳn là cô chịu nhiều tổn thương và đau khổ khi có một người chồng chỉ vì bổn phận chứ không phải vì có tình cảm với mình. Và rồi Đức Chúa Trời ban phước cho cô diệu kỳ hơn khi đứa con thứ tư ra đời. Đứa con trai này mang đến cho đời sống cô một niềm vui mới nên cô đặt tên con là Giu-đa, nghĩa là “ngợi khen”. Thay vì phàn nàn với Chúa về người chồng vô cảm của mình, giờ đây cô ngợi khen Chúa về những phước hạnh của Ngài: “Lần này tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va” (câu 35).

Dù không được chồng yêu thương nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho Lê-a một di sản vĩ đại là dòng dõi của dân Y-sơ-ra-ên ra từ cô. Ba trong số sáu người con trai của cô: Ru-bên, con trai đầu lòng; Lê-vi, cha của chức tế lễ; và Giu-đa, từ dòng dõi ông đã sinh ra Đa-vít, vua dân Y-sơ-ra-ên, và chính Đức Chúa Giê-xu, Vua trên muôn vua đã đến thế giới qua hậu tự của Giu-đa.

Có khi nào bạn cũng thấy mình không được ai yêu giống như Lê-a không? Hãy suy ngẫm về ý nghĩa đằng sau câu chuyện này để hiểu sâu hơn thông điệp của Chúa. Ngài đang muốn nói với những người cảm thấy rằng mình chẳng được ai yêu hay những người vợ không được chồng yêu, thì Ngài chính là người yêu của người đó. Chúa sẽ lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn và tình cảm của chúng ta và Ngài đã hoạch định sẵn một di sản vĩ đại cho chúng ta, và điều đó không liên quan gì đến việc chúng ta có được một ai đó yêu thương hay không.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa vì tình yêu lớn lao của Ngài đối với con. Chúa đã tạo ra con, yêu thương và hiểu rõ bản chất bên trong con, từ những suy nghĩ, mong muốn và cảm xúc của con. Tình yêu của Ngài vượt trên bất kỳ tình yêu nào của con người hữu hạn và tình yêu đó có thể khỏa lấp tất cả những sự thiếu thốn về tinh thần lẫn tình cảm, và cả tâm linh của con. Xin cho con cảm nhận được tình yêu vô hạn của Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa