Lu-ca | Người Quản Gia (Phần I)

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônÔ-sêLu-caI Cô-rinh-tôI Giăng

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Trong những năm gần đây, báo chí trong nước hay đưa tin về những vị quan chức đầu ngành, đầu tỉnh tham nhũng, làm sai quy định trong công tác quản lý một cách nghiêm trọng. Con người khi đứng trước quyền hành và tiền bạc thường bị cám dỗ mắc sai phạm. Thay vì nhận khuyết điểm, họ lại tìm những kẽ hở của luật pháp để lách luật, không bao giờ nhận sai mà luôn tự bào chữa với nhiều lý do. Phân đoạn Kinh Thánh Lu-ca 16:1-9 Chúa Jesus nói đến ví dụ về người quản gia bất trung, đây là phân đoạn Kinh Thánh thật khó hiểu. Khó ở chỗ, người quản gia bất trung nhưng lại được khen ngợi vì cách giải quyết của anh ta đối với nan đề của mình. Chúng ta sẽ tìm hiểu phân đoạn Kinh Thánh này qua hai phần. Hôm nay chúng ta xem và suy ngẫm phần đầu trong Lu-ca 16:1-4.

1 Đức Chúa Jêsus lại phán cùng môn đồ rằng: Người giàu kia có một quản gia, bị cáo với chủ rằng người tiêu phá của chủ.
2 Vậy, chủ đòi người đó mà nói rằng: Ta nghe nói về ngươi nỗi chi? Hãy khai ra việc quản trị của ngươi, vì từ nay ngươi không được cai quản gia tài ta nữa.
3 Người quản gia tự nghĩ rằng: Chủ cách chức ta, ta sẽ làm gì? Làm ruộng thì ta không có sức làm nổi, còn đi ăn mày thì hổ ngươi.
4 Ta biết điều ta sẽ làm, để khi bị cách chức, có kẻ tiếp rước ta về nhà.

Giải thích

Quản gia là công việc đòi hỏi sự khôn khéo và tính trung thực rất cao. Người làm công việc này phải được chủ rất tin tưởng, vì người đó coi sóc hầu như không chỉ con cái, tài sản của chủ mà còn quản lý hết cả những người làm công của chủ. Người quản gia trong ví dụ này không được uy tín tốt. Theo bản hiệu đính ghi rằng ông ta bị tố cáo đã phung phí tài sản của chủ. Chủ gọi ông ta và nói: Tôi nghe người ta tố cáo anh về điều gì đó? Hãy khai trình việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa.Trong trí anh ta liền xuất hiện kế hoạch dự phòng sau khi bị thất nghiệp. Kế hoạch đó được thực hiện thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần hai. Còn bây giờ chúng ta quay trở lại với cách làm việc của người quản gia này để tìm ra bài học thực tiễn cho đời sống.

Trước hết người quản gia này đã lạm dụng quyền hành. Có thể coi quyền hành của người quản gia chỉ sau chủ. Trong một số gia tộc, đôi khi quản gia được tín nhiệm, còn có quyền hành trên cả con cái của chủ. Người quản gia này bị tố cáo đã phung phí tiền của chủ. Lẽ ra anh ta phải gom góp, tiết kiệm trong tiêu xài cho nhà chủ, anh ta lại vung tay để biển thủ tiền bạc của chủ. Lợi dụng sự tín nhiệm của chủ để thu lợi bất chính cho mình. Trong xã hội, điều này xảy ra khắp nơi, thậm chí cũng có khi rơi vào cả tín hữu Cơ Đốc, nhất là đối với những người giữ tiền quỹ của Hội Thánh. Đôi khi chúng ta ngại và muốn giữ thể diện cho người mắc sai phạm, chỉ giải quyết vấn đề cách âm thầm, sợ Hội Thánh bị tiếng xấu, danh Chúa bị sỉ nhục… Việc làm sai trái của người quản gia bị tố cáo, Kinh Thánh không cho biết ai là người đứng ra tố cáo, nhưng đó là việc nên làm. Trong Hội Thánh, cũng nên công khai những sai phạm của người quản lý, dù là ở vị trí nào, vì nếu việc đó cứ bị ém nhẹm thì người đó đi đến đâu lại gây thiệt hại cho Hội Thánh địa phương đến đó. Đôi khi chúng ta sợ người mắc sai phạm bị công khai sẽ bỏ Chúa, tại sao chúng ta không nghĩ có khi nhờ việc đó anh ta được thức tỉnh và ăn năn.

Hậu quả của việc quản lý sai trái là người này bị buộc phải thôi việc, nhưng trước đó anh ta phải khai trình việc quản lý của mình với chủ. Người chủ hay người giàu trong câu chuyện này chính là hình ảnh của Đức Chúa Trời, còn người quản gia là bất cứ môn đồ nào của Chúa Jesus. Mỗi môn đồ có thể được Chúa giao quản lý các công trường thuộc linh khác nhau. Người quản gia yêu mến chủ sẽ làm tốt công việc của mình, đem lại nhiều lợi ích cho chủ. Đức Chúa Trời tạo dựng nên chúng ta nên Ngài biết chúng ta rất rõ, rõ hơn cả chúng ta tự biết mình. Khi Chúa giao phó chúng ta quản lý công vụ nào thì Ngài sẽ ban ân tứ cho chúng ta trong lĩnh vực đó, đừng tìm cách thoái thác mà nên cậy ơn Chúa làm thật tốt. Nếu chúng ta kính sợ Chúa, chúng ta sẽ nhiệt thành, hết lòng trong công việc Chúa, vì chúng ta sẽ phải khai trình việc quản lý của mình với Chúa, nên chúng ta sẽ làm việc trong tinh thần không phải khai trình để bị đoán phạt nhưng để nhận sự khen thưởng từ Ngài. Nguyện chúng ta được khích lệ khi nhận sứ vụ từ Ngài như lời bài Biệt Thánh Ca “Ngài Ban Cho Thêm Ơn” có những ca từ sau “Ngài ban cho thêm ơn khi giao phó ta thêm trọng trách. Nào khi gian lao tăng, Christ thêm sức lực phi thường.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa kính yêu, con vui mừng cảm tạ Ngài vì đã sử dụng cuộc đời con trong việc mở mang vương quốc của Ngài trên đất; cảm tạ Ngài đã giao cho con quản lý các ân tứ cần dùng trong công việc Ngài. Xin Chúa giúp ơn để con làm tốt trách nhiệm Ngài trao ban, cho con trung tín với sứ vụ Ngài giao phó. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa