I Cô-rinh-tô | Phụ Thuộc Hay Độc Lập?
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Chủ nghĩa cá nhân là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một cách nhìn nhận trên phương diện xã hội, chính trị hoặc đạo đức trong đó nhấn mạnh đến lợi ích của mỗi cá nhân, sự độc lập của con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân[1]. Chủ nghĩa này thật hấp dẫn bởi con người tự nhiên thường có xu hướng không chỉ làm công việc của chính mình mà còn thích làm một mình, hay ít nhất làm mà không bị phụ thuộc hay phục tùng người khác. Kể từ khi Ca-in lần đầu tiên chối bỏ trách nhiệm của mình đối với sự an toàn của em trai (Sáng Thế Ký 4:9), con người đã khinh thường suy nghĩ về trách nhiệm đối với người khác. Triết lý cho rằng chúng ta về cơ bản là tự lo cho mình được và không cần đến bất kỳ ai khác là triết lý của Sa-tan, điều đó trái ngược với kế hoạch và ý định của Đức Chúa Trời dành cho con người. Chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn mâu thuẫn với Kinh Thánh. Trái ngược với từ ĐỘC LẬP gắn liền với chủ nghĩa cá nhân thì PHỤ THUỘC là tính từ diễn tả đời sống của một Cơ Đốc nhân thật tin cậy vào Đức Chúa Trời. Qua đoạn Kinh Thánh hôm nay trong I Cô-rinh-tô 12:20-31, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ rằng mình đang ĐỘC LẬP HAY PHỤ THUỘC trong niềm tin với Đấng Christ và Thân của Ngài, là Hội Thánh.
20 Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.
21 Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: Ta chẳng cần đến bay.
22 Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng.
23 Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn,
24 còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn,
25 hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.
26 Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng.
27 Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy.
28 Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.
29 Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy là thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao?
30 Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao?
31 Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết. Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn.
Giải thích
Tính đa dạng trong thân thể là bằng chứng về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Mỗi bộ phận đều cần đến các bộ phận khác, và không có bất kỳ bộ phận nào có thể sống độc lập được. Khi có một bộ phận sống độc lập, lúc ấy sức khỏe của người đó đang gặp nguy hiểm đến tính mạng. Trong một thân thể lành mạnh, các bộ phận khác nhau thực hiện các chức năng khác nhau nhưng kết hợp và bổ sung cho nhau khi có vấn đề xảy ra. Ngay lúc một bộ phận nói với một bộ phận khác rằng “tôi không cần đến anh” thì nó bắt đầu suy yếu, chết dần, và gây rối cho toàn thân thể. Như vậy các chi thể tuy khác nhau nhưng không độc lập với nhau, nó phụ thuộc lẫn nhau và tự tìm đến sự liên kết khi cần nhau.
“Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn” (câu 23-24). Có những chi thể rõ ràng và nổi trội như mắt, mũi, hay tay chân, nhưng cũng có những chi thể chỉ nhỏ bé và ẩn ở bên trong, nhiều khi chúng ta lại xem nhẹ và không quan tâm đến. Nhưng so với các chi thể không cần đến sự quan tâm đặc biệt, thì các chi thể yếu đuối và không thể phô bày ra cần phải được đối xử tôn trọng và nhã nhặn hơn theo cách đặc biệt. Đức Chúa Trời đã hợp nhất các chi thể của thân và ban thêm sự tôn trọng cho các phần thiếu thốn. Điều cốt lõi của vấn đề là Đức Chúa Trời không muốn có sự tồn tại của chia rẽ, mà muốn mọi người đồng lo tưởng đến nhau (câu 25).
Hội Thánh Cô-rinh-tô được kể là thân thể của Chúa Cứu Thế và mỗi người trong số họ là một phần của thân ấy. Nhưng tình trạng của Hội Thánh cho chúng ta thấy rằng một số người thì quá tự hào dẫn đến tự cao trong ân tứ mình có được, ngược lại có một số tín hữu lại trở nên tự ti vì sự phục vụ quá tầm thường và không được để ý, vì vậy mà họ nản lòng, muốn rút lui. Chính vì không có sự nhận thức đúng đắn về nguồn gốc và mục đích của các Ân Tứ Thánh Linh, và không hiểu được ý nghĩa thật trong Thân Chúa. Từ đó mà họ hầu việc Chúa theo cách gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên khác. Chúng ta biết rằng cả việc phân bổ các ân tứ cho Cơ Đốc nhân lẫn việc sắp đặt thứ tự ưu tiên đều thuộc về thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Các vai trò của chức vụ được Phao-lô đề cập đến ở câu 28-30 một lần nữa nhấn mạnh cho các tín hữu ở Hội Thánh Cô-rinh-tô rằng sự hầu việc Chúa cách độc lập và riêng lẻ như vậy liệu sẽ có ích cho Thân Chúa? Tất cả tuy khác biệt nhưng không chia rẽ, đều phải hiệp một và giúp đỡ nhau. Hơn thế nữa Phao-lô còn khuyên các tín hữu phải ước ao các sự lớn lao hơn nữa (câu 31), nhưng vì sợ rằng họ tìm kiếm điều đó với tinh thần kiêu ngạo vốn đang được phản ánh như vậy thì nguy hiểm hơn nên ông đã nói về con đường tốt lành hơn hầu cho họ có thể cùng nhau phục vụ.
Bạn đang ở trong Hội Thánh với tinh thần phụ thuộc và nâng đỡ nhau, hay với tinh thần phục vụ một cách độc lập, chỉ mình tôi với Chúa là đủ?
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa, xin tha thứ cho thái độ không đúng của con trong khi phục vụ, con chỉ biết khoe mình và làm một cách độc lập. Xin Chúa dạy con sống và phục vụ luôn luôn với tinh thần khiêm nhường, phụ thuộc lẫn nhau để gây dựng và hiệp một trong Thân Chúa. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Mỹ Ngôn
[1] Chủ nghĩa cá nhân – Wikipedia tiếng Việt
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét