I Cô-rinh-tô | Tính Hiệp Nhất & Đa Dạng
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ô-sê | Lu-ca | I Cô-rinh-tô | I Giăng |
Lời ngỏ
Trong những vấn đề xảy ra trong Hội Thánh Cô-rinh-tô thì việc họ sử dụng những ân tứ thuộc linh một cách sai trật là một trong những điều phản ánh sự trần tục xác thịt của họ, đồng thời liên hệ mật thiết với sự chia rẽ gây ra trong cộng đồng. Trong khi minh họa cho sự đa dạng của các ân tứ thuộc linh, sứ đồ Phao-lô đã rất nhiều lần nhắc đi nhắc lại về nguồn cội duy nhất của tất cả những điều đó đến bởi chỉ một Đức Chúa Trời. Như vậy chúng ta thấy được tính HIỆP NHẤT trong Chúa nhưng sự ĐA DẠNG lại là nhân tố chủ yếu của sự đồng nhất này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn điều này qua đoạn Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 12:12-18.
12 Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.
13 Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.
14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể.
15 Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân.
16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân.
17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?
18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.
Giải thích
Ở đoạn này Phao-lô giải thích và minh họa bản chất cũng như tầm quan trọng của sự hiệp nhất trong Hội Thánh, và rồi một lần nữa tầm quan trọng của sự đa dạng như là nhân tố chính trong sự hiệp nhất đó.
Sự đa dạng của Hội Thánh là một công cụ được Chúa chỉ định để đem sự thông công đến với sự hiệp nhất. Để minh họa cho tính hiệp nhất, Phao-lô nói như sau: “Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân , Đấng Christ khác nào như vậy.” (câu 12). Cơ thể con người được vị sứ đồ sử dụng nhiều lần trong sách này và các thư tín khác để minh họa cho sự hiệp nhất và mối liên hệ lẫn nhau giữa các thành viên trong Thân Thể Đấng Christ, là Hội Thánh. Cơ thể con người cho đến hiện tại chính là tạo vật hữu cơ kỳ diệu nhất của Đức Chúa Trời. Nó phức tạp nhưng hiệp nhất một cách nhiệm màu, với sự hòa hợp và tính liên hệ lẫn nhau, hòa hợp đến kinh ngạc. Nó là một đơn vị thống nhất không thể bị chia nhỏ. Nếu bị chia rẽ nó lập tức ngừng hoạt động và chết, hoặc nếu có hoạt động thì chức năng và hiệu quả sẽ bị giảm sút đáng kể. Thân thể của Đấng Christ cũng như vậy. Tuy có nhiều tổ chức, hệ phái hay cơ quan Cơ Đốc giáo nhưng chỉ có một Hội Thánh, mà mỗi tín hữu thật sự tin Đấng Christ là thành viên trong đó. Phao-lô muốn nhấn mạnh đến sự hiệp một trong Hội Thánh qua việc liên hệ đến Đấng Christ như là Hội Thánh. Chúng ta không thể chia tách Đấng Christ ra khỏi Hội Thánh của Ngài cũng như không thể chia tách cơ thể ra khỏi cái đầu của nó. Khi Đấng Christ được liên hệ đến như là đầu của Hội Thánh thì luôn luôn trong ý nghĩa nói về tâm trí, tâm linh, và sự kiểm soát. Hội Thánh và Chúa hoàn toàn được đồng nhất với nhau. Hội Thánh là một cơ thể hữu cơ, là sự bày tỏ sống động về Đức Chúa Giê-xu Christ mà có sự sống cùng với sự sống đời đời của Chúa. Mẫu số chung của mọi tín hữu chính là họ sở hữu sự sống của Chúa. Chúa Giê-xu nói: “Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống.” (Giăng 14:19), bởi vì “ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài” (I Cô-rinh-tô 6:17). Tính hiệp nhất trong thân Đấng Christ còn được nhấn mạnh rằng chúng ta bất luận là ai, màu da nào, sắc tộc nào cũng “đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa” (câu 13). Báp-tem bằng Thánh Linh hoàn toàn là công tác của Đức Chúa Trời và gần như là đồng nghĩa với sự cứu rỗi, xảy ra lúc một tội nhân tiếp nhận Chúa, và được ban một đời sống mới. Mọi tín hữu thật đều kinh nghiệm phép báp-tem này một lần đủ cả. Ý trọng tâm của Phao-lô trong câu 13 là phép báp-tem bởi một Đức Thánh Linh làm cho Hội Thánh trở nên một Thân Thể. Cũng một lẽ ấy chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nói đến sự đặt để Thần của Chúa trong chúng ta. Khi được tái sinh, Đức Chúa Trời không chỉ đặt để chúng ta vào thân Ngài, mà còn đặt Đức Thánh Linh ở cùng trong lòng chúng ta nữa.
Đặc điểm quan trọng nhất của thân thể là sự hiệp nhất; nhưng sự đa dạng là điều thiết yếu cho sự hiệp nhất đó. Hội Thánh là một Thân, nhưng thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể (câu 14). Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, như nhiều Hội Thánh ngày nay, bị chia rẽ ở chỗ mà đáng ra nó phải được hiệp nhất và lại cố gắng đồng nhất ở chỗ mà đáng ra nó phải là đa dạng. Một mặt họ bị chia rẽ bởi cớ chọn theo phe những lãnh đạo và giáo sư, trong khi đó đáng ra họ phải được hiệp nhất dưới sự lãnh đạo toàn hảo của Chúa Giê-xu. Mặt khác, các thành viên thay vì vui mừng trong sự đa dạng về ân tứ được ban cho thì họ lại cố gắng trở nên giống nhau trong việc phô bày những ân tứ nổi trội ra bên ngoài. Nhiều tín hữu người Cô-rinh-tô không vui với ân tứ của họ. Ganh tị là một dấu hiệu rõ ràng của tánh xác thịt, và có vẻ như tất cả mọi người đều muốn một ân tứ mà người khác có. Phép so sánh của Phao-lô đầy tính hình ảnh khi ông mở rộng sự minh họa ra đến cơ thể con người. Người có chân nghĩ rằng mình không thật sự là một phần trong thân thể bởi vì mình không phải là tay. Người với một cái lỗ tai nghĩ rằng mình bị bỏ mặc bởi vì mình không phải là mắt. Sự ích kỷ thì không bao giờ được thỏa mãn và sự ganh tị thì không bao giờ thỏa lòng. Tiếp tục phép so sánh của mình, Phao-lô nhắc chúng ta nhớ rằng một thân thể không thể hoạt động nếu tất cả các chi thể đều giống nhau. “Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?” (câu 17). Với tất cả mọi người cùng làm một công việc giống nhau, thì chắc chắn đời sống và sự phục vụ của họ sẽ bị mất cân bằng.
“Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.” (câu 18). Sự đa dạng trong tính hợp nhất, hai sự mâu thuẫn cùng tồn tại trong Hội Thánh là điều mà chỉ duy nhất Đức Chúa Trời vận hành trong cộng đồng thuộc về Ngài. Mỗi chi thể, tức mỗi Cơ Đốc nhân thật được ban cho ân tứ và chức vụ theo ý muốn tốt đẹp của Ngài để làm công tác ở những vị trí mà Chúa đặt để. Tất cả những chi thể đều được điều khiển bởi một cái đầu, là tâm trí, ý chí và tâm linh đều được thống nhất với nhau. Một ý chí bảo mỗi phần trong thân thể làm điều tốt nhất mà nó đã được thiết kế và trang bị để làm, và kết quả là chúng hoạt động trong sự hòa hợp lạ lùng với nhau.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa yêu dấu, cảm ơn Ngài đã cứu con, cho con có một vị trí được làm chi thể trong thân của Ngài, là Hội Thánh. Cảm ơn Chúa vì con là một cái đa dạng trong sự hiệp nhất của Thân Ngài. Xin Chúa cho con biết khiêm nhường, hết lòng hết sức mà kính mến Chúa và giúp đỡ anh em con, thay vì ganh tị và sống ích kỷ. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Mỹ Ngôn
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét