Gia-cơ | Làm Chủ Được Lời Nói
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Kính chào anh chị em thân mến! Một mục sư kia kể về một người hay “ngồi lê đôi mách” trong Hội Thánh của ông. Bà này dường như cả ngày cứ tìm người này người kia để kể những mẫu tin vặt đây đó của nhiều người làm câu chuyện của bà. Một ngày kia bà đến gặp mục sư và nói: “Thưa mục sư, Chúa đã cáo trách tôi về tội lắm lời của tôi. Cái lưỡi của tôi đã gây rắc rối cho tôi và cho mọi người nhiều quá!” Vị mục sư liền hỏi bà: “Thế bây giờ bà định sẽ làm gì khi biết mình có tội?” Bà ấy trả lời với vẻ nhiệt tình thành khẩn: “Tôi muốn đặt cái lưỡi tôi trên bàn thờ.” Vị mục sư biết bà đã nhiều lần nói như thế nên ông ôn tồn đáp: “Chẳng có bàn thờ nào đủ lớn như vậy đâu.” rồi bỏ đi để bà có thời gian suy nghĩ. Hai chương đầu của thư tín Gia-cơ đã trình bày cho chúng ta hai đặc điểm của Cơ Đốc nhân trưởng thành, đó là người có thể nhịn nhục trong cơn hoạn nạn và người biết áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống. Hôm nay chúng ta bước sang đoạn 3, chúng ta sẽ học đặc điểm thứ ba của Cơ Đốc nhân trưởng thành, đó là người LÀM CHỦ ĐƯỢC LỜI NÓI. Xin mời cùng xem Gia-cơ 3:1-4.
1 Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn.
2 Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình.
3 Chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa, cho nó chịu phục mình, nên mới sai khiến cả và mình nó được.
4 Hãy xem những chiếc tàu: dầu cho lớn mấy mặc lòng, và bị gió mạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cũng đủ cạy bát nó, tùy theo ý người cầm lái.
Trong thời thư tín này được viết ra, có lẽ trong cộng đồng Cơ Đốc có nhiều người muốn làm lãnh đạo, muốn đứng lên dạy dỗ người khác nên Gia-cơ khuyên: “Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy.” Người thầy là người dùng lời nói nhiều hơn hết để dạy dỗ, khuyên bảo người khác. Do đó, trách nhiệm của người thầy cũng rất nặng nề. Nhưng nhiều người đã quên trách nhiệm ấy mà chỉ quan tâm đến thẩm quyền dạy dỗ của mình trên người khác nên Lời Chúa tại đây đã nhắc nhở người thầy “sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn” tức là vì người thầy hiểu biết nhiều hơn người khác nên phải chịu sự đoán xét khắt khe hơn dựa trên những gì mình biết. Còn đối với người thầy dạy đạo, tức là giảng dạy Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời thì không chỉ dạy cho người khác những kiến thức về Lời Chúa mà phải thực hành những điều mình dạy nữa. Vì thế người nào đang giữ trọng trách giảng dạy Lời Chúa thì càng phải cẩn trọng những lời mình nói ra và phải sống làm gương tốt giữa mọi người.
Tuy nhiên, việc dùng lời nói không chỉ riêng gì người thầy mà tất cả mọi người ai cũng dễ dàng vấp sai phạm nên Gia-cơ đã nói: “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình.” (câu 2). Vì thế người nào kiềm chế được miệng lưỡi mình và không vấp phạm trong lời nói là người có thể kiềm chế được nhiều điều khác. Lời nói có sự ảnh hưởng rất lớn, chỉ một lời nói ra có thể cứu sống một người đang tuyệt vọng và cũng có thể vì một lời nói mà nhấn chìm người ấy xuống đáy vực sâu. Một khi kiềm chế được lời ăn tiếng nói là kiềm chế được sự giận giữ, kiêu ngạo, tự mãn… vì thế, giữ được lời nói là một con người trưởng thành, Kinh Thánh gọi đó là “người trọn vẹn”.
Trong câu 3 và 4 tác giả Gia-cơ dùng hình ảnh về hàm thiếc và bánh lái để cho thấy hai vật thể có hình dáng nhỏ bé nhưng có sức mạnh lớn lao cũng như cái lưỡi. Hàm thiếc nhỏ bé giúp người cưỡi ngựa điều khiển được con ngựa khỏe mạnh, còn cái bánh lái nhỏ giúp hoa tiêu điều khiển cả một con tàu to lớn. Cái lưỡi là quan thể nhỏ trong thân nhưng có sức mạnh để tạo ảnh hưởng lớn như thế. Cả hàm thiếc và bánh lái đều dùng để chế ngự được những đối lực. Hàm thiếc phải hãm được thú tính của con ngựa, bánh lái phải chống chọi cơn gió và sức mạnh của dòng nước có thể làm con tàu đi lệch hướng. Cái lưỡi của con người cũng phải chế ngự được những đối lực như thế. Bản chất cũ trong chúng ta luôn muốn điều khiển và xui chúng ta phạm tội. Có những hoàn cảnh xảy ra quanh chúng ta, khiến chúng ta thốt ra những lời không phải lẽ. Tội lỗi bên trong và áp lực bên ngoài cứ tìm thế điều khiển cái lưỡi chúng ta.
Cho nên, chúng ta cần phải giao phó quyền điều khiển cái lưỡi mình cho Chúa. Khi Chúa Giê-xu nắm quyền điều khiển chúng ta sẽ không còn sợ nói ra những điều không hay mà biết nói đúng lúc, đúng thì giúp ích cho người nghe. Vua Đa-vít đã từng cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, và canh cửa môi tôi. Xin chớ để lòng tôi hướng về điều gì xấu xa.” (Thi Thiên 141:3-4a). Khi Chúa Giê-xu là chủ trong lòng con người thì Ngài cũng làm chủ cả môi miệng nữa – “Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.” (Ma-thi-ơ 12:34). Sách Châm Ngôn có nhiều lời khuyên dạy về lời nói rất có ích cho chúng ta: “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu, nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.” (Châm Ngôn 10:19) hay là lời khuyên: “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận. Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm.” (Châm Ngôn 15:1)
Cái lưỡi giống như hàm thiếc và bánh lái có sức mạnh điều khiển. Xin Chúa cho tôi và bạn biết làm chủ được cái lưỡi, tức là môi miệng, lời nói của mình để có thể nói lời khích lệ và giúp ích cho người nghe.
Lạy Chúa! Xin cho con biết kiềm hãm môi miệng mình. Con xin giao phó cả tấm lòng và môi miệng con cho Ngài. Vì lời nói thể hiện tấm lòng. Khi lòng con có Chúa thì con sẽ luôn có sự bình an, vui mừng nên sẽ nói lời gây dựng và ích lợi chứ không tuôn ra những lời khiếm nhã, khó nghe cho người nào nghe đến. Con cảm tạ Ngài và cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét