Gia-cơ | Sức Tàn Phá Của Cái Lưỡi
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Kính thưa quý anh chị em! Ai cũng biết lửa là cần thiết cho đời sống sinh hoạt của con người nhưng lửa cũng gây nên sự huỷ hoại và tàn phá kinh khủng. Hỏa hoạn là hiểm họa do lửa gây ra. Các trận hỏa hoạn thường xuất phát chỉ từ một ngọn lửa nhỏ do vô tình hay sự cố ý nhưng chỉ trong vài giây đến vài phút có thể tạo ra đám cháy lớn đe dọa đến tính mạng và tài sản của con người. Lửa thật sự nguy hiểm ai cũng biết. Bởi sức lan tỏa của nó rất nhanh, sức nóng từ ngọn lửa có thể thiêu đốt tất cả và nguy hiểm hơn là khói và khí độc từ ngọn lửa khiến người ta ngộp thở và tử vong nhanh chóng.
Chúng ta đã thấy được sự nguy hại của ngọn lửa như thế nào và sách Gia-cơ 3:5-8 cho biết có một quan thể nhỏ trong con người cũng có tính chất giống như lửa, đó là cái lưỡi. Ngoài những ích lợi từ cái lưỡi mà phần Kinh Thánh tuần trước chúng ta đã học thì hôm nay chúng ta cùng học và xem xét SỨC TÀN PHÁ CỦA CÁI LƯỠI để tránh không gây ra sự tàn hại rất nguy hiểm do cái lưỡi gây ra.
5 Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên!
6 Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy.
7 Hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển đều trị phục được và đã bị loài người trị phục rồi;
8 nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết.
Theo Lời Kinh Thánh hôm nay chúng ta thấy lời nói của con người có thể khởi phát như những ngọn lửa. Vì thế, tai họa từ cái lưỡi có thể gây nguy hiểm như một đám lửa cuồng phong. Có hai lý do có thể ví sánh sự tàn hại do cái lưỡi gây ra như sức tàn phá của ngọn lửa.
1. Sự lan tràn nhanh chóng: Lửa vốn hay lan nhanh, khi lửa lan ra, nó sẽ thiêu huỷ mọi thứ quanh nó, cơ nguy của cái lưỡi cũng lan tràn nhanh chóng như thế. Sa-tan đã dùng cái lưỡi cám dỗ khiến cho con người sa vào tội lỗi, từ đó cả nhân loại chia rẽ, thù nghịch nhau. Một khi chúng ta tuôn ra lời giận dữ, cay độc, rủa sả thì sẽ nhanh chóng lan tràn và không ai có thể ngăn chặn được hậu quả của nó. Có câu nói về cái lưỡi được lan truyền như sau: “Sống hay chết đều nằm trong tay cái lưỡi. Cái lưỡi mà có tay hay sao? Không! Bàn tay có thể giết người thì cái lưỡi cũng vậy. Bàn tay chỉ giết được người ở gần còn cái lưỡi như mũi tên, nó có thể giết được người ở tận đàng xa.” Vì thế, Lời Chúa cảnh báo cái lưỡi có thể “đốt cháy cả đời người” (câu 6). Cả đời người có thể bị hủy hoại bởi cái lưỡi. Thời gian cũng không sửa lại được lỗi lầm do cái lưỡi gây nên. Chúng ta có thể xưng ra tội lỗi mình trong lời nói, nhưng ngọn lửa đã cháy vẫn để lại những dấu vết thương tích và sự thiệt hại do nó gây ra.
2. Không kiểm soát được: “cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết.” (câu 8). Giống như đám lửa cháy lên thì hủy hoại tất cả, nếu có dập tắt được thì vẫn để lại tàn tích của nó. Trên thế giới đã chứng kiến nhiều nơi xảy ra những đám cháy rừng phát tán rộng hầu như không ai có thể dập tắt được. Cũng vậy, không ai có thể kiểm soát hay ngăn chặn được những tai hại do cái lưỡi gây ra. Người ta nói, có ba điều không bao giờ lấy lại được là: mũi tên đã bắn ra, cơ hội đã qua và một lời đã thốt ra. Chẳng có gì khó dập tắt cho bằng một tiếng đồn, vì thế chúng ta cần nhận thức sự nguy hại của cái lưỡi của mình để không thốt ra những lời cay nghiệt, gièm pha, đồn thổi… gây tai hại khôn lường.
Cái lưỡi không chỉ như ngọn lửa, mà còn như một con thú nguy hiểm. Con thú ấy chẳng chịu ở yên và không dễ gì thuần phục được. Nó luôn tìm kiếm con mồi để vồ lấy cắn xé. Có một số thú vật mang nọc độc và lưỡi nó phun ra nọc độc. Khi nó cắn ai thì sẽ ngấm vào từ từ và giết chết người đó. Có bao lần kẻ độc ác đã đưa “nọc độc” vào cuộc nói chuyện, hòng làm cho “chất độc” ấy lan nhanh để cuối cùng gây tổn thương cho đối tượng mà họ muốn hại. Tuy nhiên “hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển đều trị phục được và đã bị loài người trị phục rồi” (câu 7). Gia-cơ nhắc chúng ta rằng thú vật có thể được thuần hóa nhưng cái lưỡi thì khó thuần phục được như câu tục ngữ Việt Nam cũng đã từng nói: “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” là thế.
Con người không thể kìm hãm được cái lưỡi nhưng Đức Chúa Trời thì làm được. Cái lưỡi của chúng ta sẽ không “bị lửa địa ngục đốt cháy” (câu 6) nhưng sẽ giống như những sứ đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, cái lưỡi có thể “được lửa thiên đàng đốt cháy” nếu Đức Chúa Trời thắp lên ngọn lửa và điều khiển ngọn lửa ấy thì cái lưỡi có thể làm một công cụ mạnh mẽ để đưa tội nhân hư mất đến sự cứu rỗi.
Giữa vòng Hội Thánh có nhiều Cơ Đốc nhân không kiểm soát được lời của nói mình, gây ra những cuộc bất hòa vì đã không để Chúa ngự trị lòng mình. Yếu tố quan trọng chính là tấm lòng, vì “do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” (Ma-thi-ơ 12:34). Nếu tấm lòng chất chứa những thù hận, ghen ghét, tranh cạnh thì Sa-tan sẽ thắp lên ngọn lửa hủy diệt nhưng nếu tấm lòng tràn ngập tình yêu thương, Đức Chúa Trời sẽ thắp lên ngọn lửa yêu thương. Xin Chúa cho tôi và bạn có một tấm lòng tràn ngập tình yêu, nhân từ và sự thương xót của Chúa để có những lời nói chứa đựng yêu thương, nhân hậu và chân thật.
Lạy Chúa! Cảm tạ Ngài vì qua Lời Chúa hôm nay cho con thấy được sự nguy hại của cái lưỡi. Xin cho con biết nhờ ơn Chúa mà kìm hãm môi miệng mình và cẩn thận trong lời ăn tiếng nói của mình. Con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét