Sáng Thế Ký | Bắt Đầu Từ Chính Mình
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!
Trong lời tự bạch trên mộ bia của một vị Đức giám mục Anh giáo có đoạn viết: “Khi còn trẻ, được Chúa ban cho trí tưởng tượng phong phú, tôi đã từng ước mơ làm biến đổi cả thế giới. Rồi lớn lên, khôn ngoan hơn, tôi mới hiểu rằng thế giới sẽ không bao giờ thay đổi cả. Thế là tôi thu hẹp cái nhìn một chút, và quyết định chỉ thay đổi quê hương của mình mà thôi. Nhưng dường như quê hương tôi cũng không thể thay đổi được. Gần về già, chí hướng đã đến cùng tuyệt vọng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình mình, gồm những người mà tôi gần gũi nhất. Nhưng than ôi! Họ cũng chẳng nghe tôi chút nào! Nay nằm im trên giường, chờ ngày lâm tử, tôi chợt hiểu rằng: nếu ngày xưa tôi bắt đầu bằng sự thay đổi chính mình, lúc ấy gia đình sẽ theo gương tôi, có lẽ tôi đã thay đổi được họ. Rồi từ sự hưng phấn và sự khích lệ của họ, có lẽ tôi đã có sức mạnh để làm biến đổi đất nước mình, và biết đâu được, từ những điều ấy, tôi đã có thể góp phần thay đổi cả thế giới.” Câu chuyện về cuộc đời Giô-sép mà chúng ta bắt đầu tìm hiểu, có vẻ như ngược lại với vị Đức giám mục này. Để làm được điều mình mong muốn, không phải lúc nào cũng theo ý riêng của mình mà được. Còn như muốn làm cho Chúa, bản thân mình cần thay đổi tư duy theo ý muốn của Chúa trước. Chúng ta cùng suy ngẫm điều này qua cuộc đời Giô-sép trong Sáng Thế Ký 37:1-4.
1 Gia-cốp ở tại xứ của cha mình đã kiều ngụ, là xứ Ca-na-an.
2 Đây là chuyện dòng dõi của Gia-cốp. Giô-sép, tuổi mười bảy, chăn chiên với các anh mình; người đi kết bạn cùng con của Bi-la và con của Xinh-ba, hai vợ cha mình. Giô-sép thuật lại với cha các chuyện xấu của họ nói.
3 Vả, Y-sơ-ra-ên thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình, nên may cho chàng một cái áo dài có nhiều sắc.
4 Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, bèn sanh lòng ganh ghét, chẳng có thế lấy lời tử tế nói cùng chàng được.
Câu chuyện của gia đình Gia-cốp được bắt đầu bằng nhân vật Giô-sép với một tính cách mà người thích thì đánh giá là tốt, chân thật; còn người không thích thì nghĩ Giô-sép là cậu bé có tài vặt và hay mách lẻo, chỉ vì: “Giô-sép, con Gia-cốp, đã mười bảy, thường đi chăn chiên cho cha với các anh, là con của Bi-la và Xinh-ba. Giô-sép thường mách cho cha biết các việc xấu họ làm.” Tính cách này nảy sinh hai thái độ từ gia đình mà Giô-sép phải đối diện hằng ngày.
Dưới góc nhìn của một người cha, chắc chắn Gia-cốp rất hài lòng về Giô-sép. Trong một gia đình có đông con trai, quả là một lợi thế về kinh tế, nhưng có nhiều con trai, trách nhiệm của người cha cũng vô cùng vất vả. Ngoài việc sắp xếp công việc thường ngày cho các con, người cha còn phải giám sát công việc con làm, cách cư xử trong ngoài với nhau, hành vi đạo đức của các con… Dù Thánh Kinh không cho chúng ta biết những việc xấu gì mà các con trai của Bi-la và Xinh-ba đã làm trong lúc họ đi chăn chiên, nhưng đã có Giô-sép, nhận định đúng sai của một cậu thiếu niên 17 tuổi đối với một sự việc, chắc chắn là rõ ràng. Khi báo cáo lại cho cha, có lẽ Giô-sép đã rất minh bạch thẳng thắn, khiến các anh không thể chối tội được. Điều này vừa tạo uy tín cho Giô-sép đối với cha, vừa khiến các anh phải dè chừng, kiêng nể nếu có ý định tiếp tục làm việc gì xấu. Không chỉ xuất phát từ tình cảm đối với Ra-chên, mà Gia-cốp yêu thương Giô-sép một cách đặc biệt, nhưng có lẽ vì tính cách chân thật, đáng tin cậy khiến Gia-cốp muốn thể hiện tấm lòng yêu thương đối với Giô-sép qua chiếc áo choàng nhiều màu sắc, vì ông nghĩ Giô-sép đáng được như vậy.
Càng được lòng cha, mối hiềm khích với các anh càng tăng. Những người anh của Giô-sép, dù thời gian ở với cha lâu hơn, nhưng vẫn không chiếm trọn được tình cảm mà Gia-cốp dành cho Giô-sép. Đây là nan đề Giô-sép phải đối diện. Dù tình thương của cha có nhiều đến đâu, Giô-sép vẫn cần tình thương từ các anh. Cha không thể kề cận với Giô-sép như các anh; sự chăm sóc, bảo vệ, cảm thông từ các anh vẫn tốt hơn là những lời nói thiếu tử tế. Lòng ganh ghét không thể đem lại cử chỉ yêu thương, lời nói êm dịu mà một người em trong gia đình phải nhận. Chúng ta không tìm thấy từ ngữ nào diễn tả phản ứng của Giô-sép trước thái độ của các anh đối với mình. Trong bất cứ gia đình nào, chúng ta cũng thường thấy đứa con nhỏ được cha mẹ quan tâm hơn đứa con lớn. Có phải hoàn toàn vì Gia-cốp yêu thương Giô-sép hơn, hay còn vì đó là giá mà Giô-sép phải trả cho cái tính “mách lẻo” của mình mà ông bị các anh ganh ghét. Cho dù là vì lý do nào, Giô-sép vẫn không phản ứng tiêu cực.
Có lẽ từ tính cách chân thật, nhẫn nhịn này mà Đức Chúa Trời đã chọn Giô-sép làm việc lớn cho Ngài. Chúng ta ước ao làm điều gì đó cho nhà Chúa nhưng thường là theo chí hướng của chúng ta. Nguyện Chúa nhắc nhở chúng ta điều này, nếu đã muốn làm điều gì cho Chúa, chúng ta cần thay đổi tâm trí mình theo chí hướng của Chúa trước, cách của Chúa cho công việc của Ngài bao giờ cũng toàn hảo hơn suy nghĩ của chúng ta.
Lạy Chúa kính yêu, cảm ơn Ngài đã cứu con thuộc về Ngài, xin Ngài tiếp tục thay đổi đời sống con để hữu dụng cho công việc nhà Ngài. Nhân danh Chúa Giê-xu. Amen.
Nguyên Ngọc
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét