Sáng Thế Ký | Chiêm Bao

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýChâm NgônRu-tơLu-caGia-cơI Phi-e-rơ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Jesus!

Một buổi tối cách đây 26 năm, tôi ngủ và chiêm bao thấy mình đang đi dự đám tang của một vị Mục sư. Dù đang trong giấc chiêm bao, tôi vẫn bị đánh thức bởi tiếng đập cửa, chị tôi cho biết cậu em trai lớn của tôi vừa qua đời vì suy cơ tim. Nghe một hung tin lúc giữa khuya trong giấc ngủ dễ khiến người ta có thể ngất đi, nếu tâm trí tôi lúc đó không ở trong trạng thái đau buồn vì ảnh hưởng của giấc chiêm bao mình đang thấy, có lẽ tôi cũng đứng tim theo em tôi rồi. Từ “chiêm bao” theo từ điển Việt nam là “thấy những việc thường ngày vẫn nghĩ tới, hoặc sự việc không có thực xảy ra trong giấc ngủ”. Cũng là chiêm bao, nhưng câu chuyện về những giấc chiêm bao của Giô-sép trong Sáng Thế Ký 37:5-11 mà chúng ta suy ngẫm hôm nay lại có diễn tiến khác. Thật khó cho chúng ta lý giải, tuy nhiên trong mỗi giấc chiêm bao của mỗi người sẽ có những lúc Chúa dùng theo mỗi cách khác nhau để dạy dỗ hay tiên báo sự việc gì đó cho cá nhân hoặc cộng đồng Ngài muốn. Chúng ta cần học biết điều này theo sự soi dẫn của Chúa một cách cá nhân.

5 Giô-sép có nằm chiêm bao, thuật lại cho các anh mình nghe; họ càng thêm ganh ghét nữa.
6 Người nói rằng: Tôi có điềm chiêm bao, xin các anh hãy nghe tôi thuật:
7 Chúng ta đương ở ngoài đồng bó lúa, nầy bó lúa tôi đứng dựng lên, còn bó lúa của các anh đều đến ở chung quanh, sấp mình xuống trước bó lúa tôi.
8 Các anh người bèn đáp rằng: Vậy, mầy sẽ cai trị chúng ta sao? mầy sẽ hành quyền trên chúng ta sao? Họ càng ganh ghét hơn nữa, vì điềm chiêm bao và lời nói của chàng.
9 Giô-sép lại nằm chiêm bao nữa, thuật cùng các anh mình rằng: Tôi còn có một điềm chiêm bao nữa: Nầy mặt trời, mặt trăng, và mười một ngôi sao đều sấp mình xuống trước mặt tôi!
10 Chàng thuật chiêm bao đó lại cho cha và các anh mình nghe; nhưng cha chàng quở mà hỏi rằng: Điềm chiêm bao của mầy đó có nghĩa chi? Có phải tao, mẹ, và các anh mầy đều phải đến sấp mình xuống đất trước mặt mầy chăng?
11 Các anh lấy làm ganh ghét chàng; còn cha lại ghi nhớ lấy điều đó.

Hai giấc chiêm bao của Giô-sép có cùng một nội dung, nhưng ở hai thời điểm khác nhau. Trong sinh hoạt hằng ngày, Giô-sép vốn không được các anh yêu mến vì tính thẳng thắn “… Giô-sép thường mách cho cha biết các việc xấu họ làm” (Sáng Thế Ký 37:2). Khi thuật lại điềm chiêm bao, có lẽ Giô-sép không suy nghĩ sâu xa đến nội dung điềm chiêm bao mà chỉ thuật lại một cách vô tư với lời lẽ hãnh diện, vui thích của một cậu bé chưa đủ tuổi trưởng thành. Sự ganh tị của các anh vì tình yêu thương mà cha dành cho Giô-sép nhiều hơn như một chất xúc tác làm tăng thêm mối hiềm khích vốn có của các anh đối với Giô-sép. Họ suy nghĩ có lẽ Giô-sép mơ đến vị trí trưởng tộc vì uy tín đối với cha nên suy diễn điềm chiêm bao của mình thành “giấc mơ”. Dù là gì thì cách Giô-sép thuật lại chiêm bao cho các anh nghe cũng có vẻ như thiếu tế nhị nên họ bày tỏ thái độ thiếu thiện cảm đối với Giô-sép là lẽ thường tình. Đó cũng là thái độ mà chúng ta thường đối xử với những người mình không thích trong cộng đồng Cơ Đốc với nhau. Ganh tị là loại ký sinh trùng tiềm ẩn trong đời sống mỗi người, xin Chúa giúp chúng ta loại bỏ, đừng để nó gặm nhấm, đục khoét đời sống tâm linh của mình.

Trở lại với hai giấc chiêm bao của Giô-sép, đồng áng là một phần trong công việc thường nhật của gia đình họ, nên những bó lúa xuất hiện trong giấc chiêm bao của chàng là bình thường, có điểm khác là những bó lúa lại cuối cúi rạp xuống, chỉ một bó đứng thẳng. Làm thế nào để Giô-sép dám khẳng định rằng bó lúa đứng là của mình? Có thể bó lúa đó do tự tay ông bó nên khẳng định điều đó. Nhưng còn giấc chiêm bao về các ngôi sao, mặt trời, mặt trăng thì Giô-sép xác định làm sao? Có thể chúng ta không hiểu vì chúng ta không phải là Giô-sép, không là người trong cuộc nên chúng ta không hiểu cách thức Đức Chúa Trời bày tỏ tương lai cuộc đời ông qua giấc chiêm bao. Có một điểm chung giữa Gia-cốp và Giô-sép là được Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn của Ngài với họ qua những giấc chiêm bao. Nếu đối với Gia-cốp, trong giấc chiêm bao là lời hứa ban phước của Đức Chúa Trời, thì trong giấc chiêm bao của Giô-sép là sự thành tựu khởi đầu của lời hứa đó. Hai điềm chiêm bao được Đức Chúa Trời bày tỏ cho Giô-sép như một lời tiên tri cho sứ mạng của ông trong tương lai. Trong khoảng thời gian sau hai giấc chiêm bao, chúng ta không thấy phản ứng hay cách sống thay đổi của Giô-sép bị ảnh hưởng bởi hai giấc chiêm bao mà nó chỉ ảnh hưởng đến thái độ của gia đình ông. Các anh thì thêm ganh ghét, còn Gia-cốp dù la rầy vì cho Giô-sép huênh hoang, nhưng vẫn ghi nhớ điều đó trong lòng.

Ngày nay chúng ta không thể áp dụng sự thành tựu của Giô-sép qua giấc chiêm bao vào cuộc sống của mình được với lý do: Đức Chúa Trời có mỗi cách cho mỗi cuộc đời trong từng thời điểm khác nhau. Mỗi người sở hữu một tính cách khác nhau, cho dù không thích, chúng ta cũng cần học cách nhẫn nhịn tránh cho sự hiềm khích có cơ hội trỗi dậy.

Lạy Chúa kính yêu, con cảm ơn Ngài vì sự quan phòng của Chúa trên từng cuộc đời của con cái Ngài. Xin Chúa dạy dỗ, tỉa sửa con luôn luôn, giúp ơn để con có thể học được bài học về sự nhẫn nhịn như Chúa muốn. Nhân danh Chúa Jesus Christ. Amen.

Nguyên Ngọc

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa