Mác | Hoàn Tất Sứ Mạng

Tuần Thánh

Lời ngỏ

Có người đã nói: “Mỗi người được sinh ra đời này là để hoàn thành sứ mạng của cuộc đời mình.” Dẫu cuộc đời của mỗi người có khác nhau, trong mỗi hoàn cảnh gia đình, nơi chốn, thời gian, địa vị… khác nhau nhưng ai cũng được đặt cho một sứ mạng khi sống trên đời này. Cuộc sống của chúng ta có thể gian nan, khổ cực hay an nhàn, sung sướng nhưng chúng ta cần sống và nhận biết sứ mạng của cuộc đời mình. Chúa Cứu Thế Giê-xu được sinh ra trong thế gian này là để thực hiện sứ mạng của Ngài trên đất và Ngài đã sống cho sứ mạng đó. Chịu đóng đinh trên thập tự giá để làm giá cứu chuộc tội lỗi của nhân loại là sứ mạng của Ngài. Phần Kinh Thánh hôm nay trong Mác 15:36-37 ghi lại những giây phút cuối cùng của Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá.

36 Có một người trong bọn họ chạy lấy bông đá thấm đầy giấm, để trên đầu cây sậy, đưa cho Ngài uống, mà nói rằng: Hãy để chúng ta coi thử Ê-li có đến đem hắn xuống chăng!
37 Nhưng Đức Chúa Jêsus kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.

Giải thích

Giờ đây, Chúa Giê-xu với thân thể tan nát bởi trận đòn chí mạng, rồi Ngài bị lột trần ra, bị đóng đinh vào tay và chân rồi treo lên giữa trời đất trong sự đau đớn cùng cực. Chúng ta hãy hình dung xem cảnh tượng lúc đó với những tiếng rên xiết của những người bị đóng đinh phải vật vã với cơn đau đớn, tiếng khóc của những người đi theo Ngài, đặc biệt là các người phụ nữ đang xót thương cho Chúa Giê-xu, cùng với những tiếng la hét của những tên lính, tiếng chế giễu của những người đi qua đường cũng như những lời nhạo báng, thách đố của những lãnh đạo tôn giáo đang ở tại hiện trường để chứng kiến tận mắt nơi Chúa bị hành hình. Chúng ta có thể hình dung một khung cảnh u buồn và đầy kinh khiếp trong ngày đau thương đó trên Đồi Sọ. Sau ba tiếng đồng hồ bị treo giữa trời, cuối cùng, Chúa phải thốt lên: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Khi nghe lời đó, một người lính La Mã đã nhanh nhẹn chạy đến giúp Ngài . Người này đã “chạy lấy bông đá thấm đầy giấm, để trên đầu cây sậy, đưa cho Ngài uống”. Thân thể người bị đóng đinh vừa mất máu, vừa mất nước trầm trọng nên cần tiếp thêm nước, vì thế người ta thường cho tử tội uống rượu trộn với mật đắng để giảm bớt sự đau đớn thể xác và cũng để giảm cơn khát. Trong phần ký thuật của sứ đồ Giăng, Chúa Giê-xu đã kêu lên rằng: “Ta khát” (Giăng 19:28) nên lúc bấy giờ tên lính cho Chúa Giê-xu nếm miếng giấm. Giấm ở đây là loại rượu chua rẻ tiền mà quân lính hay uống và hành động này đã làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh trong Thi Thiên 69:21, “Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, và cho tôi uống giấm trong khi khát.” Trong khi đó những người khác thì tiếp tục nhạo báng Ngài “Hãy để chúng ta coi thử Ê-li có đến đem hắn xuống chăng!” Vì trong lời cầu nguyện của Chúa trước đó Ngài đã dùng tiếng Hê-bơ-rơ, “Ê-li, Ê-li, Ê-li” nghĩa là “Đức Chúa Trời ơi” thế mà họ đã tưởng Ngài kêu cầu Ê-li đến cứu. Vì theo truyền thống, người Do Thái tin Ê-li là người làm phép lạ và thường đến cứu giúp những người bị hoạn nạn trên trần gian. 

Rồi Chúa Giê-xu đã trút linh hồn sau khi nếm giấm trong miếng bông đá. Nhưng đây là điều chúng ta cần lưu ý. Nếu Chúa Giê-xu trút hơi trong tiếng la thống thiết đó, thì thật là một điều kinh khủng, sứ đồ Ma-thi-ơ cho chúng ta biết rằng: “Nhưng Đức Chúa Jêsus kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.” Tiếng kêu cuối cùng đó lớn đủ để mọi người đều có thể nghe được và cả bốn sách Phúc Âm đều ghi lại. Đặc biệt Phúc Âm Giăng nói rõ hơn là Chúa Giê-xu trút hơi với tiếng la lớn “Mọi sự đã được trọn.” (Giăng 19:30), mọi sự đã được trọn trong tiếng Hy Lạp chỉ có một chữ là “tetelestai”, từ này có nghĩa là “đắc thắng”. Tiếng kêu lớn của Chúa Giê-xu là tiếng kêu của người đắc thắng giống như người được giải thoát khỏi bóng tối để bước vào sự sáng hay là người được ban mão triều thiên vinh hiển sau trận chiến, đó là tiếng reo mừng của người đã hoàn tất sứ mạng. Thật vậy, Chúa Giê-xu đã trải qua vực thẳm đen tối nhất trần gian, nhưng giờ khắc Ngài trút linh hồn không phải là giờ khắc kết thúc trong bi thảm và đau buồn mà đó là lúc hoàn thành sứ mạng, đó là sự đắc thắng và ánh sáng đang dần lộ ra. Vì vậy, Chúa Giê-xu chết không phải là sự thất bại, mà Ngài chết trong sự chiến thắng với tiếng kêu đắc thắng trên môi Ngài. Chúa Cứu Thế đã làm trọn sứ mạng Cha giao trên đất.

Bạn thân mến, có khi nào bạn nghĩ đến sứ mạng của cuộc đời mình là gì không? Mỗi ngày đi học, đi làm hay đang làm một việc gì đó thì bạn có nhận biết được mục đích của những việc mình đang làm không? Nếu không thấy được mục đích và sứ mạng của cuộc đời mình thì chúng ta dễ dàng thả trôi cuộc đời khi có thử thách và khó khăn xảy đến. Khi đối diện trước những tranh chiến trong đời sống, thật được khích lệ khi nhớ lại rằng sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là để chúng ta được sống, Ngài đã làm trọn sứ mạng của Ngài nên bởi thế mà sứ mạng của chúng ta cũng được làm trọn ở trong Ngài. Vì vậy, khi chúng ta nắm chặt lấy Chúa Giê-xu, dù có những lúc dường như không thấy Đức Chúa Trời trả lời đi chăng nữa, hay đức tin có suy sụp thì biết rằng sẽ đến lúc bình minh ló dạng và mọi nghịch cảnh sẽ qua. Không điều gì có thể ngăn cản mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành trong chúng ta, đó là chúng ta được biến đổi trở nên giống như Chúa Giê-xu và sống yêu thương, phục vụ người khác như Chúa Giê-xu đã sống và phục vụ để hoàn thành sứ mạng của Ngài cho chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Con hết lòng cảm tạ ơn Ngài vì Chúa Giê-xu đã chịu mọi sự thống khổ trên cây thập tự vì tội lỗi của chúng con, Ngài đã làm trọn mọi điều để cứu chuộc chúng con và Chúa đã hoàn tất sứ mạng trên thập giá để ban sự sống của Ngài cho chúng con. Xin giúp chúng con tin cậy Chúa trong mọi bước đường theo Ngài và giúp con làm trọn mục tiêu và sứ mạng của Chúa dành cho mỗi chúng con. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa