Lu-ca | Lời Tiên Tri Về Chiến Tranh
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Châm Ngôn | Ru-tơ | Lu-ca | Gia-cơ | I Phi-e-rơ |
Kính chào quý anh chị em thân mến trong tình yêu của Chúa Jesus!
Dấu hiệu thứ nhất của ngày tận thế là sự lừa dối về mặt thuộc linh, dấu hiệu thứ hai phải xảy đến là sự tàn phá do các cuộc chiến tranh. Theo dõi những biến chuyển gần đây trên thế giới, chúng ta thấy thế giới đang ở trong những ngày thật bất an và căng thẳng. Chiến tranh đã xuất hiện từ khi loài người phạm tội, tuy nhiên trong những ngày cuối cùng sẽ trở nên tàn khốc hơn do những tiến bộ của loài người. Từ lúc Chúa Giê-xu tiên báo cho các môn đồ về những dấu hiệu của ngày tận thế đến nay là gần 2,000 năm với hàng ngàn cuộc chiến tranh lớn nhỏ xảy ra khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ từ thế kỷ thứ 20 thì chiến tranh mới mở rộng thành đại thế chiến giết người hàng loạt. Chiến tranh là một dấu hiệu đã và đang xảy ra, dưới nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, đe dọa sự sống của loài người. Chưa bao giờ khả năng hủy diệt của chiến tranh lên đến mức độ cao như trong thời đại của chúng ta. Lời Chúa trong Lu-ca 21:9-10 phán rằng:
9 Lại khi các ngươi nghe nói về giặc giã loạn lạc, thì đừng kinh khiếp, vì các điều đó phải đến trước; nhưng chưa phải cuối cùng liền đâu.
10 Ngài cũng phán cùng họ rằng: Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia;
Chúa Chúa Giê-xu phán rất rõ ràng “các ngươi nghe nói về giặc giã loạn lạc” cho thấy tin tức về chiến tranh hiện nay đang xảy ra mỗi ngày như Lời Chúa báo trước “dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác” như là nội chiến, các sắc dân trong cùng một nước sẽ dấy nghịch lẫn nhau. Bên cạnh đó, cuộc chiến lớn hơn “nước nọ nghịch cùng nước kia” là cuộc chiến giữa các nước với nhau. Không một quốc gia hay dân tộc nào sẽ được loại trừ khỏi sự tàn diệt của chiến tranh toàn cầu.
Vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học đang được nhiều nước thi nhau sản xuất vì muốn xâm lăng nước khác để có được quyền lợi và tài nguyên, hoặc muốn trang bị vũ khí vì bảo vệ sự an ninh nước mình.
Những điều này không chỉ được Chúa Giê-xu tiên báo mà trong các sách tiên tri thời Cựu Ước, đặc biệt là sách Đa-ni-ên đã ghi ra nhiều chi tiết quan trọng về các cuộc chiến tranh trong những ngày sau rốt. Sách Khải Huyền ghi rất chi tiết bằng ngôn ngữ có tính ẩn dụ tình trạng bạo lực cực độ sẽ hoành hành trên đất. Khải Huyền 11:18 nói rằng: “Các dân tộc vốn giận dữ, nhưng cơn thạnh nộ của Ngài đã đến: giờ đã tới, là giờ phán xét kẻ chết, thưởng cho tôi tớ Chúa là các đấng tiên tri, thưởng cho các thánh… và hủy phá những kẻ đã hủy phá thế gian.” Nếu thế giới không kiểm soát được vũ khí nguyên tử hạt nhân, con người có nguy cơ tự hủy diệt nhau. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy ngày tận thế rất gần, bởi vì trong lịch sử, chưa bao giờ nhân loại có khả năng tiêu diệt cả trái đất như bây giờ. Các cuộc nội chiến, biểu tình, bạo động, khủng bố… khiến các nhà lãnh đạo quốc gia bối rối và lúng túng không phương giải quyết, mọi người đều phập phồng lo sợ khi nghe đến chiến tranh, khi đối diện sự đe dọa nghẹt thở của sự khủng bố, của sự đau khổ và thảm kịch của viễn cảnh chiến tranh toàn cầu.
Đứng trước tình trạng này, Lời Chúa Giê-xu cho chúng ta là “đừng kinh khiếp, vì các điều đó phải đến trước; nhưng chưa phải cuối cùng liền đâu”. Là con cái Chúa, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời vẫn nắm giữ vận mệnh của thế giới. Lời Chúa trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:6 “Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ.” Chúng ta không khiếp đảm và hoang mang vì cớ bạo lực và đổ máu là một phần trong chương trình phán xét của Đức Chúa Trời. Khi thấy những hậu quả kinh khiếp của chiến tranh thì chúng ta càng phải vững vàng trong đức tin và biết rằng đó chưa phải là dấu hiệu cuối cùng của ngày tận thế đâu.
Câu hỏi cần đặt ra cho mỗi Cơ Đốc nhân là chúng ta nên làm gì? Có người đã chán nản, buông tay đầu hàng trước tình trạng vô vọng này, cũng có người làm ngơ không quan tâm mà cứ lao đầu vào kiếm tiền thật nhiều để xây đắp cho một tương lai bất định và bấp bênh. Có người thì chạy theo xu hướng của đám đông, sống vội, hưởng vội hôm nay rồi ngày mai không biết sẽ ra sao.
Là con cái Chúa, chúng ta cần sống gần với Lời Chúa, thực hành Lời Chúa dạy và tận dụng mọi cơ hội để mang đến sự hòa giải, hòa bình hầu cho mọi người xung quanh nhận biết Ngài – vì Chúa Giê-xu là Chúa của Bình An.
Lạy Chúa! Cảm tạ Chúa vì chỉ trong Ngài con mới có niềm hy vọng sống khi thế giới này đi vào tàn lụi bởi những sự tranh chiến. Xin giúp con luôn biết thức canh, dè giữ, và luôn mặc lấy những áo giáp thuộc linh của Ngài ban cho để có một đời sống kết quả cho vương quốc đời đời của Ngài. Nhân Danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét