Mác | “Ê-lô-i, Ê-lô-i, Lam-ma-sa-bách-ta-ni?”

Tuần Thánh

Lời ngỏ

Quý vị thân mến, có lẽ trong cuộc đời mỗi người chúng ta đã từng đôi lần rơi vào cảnh cô đơn, cùng đường khiến chúng ta không khỏi thốt lên những lời than thở, tuyệt vọng về sự bế tắc, tăm tối, mù mịt của đời mình. Thường những lời tuyệt vọng thốt lên đó là những cảm xúc nhất thời theo hoàn cảnh lúc ấy và khi đã vượt qua rồi thì chúng ta mới thấy đó không phải là sự cùng đường cho cuộc đời mình. Chúa Giê-xu đã trải qua tất cả sự kinh khủng của nhục hình từ thể xác đến tinh thần lúc bị tố cáo, đánh đập, tra tấn, sỉ nhục, lăng mạ… từ con người, song Ngài vẫn nín lặng và cam chịu, vì Ngài chấp nhận tất cả. Nhưng điều gì khiến cho Chúa phải thốt lên câu “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi? Đây là một trong bảy câu nói cuối cùng của Chúa Giê-xu khi Ngài ở trên thập tự. Có người từng nói rằng đây là lời thốt đau buồn nhất mà Chúa Giê-xu đã từng nói ra khi Ngài ở trên thế gian này. Lời thốt này của Chúa Giê-xu chứa đựng tất cả sự kinh khủng, đơn độc, cùng khốn, thương tâm mà Ngài đang phải mang. Xin cùng suy ngẫm Kinh Thánh Mác 15:33-35.

33 Đến giờ thứ sáu, khắp đất đều tối tăm mù mịt cho tới giờ thứ chín.
34 Đến giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?
35 Có mấy người đứng đó nghe vậy, thì nói rằng: Coi kìa, hắn kêu Ê-li.

Giải thích

Trong ngày Chúa Giê-xu phải chịu thương khó, có những hiện tượng thiên nhiên xảy ra đáng ghi nhớ. Giờ thứ sáu theo cách tính truyền thống của người Do Thái là khoảng 12 giờ trưa đến giờ thứ chín là đến 3 giờ chiều, đây là lúc trái đất nhận được ánh sáng mặt trời nhiều nhất, thế mà khắp vùng trở nên tối tăm trong suốt ba tiếng đồng hồ. Đây là một hiện tượng siêu nhiên do Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để cho thấy sự kinh khủng của án phạt mà Đức Chúa Trời đã thi hành đối với tội lỗi. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh tối tăm để nói đến sự phán xét của Đức Chúa Trời.

Lúc ấy, Chúa Giê-xu đã thốt lên câu nói bằng tiếng A-ram, là ngôn ngữ dùng phổ biến tại xứ Do Thái lúc bấy giờ “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi? Phải chăng Chúa Giê-xu không biết Đức Chúa Cha sẽ từ bỏ khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự? Thật ra, Chúa Giê-xu biết rất rõ. Đây cũng là câu mở đầu của Thi Thiên 22. Chúa Giê-xu có thể đã dùng lời của Thi Thiên này làm lời cầu nguyện của Ngài với Đức Chúa Cha, nhưng đây cũng đúng là tâm trạng của Chúa Giê-xu lúc bấy giờ. Chúa Giê-xu với Đức Chúa Cha vốn là một, luôn ở trong một mối tương quan không thể phân ly. Đến đây thì cũng có thắc mắc rằng: Tại sao Đức Chúa Cha lìa bỏ Chúa Giê-xu trong giờ phút quan trọng này? Tại sao Đức Chúa Cha không ở cùng với Ngài cho đến cùng? Câu trả lời là: bởi vì đây là cách duy nhất để cứu chuộc nhân loại. Vì muốn cứu rỗi chúng ta, Đức Chúa Cha và Chúa Giê-xu đành phải phân ly. Chúa Giê-xu – Đấng không có tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, bởi Ngài mang tội lỗi của toàn thể nhân loại nên Chúa phải gánh chịu mọi hình phạt và sự rủa sả của tội lỗi, bởi thế nên khi đối chiếu giữa sự thánh khiết của Đức Chúa Trời thì sự phân cách này là điều phải xảy ra. Khi Đức Chúa Trời lìa bỏ Đức Chúa Giê-xu thì mối tương quan giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời cũng tan vỡ. Và sự kiện ấy gây một biến động rung chuyển cả trời đất, hơn cả sự bùng nổ của bom nguyên tử.

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, cụm từ “Đức Chúa Trời tôi” (Ê-lô-i) và tên của tiên tri Ê-li nghe giống như nhau, do đó có người nghĩ là Chúa kêu tiên tri Ê-li. Tiên tri Ê-li là người đã được Đức Chúa Trời cất lên trời mà không trải qua cái chết thông thường của con người. Với truyền thống niềm tin của Do Thái thì họ tin Ê-li là người làm phép lạ và thường đến cứu giúp những người bị nạn trên trần gian. Chính vì vậy mà những người xung quanh nghĩ rằng Chúa gọi tiên tri Ê-li đến giúp Ngài.

Các bạn thân mến, bởi tội lỗi đã làm chúng ta xa cách Đức Chúa Trời, nhưng cảm tạ Chúa, Đức Chúa Trời có con đường cứu rỗi chúng ta thông qua sự chết của Chúa Giê-xu. Tiếng kêu thống thiết của Chúa Giê-xu vang lên một lần nhưng trọn vẹn, để chúng ta không bao giờ phải kêu những tiếng thống khổ nữa. Tiếng kêu của Chúa Giê-xu đã kết nối chúng ta lại với Đức Chúa Trời.

Có bao giờ bạn cảm thấy bị Đức Chúa Trời từ bỏ không? Có khi nào bạn đã thắc mắc với Chúa là “Tại sao lời cầu nguyện tôi không được trả lời?” hay “Chúa ở đâu mà lại để tôi phải chịu khổ thế này?” Ngay những lúc đó chúng ta cần nhớ sự bảo đảm của Chúa qua Lời Hứa của Ngài trong Hê-bơ-rơ 13:5 đã ghi: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-xu! Con cám ơn Ngài, Đấng đã vì yêu con mà gánh hết mọi hình phạt và sự rủa sả của tội lỗi đến nỗi phải chịu phân cách với Đức Chúa Cha. Con không thể hiểu thấu hết sự huyền nhiệm này nhưng có một điều con biết là Đức Chúa Trời đã khiến Đấng vốn không có tội lỗi đã mang hết tội lỗi thế cho con, để giờ đây con được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Con nguyện xin Ngài luôn ở trong con, để con không làm Chúa buồn lòng vì những vương vấn của tội lỗi khiến con không được ở trong mối tương giao với Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.

Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa