Ma-thi-ơ | Cấp Vốn Để Sinh Lời

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 25:14-18

14 Vả, nước thiên đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy tớ mà giao của cải mình.
15 Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường.
16 Tức thì, người đã nhận năm ta-lâng đi làm lợi ra, và được năm ta-lâng khác.
17 Người đã nhận hai ta-lâng cũng vậy, làm lợi ra được hai ta-lâng nữa.
18 Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ.
Lời ngỏ
Việc kinh doanh ngày nay rất phong phú và có nhiều hình thức khác nhau, và nhất là trong thời đại công nghệ thông tin ai cũng có thể sử dụng điện thoại, máy fax, email, mạng xã hội v.v… để phục vụ cho việc kinh doanh của mình thuận tiện hơn, dù đi xa hay không có mặt thì người chủ vẫn có thể quản lý mọi việc được. Nhưng ngày xưa, người ta không có được những phương tiện này nên việc quản lý của chủ cũng giới hạn. Tuy nhiên, dù xưa hay nay thì hết thảy các hình thức kinh doanh đều cần có nguồn vốn và với một mục đích là phải sinh lợi ra trên nguồn vốn mà mình có.
Ví dụ mà Chúa Giê-xu kể ở đoạn Kinh Thánh hôm nay cũng là câu chuyện về một người chủ kinh doanh và ông đã giao của cải của mình, tức là vốn liếng ông có, cho những quản gia của mình trực tiếp kinh doanh trong thời gian ông đi xa. Tại đây có 3 điểm chúng ta sẽ học:
1. Mỗi quản gia được cấp vốn tùy theo khả năng của mình
Kinh Thánh cho biết “Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường.” (câu 15) Ta-lâng là đơn vị tiền tệ lúc bấy giờ. Một ta-lâng trị giá tương đương với số lương của một người lao động làm trong suốt mười lăm năm. Vì thế, số vốn mà chủ giao cho các quản gia là rất lớn. Ông giao cho các quản gia có quyền quản trị và kinh doanh trên số vốn mà ông đưa. Người được giao năm ta-lâng, người được giao hai ta-lâng, có người được giao một ta-lâng. Người chủ biết khả năng khác nhau của từng người nên giao cho số vốn mà ông nghĩ rằng người ấy có thể quản lý. Khi giao số vốn tùy theo khả năng mỗi người là người chủ  trông mong rằng mỗi quản gia có cơ hội thực hiện những sáng kiến, sử dụng sự khôn ngoan, tài năng của họ để làm lợi ra cho chủ trong thời gian chủ đi xa. .
2. Mỗi quản gia làm lợi ra tùy theo số vốn được cấp
Tức thì, người đã nhận năm ta-lâng đi làm lợi ra, và được năm ta-lâng khác. Người đã nhận hai ta-lâng cũng vậy, làm lợi ra được hai ta-lâng nữa. Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ”  Mỗi người người đầy tớ đều được giao cho một số tiền khác nhau. Hai người đầu có lẽ biết rõ mình được chủ kỳ vọng làm điều gì trong lúc chủ đi xa, và họ cũng ý thức rằng bổn phận của họ là phải làm lợi cho chủ. Vì thế, với số vốn được giao cho, họ đã bỏ công sức, khả năng để có thể sinh lợi cho chủ. Chúng ta không được biết bằng cách nào và như thế nào hai người đầu đã làm lợi ra, nhưng cả hai đều nỗ lực và cuối cùng có thể tạo ra số lời gấp đôi.
Tuy nhiên, người quản gia thứ ba thì lại đi đào lỗ, chôn một ta-lâng mà chủ đã giao. Người này không làm gì  để sinh lợi cả. Trong khi hai người quản gia kia dồn hết sức lực, tài năng để sinh lời từ số vốn được giao thì anh này không hiểu ý chủ, không tận dụng số vốn được cấp cho, không dám mạo hiểm và nắm lấy cơ hội mà chỉ khoanh tay nhìn người khác làm.   
3. Ý nghĩa thuộc linh của việc cấp vốn, sinh lời
Chúa Giê-xu dùng ví dụ này để dạy một lẽ thật quan trọng về Nước Trời. Trong câu đầu tiên Chúa đã phán “Nước thiên đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy tớ mà giao của cải mình”  Chúa Giê-xu muốn bày tỏ Ngài chính là người chủ, sắp phải rời xa các môn đồ của Ngài để đi con đường thập tự, việc “đi xa” này là còn nhằm nói đến việc Chúa sẽ thăng thiên về trời và Ngài sẽ trở lại. Trong ví dụ này người đầy tớ được chủ cất nhắc lên làm người quản lý. Cũng vậy, khi tiếp nhận Chúa Giê-xu là Cứu Chúa cuộc đời mình, chúng ta được Chúa ban cho quyền phép trở thành con cái Đức Chúa Trời,  từ một kẻ nô lệ cho tội lỗi mà được trở thành con cái Chúa, tức là quyền công dân Nước Trời. Chúng ta được ban cho Thánh Linh, những ân tứ, khả năng khác nhau. Vì thế, chúng ta phải nhận biết mục đích của đời sống mới và vai trò của mình để bắt đầu sống đời sống của một người quản trị trung tín và khôn ngoan. Người quản lý của Đức Chúa Trời không chỉ giới hạn trong việc quản lý tiền bạc, của cải, nhưng cả những tài năng, ơn tứ, thì giờ, cơ hội và mọi nguồn lực được ban cho, với những nguồn lực đó chúng ta phải làm lợi ra cho Nước Ngài.
Tuy nhiên, Chúa giao cho chúng ta chịu trách nhiệm về những nguồn lực đó tùy theo khả năng của mỗi người. Ba người đầy tớ trong ví dụ này tiêu biểu cho hai dạng Cơ Đốc nhân: thứ nhất là những người biết sử  dụng ân tứ Chúa ban để phục vụ Chúa cách ích lợi cho Nước Ngài như hai người đầy tớ đầu. Thứ hai là những tín hữu không biết dùng ân tứ Chúa ban để phục vụ Chúa mà giấu đi nên không có ích lợi gì cho Nước Chúa cả  giống như người đầy tớ thứ ba. Điều quan trọng của ví dụ này không phải chúng ta có bao nhiêu nguồn lực và cơ hội, mà là chúng ta sẽ làm gì với nguồn lực và cơ hội mà chúng ta có được.
Bạn thân mến, Đức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta thì giờ, ân tứ, cơ hội và nhiều nguồn tài nguyên khác nữa tùy khả năng của chúng ta. Chúa trông mong mỗi chúng ta phải là người quản lý thật khôn ngoan những nguồn lực đó cho đến khi Ngài tái lâm. Vì vậy, mỗi tôi con Chúa có trách nhiệm là phải tận dụng những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta cách ích lợi nhất cho Ngài. Vấn đề không phải là chúng ta có bao nhiêu, nhưng là chúng ta đã tận dụng bao nhiêu nguồn lực đó.
Có nhiều người trong chúng ta đã “chôn giấu” những nguồn lực Chúa ban vì cho rằng mình không có ân tứ gì cả nên chẳng muốn làm công việc Chúa, dù là một công việc nhỏ như người nhận 1 ta-lâng kia. Hoặc vì quá bận rộn với cuộc sống đời này mà không góp phần chi hết trong nhà Chúa.  Hoặc vì bất mãn với ai đó trong hội thánh mà không muốn góp phần phục vụ Chúa. Lời Chúa trong Ê-phê-sô 5:15 -17 “Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.” Câu hỏi dành cho bạn và tôi hôm nay là “Tôi có đang quản trị những “nguồn vốn” Chúa giao cho cách khôn ngoan và sinh lợi cho Ngài không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Cảm ơn Ngài ban cho con mọi nguồn lực để phục vụ Ngài. Xin cho con hiểu được ý muốn của Chúa, biết tận dụng những cơ hội và mọi nguồn lực Chúa giao cho để ích lợi cho nhà Chúa và Danh Chúa được vinh hiển qua đời sống con. Con thật cảm tạ Chúa. Nhân Danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa