Ma-thi-ơ | Tòa Án "Giữa Đêm Khuya"
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:57-58
57 Những kẻ đã bắt Đức Chúa Jêsus đem Ngài đến nhà thầy cả thượng phẩm Cai-phe, tại đó các thầy thông giáo và các trưởng lão đã nhóm lại.
58 Phi-e-rơ theo Ngài xa xa cho đến sân của thầy cả thượng phẩm, vào ngồi với các kẻ canh giữ đặng coi việc ấy ra làm sao.
Lời ngỏ
Vua Sa-lô-môn là một người khôn ngoan vào bậc nhất của nhân loại. Ông từng là Thẩm phán để xử những vụ án rất khó khăn một cách vô cùng khôn ngoan. Thế nhưng, ông đã từng thốt lên rằng: “Ta lại còn thấy dưới mặt trời, trong nơi công đàng có sự gian ác, và tại chốn công bình có sự bất nghĩa. Ta bèn nói trong lòng rằng: Đức Chúa Trời sẽ đoán xét kẻ công bình và người gian ác; vì ở đó có kỳ định cho mọi sự mọi việc.” (Truyền Đạo 3:16-17). Như vậy, Vua Sa-lô-môn là vua một nước thịnh vượng, tòa án của nước ông xét xử rất công minh; nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng chốn tòa án vẫn còn vô số việc bất công, bất nghĩa. Và chỉ có tòa án Thiên thượng mới thật là tòa án công lý, thánh khiết và cũng thật là tòa án có tình yêu thương. Sự bất công, bất nghĩa đó cũng không nằm ngoài những tòa án tôn giáo tại xứ Do Thái khi họ bắt Chúa Giê-xu và xét xử.
1. Tòa công luận và nguyên tắc xử án
Tòa Công luận là tối cao pháp viện của người Do thái. Thành phần nghị viện gồm có những thầy thông giáo am tường luật pháp Môi-se, những người biệt phái Pha-ri-si, những người theo phái chủ nghĩa hiện sinh Sa-đu-sê, và các trưởng lão có uy tín trong vòng dân chúng. Theo lịch sử ghi nhận thì thành phần nghị viện gồm 72 vị, trong đó có 1 vị thuộc dòng dõi A-rôn được cử làm thầy tế lễ cả hay thầy tế lễ thượng phẩm cũng là chủ tịch của tòa công luận. Đối với những vụ án xử gấp thì chỉ cần 24 vị trong vòng 72 vị cũng tạm đủ để phán quyết.
Tuy nhiên, Tòa công luận phải giữ theo nguyên tắc căn bản nhất như sau: Tất cả mọi vụ phạm pháp phải xem xét vào ban ngày trong giờ hành chính. Các vụ phạm pháp tránh xét xử trong mùa lễ Vượt qua. Đối những vụ phạm pháp nếu xét xử là vô tội thì có thể kết thúc trong ngay ngày đầu xử án. Còn nếu xét xử là có tội thì phải chờ qua một đêm thì tòa mới ra phán quyết. Mục đích là để người xử án xem xét một số điều tốt của kẻ phạm tội để bộc lộ lòng thương xót mà giảm nhẹ bớt hình phạt. Mọi phán quyết của Tòa Công luận sẽ không có hiệu lực nếu không đưa ra phiên họp công khai tại sảnh đường trong đền thờ. Còn về phần nhân chứng thì phải trình ra mọi bằng chứng đảm bảo là thành thật có sự thẩm vấn độc lập để tránh sự vu oan. Trong một số vụ tố tụng liên quan đến tiền bạc nếu người nhân chứng sai sót thì có thể bồi thường về mặt tiền bạc và danh dự. Nhưng các vụ án liên quan đến sinh mạng của con người thì khó có thể bồi thường nên nếu người làm chứng gian đến tội làm đổ huyết thì cần thời gian điều tra riêng; và người làm chứng dối thì cũng kể là sát nhân và bị xử nghiêm minh.
2. Sự bất công lộ liễu tại tòa Công luận trong vụ xử án Chúa Giê-xu
Nguyên tắc của tòa Công luận rõ ràng được quy định như thế. Vậy mà trong vụ xử án Chúa Giê-xu lại gần như đi ngược hoàn toàn. Cho nên, có thể nói đây là một vụ xử án không đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, đi ngược lại con đường công bình của Đức Chúa Trời. Bởi những kẻ bắt Ngài đã âm mưu cấu kết với môn đồ tạo phản và bắt Chúa trong đêm mà không có trát của tòa án. Tòa Công luận nhóm họp ngay trong ban đêm tại nhà riêng của thầy cả thượng phẩm với sự nhóm họp trước khi xử án. Một cuộc tập họp những thành viên của tòa cũng mờ ám theo phe của kẻ lãnh đạo giáo quyền không công bình.
Trong sách phúc âm Giăng bày tỏ rõ ràng vào thời bấy giờ có đến “hai thầy tế lễ cả là An-ne và Cai-phe”, là chuyện không đúng theo luật định. Trong đó, An-ne được biết đến với danh nghĩa là bố vợ của Cai-phe (Giăng 18:13). Cai-phe vốn là nhà tài phiệt, ông ta đã bỏ nhiều tiền của để mua quyền trong tôn giáo đương thời, và dùng hôn nhân giả tạo để hợp thức hóa cái quyền mà vốn chỉ được chuyển giao trong dòng dõi A-rôn theo pháp luật. Chúng ta cũng biết, ngay chính Hê-rốt cũng là kẻ dùng tiền để mua quyền, dùng mưu để lấy lòng dân Do thái trước khi cai trị họ cách hà khắc và bóc lột dã man. Như thế rõ ràng đã có sự thế tục hóa về chiếc ghế thầy tế lễ cả là địa vị cần phải làm gương mẫu tốt về sự công bình, thánh khiết về mặt tâm linh, lương tâm và đạo đức.
Đức Chúa Giê-xu sau khi bị bắt giữa đêm theo sự chỉ điểm của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, Ngài đã được giải đến An-ne là thầy tế lễ cả, nhưng ông này quá già để phán đoán vụ việc và không còn khả năng để xử án, vì ông đã trở nên kẻ “hữu danh vô thực”. Mặc khác, ông đã bán rẻ quyền cho chàng rể đầy mưu mô là Cai-phe. Còn thầy tế lễ cả Cai-phe đã mua danh mua ghế lại là kẻ chẳng yêu mến gì dân sự cả. Ông ta sẵn sàng hạ bệ người này, giết người kia nếu thấy người đó làm ảnh hưởng chiếc ghế quyền lực của mình. Cai-phe chính là kẻ chủ mưu giết Chúa. Bởi vì ông ta từng bàn với bộ hạ của ông ta là: “thà một người chết vì dân thì ích hơn” (Giăng 18:14) vì ông ta cho rằng Chúa Giê-xu đang tạo uy thế để trở nên nhà cách mạng, và quân La-mã nhân cớ đó mà đổ quân để xâm lược hẳn khu vực “chư hầu” này thì các quyền của người Giu-đa như vua Hê-rốt về mặt chính trị, như thầy tế lễ cả về mặt tôn giáo sẽ bị tước mất.
Tòa án thường được xem là nơi đặt cán cân công lý của cộng đồng và xã hội. Đó là nơi có những con người và công cụ để kiểm chứng tốt cho việc đúng việc sai. Đó là nơi phân xử công minh và đem lại niềm tin cho cộng đồng, xã hội. Thế nhưng, khi xã hội nào đó bị tha hóa và bại hoại thì Tòa án lại chính là nơi gây nên sự bất công cách lộ liễu và trắng trợn hơn hết. Những bản án xử nơi tòa án chỉ là giả hiệu bằng những bản án chỉ nhằm có lợi cho thế lực gian ác núp bóng công bình. Đó là nơi được “hợp thức hóa” để phá đổ nền hòa bình, giết hại những con người công bình, thánh khiết, và có lương tâm tốt.
Vì thế, chúng ta dù bị phán xử sai, bị vu cáo, chịu nhiều oan ức thì hãy nhớ rằng có một tòa án công bình, thánh khiết nơi Chúa sẽ đoái xem chúng ta mà bênh vực chúng ta. Cho nên, chúng ta cần phải tin cậy Chúa và sự công bình tốt lành nơi tòa án của Chúa. Đó là tòa án xét xử công bình bởi đức tin, sự thương xót của Ngài. Khi chúng ta đặt đức tin mình nơi Chúa thì Ngài sẽ cứu rỗi chúng ta; vì Ngài cũng từng chịu oan sai vì tội lỗi chúng ta nên thấu hiểu nỗi lòng của chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Tạ ơn Chúa vì Ngài chính là Đấng cảm thương sự yếu đuối của chúng con, và thấu hiểu những nỗi niềm đau khổ vì danh Ngài, vì cớ việc công bình, thánh khiết, yêu thương của Nước Đức Chúa Trời mà chúng con rao truyền nhưng bị ghét cách vô cớ, bị sỉ nhục cách oan ức.
Tạ ơn Chúa! Ngài đã chịu mọi khổ đau vì tội lỗi của chúng con, và qua đó Ngài thật sự cảm thông từng nỗi khổ của chúng con mà an ủi chúng con, nâng đỡ chúng con. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét