Ma-thi-ơ | Lời Chúa Trường Tồn Bất Diệt
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:32-35
32 Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới.
33 Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.
34 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến.
35 Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.
Lời ngỏ
Người làm nông thì thường để ý đến thời tiết, vì thời tiết liên quan trực tiếp đến việc gieo trồng và gặt hái. Khi nhìn thấy các dấu hiệu như những đám mây đen cuồn cuộn kéo đến, gió thổi, chim bay liệng… thì biết trời sẽ có cơn mưa giông. Sau cơn mưa mà nhìn thấy cầu vồng thì biết là mưa đã dứt và thời tiết sẽ ráo tạnh. Khi nghe tiếng thác gầm thét, gió đông mạnh, kiến làm tổ trên cây cao thì báo hiệu lũ lụt sắp đến.
Chúa Giê-xu cũng dùng những khái niệm quen thuộc ấy để chỉ cho các môn đồ của Ngài về những dấu hiệu liên quan đến sự trở lại của Chúa trong ngày sau rốt. Chúa Giê-xu đã phán: “Hãy nghe lời ví dụ về cây vả” Cây vả là một loại cây trồng rất quen thuộc với người Do Thái. Người ta thường trồng cây này ở trước sân nhà để làm bóng mát và cũng để có trái ăn nữa. Động từ “nghe” trong tiếng Hy Lạp không phải là nghe thoáng qua rồi thôi mà có ý nói “phải hiểu rõ và tiếp nhận” thông điệp ấy vào đời sống để được thay đổi. Điều mà các môn đồ cần nghe là “ví dụ về cây vả”. Chúa Giê-xu dùng một kiến thức hết sức đơn giản đối với người Do Thái, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu được. Có nhiều người đã cố gắng giải thích về ví dụ này thành một biểu tượng phức tạp, khó hiểu thay vì chỉ là cách nói đơn sơ, dễ hiểu. Chúa Giê-xu thường dùng “ví dụ” về những câu chuyện, sự việc bình thường và quen thuộc trong cuộc sống để từ đó hiểu và ứng dụng về mặt thuộc linh. Chúa Giê-xu đã sử dụng nhiều ví dụ để minh họa cho các lẽ thật thuộc linh quan trọng. Ví dụ Chúa dùng ở đây là khi thấy cây vả ra “nhành non, lộc nứt” thì ai cũng biết rằng “mùa hè gần tới” Trước đó, Chúa Giê-xu vừa mới cảnh báo về bảy dấu hiệu sẽ xảy ra trước khi Chúa đến. Từ đó Chúa muốn họ liên hệ đến dấu hiệu về sự tái lâm của Ngài. “Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy (tức là các dấu hiệu) khá biết rằng Con người (là Chúa Giê-xu) gần đến, Ngài đang ở trước cửa“. Vì thế, khi chúng ta nhìn thấy các dấu hiệu mà Chúa đã mô tả, thì biết rằng sự tái lâm của Ngài ở gần đến nỗi y như Ngài đang đứng trước cửa và sắp bước vào bên trong rồi vậy.
Tiếp theo, Chúa Giê-xu phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi điều kia chưa xảy đến“. Đây là câu nói còn khó hiểu đối với chúng ta. Có hai câu hỏi được đặt ra là “Chúa muốn nói tới ‘dòng dõi này’ là ai? Và ‘điều kia’ sẽ ‘xảy đến’ là điều gì?” Thông thường, có hai hướng giải thích câu Kinh Thánh này.
1) Nếu “dòng dõi này” là các môn đồ của Chúa lúc bấy giờ đang nghe Chúa phán vẫn còn hiện diện và chứng kiến “điều kia xảy ra” là biến cố sự huỷ diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SC thì câu này hàm ý lời tiên tri về sự sụp đổ thành Giê-ra-sa-lem. Nhưng chúng ta biết rằng những dấu hiệu Ngài cảnh báo ở trên là rất kinh khiếp và xoay chuyển cả thế giới, chứ không phải chỉ có một phần nhỏ thuộc xứ Do Thái mà thôi. Hơn nữa, Chúa không có hàm ý nói tới dòng dõi của các môn đồ vì Ngài phán rằng “ngay sau hoạn nạn của những ngày đó” thì Chúa sẽ tái lâm. Sự kiện thành Giê-ru-sa-lem đã ứng nghiệm trong thời của hoàng đế Titus nhưng Chúa Giê-xu đã không tái lâm vào thời điểm ấy, nên chúng ta có thể khẳng định rằng lời này không liên quan đến sự kiện thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ.
2) Nếu hiểu lời tiên tri này liên quan đến sự kiện Chúa Giê-xu tái lâm thì “dòng dõi nầy” có ý nói dân Do Thái và là một lời hứa cho dân này sẽ không bị huỷ diệt cho tới chừng Đấng Christ trở lại lần hai. Và còn nhiều cách giải thích khác nữa, có thể hiểu “dòng dõi này” là những người đang sống và gánh chịu thời kỳ cơn đại nạn. Những người này sẽ nhìn thấy “mọi điều ấy” tức là các dấu hiệu trước kỳ tận thế sẽ xảy ra. “Dòng dõi này” sẽ chứng kiến những dấu hiệu về christ giả, chiến tranh, tai ương, dịch lệ, bách hại, bạo lực, Tin Lành được giảng ra khắp đất, sự gớm ghiếc tàn nát bởi Anti-Christ, cả sự tối tăm và các dấu lạ ở trên trời nữa. Khi “mọi điều ấy” xảy ra, đúng y như khi “cây vả” có nhành non và lá mới đâm, thì người ta biết ngay mùa hạ gần tới, “dòng dõi này” cũng sẽ nhìn biết sự tái lâm của Chúa Giê-xu Christ đang ở gần rồi.
Để bảo đảm cho lời tiên báo của Ngài, cũng như khích lệ các môn đồ đang hoang mang, ngã lòng, Chúa phán: “Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi” (câu 31) Chúa muốn cho các môn đồ và con cái của Ngài nhận biết rằng thế giới tạm bợ này sẽ qua đi, mọi thứ thuộc về thế giới vật chất sẽ chẳng còn, và nó sẽ kết thúc vào một ngày giờ nhất định. Theo Khải Huyền 21:1 cho biết, trời và đất sẽ qua đi, lại sẽ có trời mới và đất mới, nhưng Ngài chẳng hề thay đổi Lời Ngài, Lời Hằng Sống chắc chắn hơn cả sự tồn tại của vũ trụ, Lời ấy vẫn luôn đứng vững và tồn tại xuyên suốt mọi thời đại, lời Ngài sẽ còn lại đời đời. Vì thế, đây không phải là lý thuyết suông hay lời ngăm dọa, mà là một sự thật chắc chắn sẽ xảy đến.
Bạn thân mến, Chúa Giê-xu dùng ví dụ cây vả này để nhấn mạnh sứ điệp của Ngài về ngày tận thế. Khi nhìn thấy những dấu hiệu này gia tăng, chúng ta biết ngày Chúa trở lại rất gần. Chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối rốt, ngày Chúa quang lâm không còn xa nữa, thế thì những điềm báo trước này nhắc nhở tôi và bạn cần phải làm gì? Vấn đề của chúng ta là phải tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa với tinh thần thức canh và cầu nguyện để khỏi sa vào mưu chước cám dỗ của ma quỉ.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Xin mở mắt con, cho con nhìn thấy dấu hiệu của ngày Chúa Giê-xu trở lại với lòng vui mừng đón chờ Ngài. Xin cho con biết sửa soạn chính mình bằng nếp sống thánh khiết, tôn thờ và phục vụ Chúa cách thành tâm và trung tín cho đến khi được gặp Ngài. Con thật cảm tạ Chúa. Trong Danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét