Ma-thi-ơ | Một Giờ Cầu Nguyện

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:40-43

40 Kế đó, Ngài trở lại với môn đồ, thấy đang ngủ, thì Ngài phán cùng Phi-e-rơ rằng: Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được!
41 Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.
42 Ngài lại đi lần thứ hai, mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! Nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống, thì xin ý Cha được nên.
43 Ngài trở lại nữa, thì thấy môn đồ còn ngủ; vì mắt họ đã đừ quá rồi.
Lời ngỏ
Mục sư Martin Luther là một nhà khởi xướng phong trào cải cách tôn giáo. Ông rất bận rộn trong việc phải giảng dạy các môn đồ của mình. Thậm chí, ngay giờ ăn trưa ông cũng vừa giảng dạy, vừa ăn. Tuy vậy, ông là người rất gương mẫu trong sự cầu nguyện thực nghiệm.
Ông từng dạy các môn đồ của mình rằng: “Một tín hữu muốn trở thành Cơ đốc nhân trưởng thành thì mỗi ngày ít nhất cần có một giờ đồng hồ trong sự cầu nguyện với Chúa thì mới đủ. Còn đối với một người lãnh đạo thuộc linh muốn đầy ơn Chúa thì cần gấp ba lần hơn về thời gian cầu nguyện lẫn thời gian đầu tư thuộc linh trong sự tìm kiếm ý muốn Chúa cho mình và Hội thánh mình.”
Chúa Giê-xu cũng xem trọng việc cầu nguyện và cầu thay. “Một giờ cầu nguyện” cũng là điều mà Chúa Giê-xu muốn môn đồ của Ngài học tập và thực hành nên Ngài đã dẫn họ đến khu vườn Ghết-sê-ma-nê quen thuộc. Đó là nơi dùng để thu hoạch và ép dầu ô-liu. Cho nên, khu vườn này thường thuộc về một số người giàu có trong thành đã đầu tư và thuê mướn những người nông dân trồng và thu hoạch. Vì thế khu vực mà Chúa Giê-xu và các môn đồ đã đến cầu nguyện hẳn thuộc về một trong số các môn đồ giàu có nào đó đã cho Ngài mượn để sử dụng khi cần. Tại đây, Chúa Giê-xu có lời khuyên cho các môn đồ là:
Lời khuyên: “Hãy thức canh và cầu nguyện”
Lời khuyên và lời nhờ cầu thay của Chúa Giê-xu cho các môn đồ dường như có ít hiệu quả trong ngày hôm đó. Một phương diện là sự mệt mỏi trong thân thể sau một ngày đi bộ nhiều; mặt khác, các môn đồ vừa mới ăn no trong buổi lễ Vượt qua nên khiến họ trở nên người buồn ngủ không thể cưỡng lại được. Nhưng một phương diện quan trọng hơn là vì họ không ngờ rằng đó là đêm thương khó của Chúa Giê-xu. Dù rằng Chúa có tiên báo về sự thương khó của Ngài nhưng họ không nghĩ nghiêm trọng đến mức như thế. Trong suy nghĩ của họ thì Đấng Christ có thể chịu hoạn nạn, chịu khổ và phải đi từ nơi này sang nơi khác giống như vua Đa-vít cũng từng bị như thế. Nhưng họ không bao giờ tin rằng Đấng Christ phải chịu đóng đinh và chết trên cây thập tự.
Một lần nữa, tức là lần thứ hai Chúa Giê-xu trở lại, đến với các môn đồ và trực tiếp nói với Phi-e-rơ, người đã từng quá tự tin sẽ không bao giờ chạy trốn khi Chúa gặp hoạn nạn, rằng: “Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được!” Trong bản Kinh thánh tiếng Việt dịch câu này là câu cảm thán “!” (dấu chấm thang); nhưng bản Kinh thánh tiếng Hy-lạp là câu hỏi “?” (dấu chấm hỏi). Đó là câu hỏi mang tính cách vừa khuyên bảo, vừa thách thức vì trước đó không lâu họ đã quá tự tin về việc mình trung tín và sát cánh với Ngài. Ngay khi đó Chúa phán với họ một lời hết sức là quý báu: Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.” Trong câu này Chúa Giê-xu bày tỏ phương cách để đắc thắng cám dỗ ấy là “thức canh và cầu nguyện”. Việc thức canh và cầu nguyện không phải khi thảnh thơi và thoải mái mới thực hiện. Nhưng ngay khi mệt mỏi và yếu đuối thì càng phải cầu nguyện hơn nữa. Có thể trong lúc ấy không thể cầu nguyện dài, không thể cầu nguyện với câu chữ có cấu trúc và xúc tích; nhưng đó là lúc thật cần cầu nguyện và thật sự đúng tinh thần cầu nguyện với sự dốc đỗ. Đức Thánh Linh là Đấng dò xét trong lòng sẽ giúp chúng ta nói ra những lời thở than từ đáy lòng mình. Và Ngài là Đấng sẽ phán cách rõ ràng về điều Ngài muốn phán. Vì lúc ấy là lúc mà chúng ta chịu sự lắng nghe hơn hết. Đức Chúa Giê-xu không chỉ khuyên bảo các môn đồ mình hãy thức canh và cầu nguyện vì đó là phương cách để đắc thắng cám dỗ. Nhưng chính Ngài đã trực tiếp cầu nguyện cách rất khẩn thiết.
Thực tiễn: Chúa Giê-xu cầu nguyện đến mức mồ hôi trở nên như giọt máu lớn (Lu 22:44)
Trong sách phúc âm Lu-ca bày tỏ Ngài đã cầu nguyện dốc hết sức lực như trong cuộc chiến đấu gay go đến mức kiệt sức. Trong hoàn cảnh đó có một vị thiên sứ được Cha sai đến để thêm sức thuộc linh cho Ngài. Chính Ngài đã dốc đỗ cầu nguyện như một trận chiến thuộc linh và thuộc thể. Những giọt mồ hôi trên trán, trên thân thể Ngài đã rỉ ra ngoài làn da và rơi xuống đất như giọt máu lớn. Có thể do cầu nguyện trong sự căng thẳng và tập trung cao độ mà một số tế bào máu vỡ và rỉ ra ngoài, rồi quyện với mồ hôi mà trở nên như thế. Thật là một sự chiến đấu trong sự cầu nguyện chứ không chỉ là trò chuyện trao đổi cách đơn thuần. Nhưng Chúa Giê-xu vẫn tiếp tục trông đợi ý muốn của Cha đến những giây phút cuối cùng.
Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong lần này là: Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên. Như vậy, Đức Chúa Giê-xu dường như đã xác nhận gần như chắc chắn ý muốn của Cha là chính Ngài phải uống “chén đắng”. Chúa Giê-xu cũng đã đáp lại điều Cha bày tỏ “Xin ý Cha được nên”. Lần thứ ba, Chúa trở lại với các môn đồ để xem họ có đang cầu thay giúp Ngài hay không? Nhưng họ đã không, mắt họ bây giờ đã đừ quá rồi. Việc cầu thay lúc này đã không thể thực hiện được nữa. Ngài phải trực tiếp và một mình chiến đấu trong sự cầu nguyện vô cùng thiết tha. Bởi thời gian còn lại không còn nhiều, không đến một giờ.
Các bạn thân mến, bạn có thói quen cầu nguyện như thế nào? Bạn thường cầu nguyện vào buổi sáng hay buổi tối. Để tránh việc phải ngủ gục trong lúc cầu nguyện thì bạn thường có thói quen làm gì? Nếu buổi sáng cầu nguyện mà bị ngủ gục thì có thể do trong đêm trước thiếu ngủ hay mất ngủ. Do đó, nên ngủ sớm và ngủ đủ để luôn tỉnh táo khi cầu nguyện.
Còn nếu bạn thường giữ giờ cầu nguyện buổi tối mà vẫn dễ bị ngủ gục thì thường do cả ngày làm việc vất vả nên thân thể mệt mỏi cần ngủ và muốn ngủ. Cũng có thể buổi tối bạn thường có thói quen ăn no trước khi ngủ nên khi nhắm mắt ngồi yên dễ đi vào giấc ngủ. Do đó bạn nên cho cơ thể nghỉ ngơi một chút, tắm rửa sảng khoái trước khi bắt đầu cầu nguyện. Cũng như bạn có thể đi lại một chút sau một thời gian cầu nguyện; hay cầu nguyện thành tiếng nhỏ, hơn là cầu nguyện thầm trong tâm trí. 
Bạn có thể sốt sắng cầu nguyện trong một giờ nếu bạn nhận thức rõ sự nghiêm trọng sẽ xảy ra khi thiếu cầu nguyện. Sự nghiêm trọng và nguy cơ đó không phải ở xa, hay của người này người khác, mà ở gần chúng ta và trong chính chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, chúng con tin rằng nhờ sức thuộc linh Chúa ban và sự cảnh tỉnh của Thánh Linh để chúng con luôn thức canh và cầu nguyện thì mới đủ sức và sự khôn ngoan vượt qua sự thử thách có thể đột ngột ập đến trên chúng con. Xin Chúa phán và bày tỏ ý muốn của Ngài thật rõ ràng trên chúng con khi chúng con khẩn cầu. Nguyện xin ý muốn Chúa được nên trên đất cũng như trên trời. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa