Ma-thi-ơ | Việc Làm Đáng Ghi Nhớ
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:6-13
6 Khi Đức Chúa Jêsus ở làng Bê-tha-ni, tại nhà Si-môn là người phung,
7 có một người đàn bà cầm cái chai bằng ngọc trắng đựng dầu thơm quí giá lắm, đến gần mà đổ trên đầu Ngài đương khi ngồi ăn.
8 Môn đồ thấy vậy, giận mà trách rằng: Sao phí của như vậy?
9 Dầu nầy có thể bán được nhiều tiền và lấy mà bố thí cho kẻ nghèo nàn.
10 Đức Chúa Jêsus biết điều đó, bèn phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi làm khó cho người đàn bà đó? Người đã làm việc tốt cho ta;
11 vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình, song sẽ không có ta ở cùng luôn luôn.
12 Người đổ dầu thơm trên mình ta là để sửa soạn chôn xác ta đó.
13 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người.
Lời ngỏ
Có một trưởng hướng đạo sinh yêu cầu các em hướng đạo sinh mới hãy báo cáo làm xong một việc tốt trong ngày. Một em kia tên là Johnny được hỏi đã làm xong việc tốt trong ngày chưa. Em vội vã trả lời: “Thưa chưa.” Người trưởng hướng đạo ra lệnh: “Johnny, hãy đi ra làm ngay việc tốt trong ngày, nếu chưa làm xong thì đừng thấy mặt tôi!”. Một lát sau cậu bé Johnny trở lại áo quần dáng vẻ xơ xác. Tóc em rối lên, áo quần lôi thôi lếch thếch, mặt thì bị trầy trụa. Vị huynh trưởng hướng đạo hốt hoảng hỏi ngay: “Việc gì xảy ra cho em thế?” Cậu bé trả lời: “Em đã làm xong việc tốt trong ngày rồi! Em đã giúp một bà cụ già băng qua đường!” Huynh trưởng hỏi tiếp: “Vậy sao áo quần em nhàu nát và mặt em bị trầy trụa thế?” Cậu trả lời buồn bã: “Dạ, tại bà ấy không chịu qua đường ạ!” Trưởng hướng đạo thở dài không biết nói làm sao. Vì cậu bé muốn làm việc tốt là dẫn bà cụ sang đường nhưng bà cụ thì lại không cần sang đường nên hai người dằn co, cậu bé kéo bà cụ đi, bà cụ thì cố gắng chống lại nên khiến cậu bé vất vả, bơ phờ, áo quần tơi tả như thế.
Khi nghe câu chuyện này có lẽ khiến chúng ta bật cười nhưng có lúc chúng ta đã từng làm những việc vô ích như thế. Thực tế là có những việc chúng ta cố gắng làm cho người khác và chúng ta nghĩ rằng đó là tốt nhưng việc tốt mà chúng ta làm không giúp ích cho người đó mà còn khiến người ta khó xử hơn. Vì vậy có ý hướng làm việc tốt đã khó mà cần phải hành động đúng cách là điều chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng trước khi làm. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay ghi lại việc làm của một người phụ nữ được Chúa Giê-xu kể là việc làm có ý nghĩa và tốt lành khiến cho “khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người.” (câu 13)
Sứ đồ Ma-thi-ơ ký thuật lại câu chuyện này xen giữa sự việc các lãnh đạo Do Thái giáo âm mưu giết Chúa và sự phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Có lẽ Ma-thi-ơ muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa tấm lòng tận hiến của Ma-ri với sự phản bội của Giu-đa. Dù tại đây sứ đồ Ma-thi-ơ không ghi rõ tên nhân vật trong các câu chuyện nhưng nếu đối chiếu với hai Phúc Âm Mác 14 và Giăng 12, chúng ta biết người phụ nữ trong câu chuyện này là Ma-ri. Tại đây, chúng ta được biết Ngài vào nhà Si-môn, một người bệnh phung mà Chúa đã chữa lành, giờ đây khi biết Chúa đi ngang qua làng Bê-tha-ni thì ông mời Chúa và các môn đồ vào nhà để thết đãi và bày tỏ lòng biết ơn.
Tại đó cũng có Ma-ri, là em của La-xa-rơ, người Chúa kêu sống lại từ kẻ chết chôn trong mộ đã được 4 ngày rồi. Trong bữa tiệc, Ma-ri dâng một của lễ quý giá lên Chúa Giê-xu. Cô đã đập bể chai dầu thơm đựng trong bình ngọc trắng quý hiếm rồi đổ lên người của Chúa GIê-xu. Phong tục xức dầu trong các yến tiệc là chuyện bình thường thời đó. Nhưng trong trường hợp này là một việc làm hết sức đặc biệt đối với Chúa Giê-xu. Hành động tôn thờ Chúa của Ma-ri tương phản nổi bật với lời phàn nàn của các môn đồ. Theo sách Giăng ký thuật thì người phàn nàn việc làm này của Ma-ri chính là Giu-đa, một con người tính toan và giả dối khi ông ta “giận mà trách rằng: Sao phí của như vậy? Dầu nầy có thể bán được nhiều tiền và lấy mà bố thí cho kẻ nghèo nàn.” (câu 8 và 9) Ngoài miệng thì Giu-đa nói rằng vì lợi ích của người nghèo nên đừng hoang phí, nhưng bên trong lòng của ông là sự tham muốn gian dối. Nếu trong cái nhìn của Giu-đa và các môn đồ xem việc Ma-ri xức dầu cho Chúa là sự phung phí thì họ đã không hiểu được giá trị của sự hy sinh và chịu chết của Ngài. Chúa Giê-xu có phung phí không khi Ngài bằng lòng rời thiên đàng vinh hiển xuống thế gian và từ bỏ mạng sống để nhờ đó con người tội lỗi chúng ta nhận được sự cứu rỗi?
Khi nghe lời phiền trách ấy, Chúa Giê-xu đã lên tiếng bênh vực Ma-ri “Sao các ngươi làm khó cho người đàn bà đó? Người đã làm việc tốt cho ta; vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình, song sẽ không có ta ở cùng luôn luôn” (câu 10-11) Chai dầu quý này có giá trị lớn về vật chất tương đương tiền công làm việc một năm của một người lao động thời bấy giờ. Nhưng ở đây Chúa Giê-xu không quan tâm đến giá trị vật chất mà điều Ngài quan tâm là tấm lòng và động cơ của Ma-ri. Chúa nhìn biết tấm lòng và động cơ thuần khiết của Ma-ri, đó là dâng của lễ với lòng biết ơn sâu xa. Chúa Giê-xu chịu xức dầu như là việc dọn đường cho cái chết sắp đến của Ngài “Người đổ dầu thơm trên mình ta là để sửa soạn chôn xác ta đó.” (câu 12) Nói cách khác, việc xức dầu được xem là hành động tôn thờ Chúa Giê-xu, Ngài chính là Đấng Mê-si, Đấng chịu xức dầu sắp chịu chết và bị chôn trong mồ mả vì tội lỗi của cả nhân loại chúng ta (Ê-sai 53: 4-9).
Chúa Giê-xu đã kết luận về việc làm tận hiến của Ma-ri trong câu 13 “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người.” Điều Chúa muốn nhấn mạnh trong việc làm của Ma-ri là cô đã làm một việc rất ý nghĩa và đúng lúc. Chúa Giê-xu không phủ nhận việc giúp đỡ người nghèo nhưng việc làm của Ma-ri lúc đó là đúng thời điểm vì làm trước lúc Chúa chịu chết. Ma-ri đã xức dầu cho Chúa Giê-xu khi Ngài còn sống, về sau Ni-cô-đem cũng đem đến “100 cân một dược hòa với lư hội” (Giăng 19:39) nhưng lúc đó chỉ tẩm xác cho Chúa mà thôi. Việc làm của Ni-cô-đem cũng có giá trị nhưng chắc là không giá trị bằng việc Ma-ri xức dầu cho Chúa lúc Ngài còn sống. Thật vậy, hai nghìn năm qua, nơi nào Phúc Âm được rao giảng, việc làm của người phụ nữ này cũng nhắc nhở chúng ta cần phải xét lòng mình trong sự tận hiến và phục vụ Chúa với tình yêu thương.
Bạn thân mến, câu chuyện hôm nay về “Việc làm đáng ghi nhớ” của Ma-ri là một bài học nhắc nhở chính tôi và bạn trong hai điều sau:
1/ Đừng bỏ qua những cơ hội để phục vụ Chúa hay những dịp tiện để làm việc tốt cho người khác. Khi bỏ qua cơ hội có thể khiến chúng ta tiếc nuối và muốn làm lại nhưng dù chúng ta có cố gắng thì những việc làm đó cũng không còn giá trị gì nữa. Vì thế trong những cơ hội phục vụ Chúa, dù việc làm cách âm thầm hay công khai thì trước mặt Chúa Ngài vẫn xem trọng động cơ sâu xa của những hành động mà chúng ta làm.
2/ Hãy dâng hiến cho Chúa những điều quý nhất của chúng ta. Cho nên, tôi và bạn cần xét xem điều quí nhất của chúng ta là gì? Tiền bạc, tài sản, sức khỏe, công việc, gia đình, con cái, danh dự… Chúng ta có sẵn sàng dâng cho Chúa những điều đó không? Sự dâng hiến của chúng ta sẽ thể hiện tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Khi xưa Áp-ra-ham đã dâng Y-sác lên cho Chúa mà không hề tính toán so đo. Ước ao câu hát “Mau dâng cho Chúa bao điều tốt nhất…” sẽ là lời hứa nguyện của chúng ta đối với Chúa trong ngày hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Cảm tạ ơn Ngài, vì yêu con mà Chúa đã chịu chết để chuộc tội lỗi của con. Xin cho con biết nhạy bén tận dụng những cơ hội và hết lòng phục vụ Chúa bằng tình yêu và lòng biết ơn sâu xa. Con cũng nguyện sẵn sàng dâng cho Chúa những điều tốt nhất của đời sống con cho Ngài. Nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét