Ma-thi-ơ | "Giờ Ta Gần Đến"

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:17-19

17 Trong ngày thứ nhứt ăn bánh không men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu?
18 Ngài đáp rằng: Hãy vào thành, đến nhà một người kia, mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi.
19 Môn đồ làm y như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy mà dọn lễ Vượt qua.
Lời ngỏ
Các bạn thân mến, khi chúng ta có một chương trình hay một sự kiện gì lớn, chẳng hạn như lễ cưới, lễ nhậm chức hay là một chương trình gì đặc biệt thì chúng ta phải chuẩn bị lên kế hoạch tuần bước để chương trình hay sự kiện ấy được thực hiện theo đúng kế hoạch và thời điểm đã định. Là con người hữu hạn mà chúng ta đã biết dự liệu và toan tính cho một chương trình như thế thì Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri, toàn năng thì mọi chương trình của Ngài đều được cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời hoạch định và cùng thực hiện cách vẹn toàn như thể nào. Chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời là một chương trình vĩ đại đã được nhắc đến từ những chương đầu của sách Sáng Thế Ký. Toàn bộ Kinh Thánh ghi lại sự tương tác của Đức Chúa Trời với con người để hoàn thành mục đích của Ngài cho nhân loại. Khi Chúa Giê-xu trên đất, Ngài đã chờ đợi từng thời kỳ, từng cơ hội, từng thời điểm để ứng nghiệm mọi lời tiên tri và kế hoạch của Đức Chúa Trời để thực hiện chương trình cứu rỗi vĩ đại này. Đến thời điểm này, Chúa biết “Giờ Ngài gần đến” và Chúa Giê-xu đang chuẩn bị mọi sự để tiến đến thời điểm quan trọng này.
Thời điểm này là những ngày chuẩn bị bước vào Lễ Vượt Qua. Trong ngày lễ này, lẽ ra Chúa và các môn đệ của Ngài phải ở trong thành Giê-ru-sa-lem, nhưng vì người quá đông, số người đến trong dịp lễ này là vào khoảng 2 triệu người nên thành phố không đủ sức chứa, vì thế những làng nhỏ lân cận được dùng làm chỗ trọ cho khách hành hương. Chúa Giê-xu đang ở tại làng Bê-tha-ni, cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng 3 cây số. Tuy nhiên, bữa tiệc ăn Lễ Vượt Qua phải được tổ chức trong thành Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh cho biết, đúng vàongày thứ nhứt ăn bánh không men, môn đồ đến gần Đức Chúa Jêsus mà thưa rằng: Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu?” (câu 17) Lễ Vượt Qua kéo dài một tuần lễ, buổi tối đầu tiên gọi là tiệc bánh không men. Chúng ta phải nhớ rằng đối với người Do Thái ngày bắt đầu từ lúc sáu giờ tối. Và ngày thứ nhất của lễ là đúng vào ngày thứ Năm. Để chuẩn bị cho sự kiện Lễ Vượt Qua này thì có nhiều việc phải làm. Chiều thứ năm, người ta sẽ mang con chiên đến đền thờ để giết đi làm của lễ chuộc tội, và lấy huyết của nó dâng lên cho Đức Chúa Trời, huyết này mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sống. Như thế các môn đồ phải đem chiên con đến để cho các thầy tế lễ dâng làm sinh tế, rồi còn phải mua bánh không men, rượu và rau đắng để dự lễ nữa. Theo tục lệ, nhà nào trong thành Giê-ru-sa-lem có phương tiện (tức có phòng trống) nếu vì nhu cầu của những người khách hành hương về dự lễ thì phải cho những người khách đó thuê hoặc mượn để cử hành lễ Vượt Qua. Thời điểm gần kề thế này thì ắt hẳn các phòng ăn lớn đã được người ta đặt trước với giá cao hết rồi. Vì thế, các môn đồ đến hỏi Chúa sẽ tổ chức ăn lễ này ở đâu.
Hẳn nhiên là Chúa Giê-xu đã lo liệu mọi sự nên Ngài bảo các môn đồ “Hãy vào thành, đến nhà một người kia mà nói rằng: Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi” (câu 18) Theo sự hướng dẫn của Chúa Giê-xu, rõ ràng là có một sự sắp đặt trước về nơi Chúa Giê-xu dự lễ Vượt Qua với các môn đồ. Hai sách Phúc Âm Mác và Lu-ca cùng ghi lại sự kiện này một cách chi tiết hơn về việc Chúa hướng dẫn các môn đồ đến “gặp một người xách vò nước” (thường phụ nữ mới là người xách vò nước) và theo người ấy vào nhà. Qua lời hướng dẫn của Chúa Giê-xu về việc chuẩn bị địa điểm kỷ niệm lễ Vượt Qua và những điều thật sự đã xảy ra cho thấy Chúa Giê-xu là Đấng Toàn Tri. Ngài biết mọi sự trước khi chúng xảy ra. Việc các môn đệ đi đến một thành để gặp gỡ đúng lúc, đúng người trong một nơi đông đúc và náo nhiệt như thế là một xác suất rất thấp.
Có một điểm đáng lưu ý là lời Chúa Giê-xu căn dặn các môn đồ hãy nói với người chủ nhà rằng: “Giờ ta gần đến” và Ngài cần dùng căn phòng của người đó. Ở các dịp khác Chúa thường hay nói “Giờ ta chưa đến” nhưng bây giờ thì “giờ Ta gần đến” rồi. Mọi việc Chúa Giê-xu thực hiện đều theo đúng thời điểm mà Cha đã định. Chúa Giê-xu ra đời để chịu chết, nhưng Ngài sẽ chết đúng lúc, đúng chỗ và đúng theo đường lối mà Đức Chúa Trời đã hoạch định. Đức Chúa Cha đã sai Con Ngài đến thế gian khi “kỳ hạn đã được trọn” (Ga-la-ti 4:4) rồi đến đúng thời điểm, tức vào khoảng năm 30 tuổi Chúa mới thi hành chức vụ. Trong 3 năm chức vụ, có những lúc người ta muốn tung hô Ngài làm vua, nhưng khi đó chưa phải là giờ của Ngài nên Chúa Giê-xu đều khước từ. Đến lúc này đã gần đến thời khắc quan trọng của chức vụ hy sinh và chịu chết nên Chúa phán với các môn đồ “Giờ ta gần đến” và “Ta sẽ giữ lễ Vượt Qua”. Đây không phải là một Lễ Vượt Qua bình thường mà là thời điểm mấu chốt trong chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất và trong lịch sử cứu chuộc nhân loại.
Dù các môn đồ có thể không hiểu hết giờ khắc quan trọng này nhưng câu 19 cho chúng ta biết các môn đồ liền ra đi và làm y như lời Chúa Jêsus đã dạy. Ở đó, họ dọn lễ Vượt Qua. Chúng ta không biết Chúa Giê-xu đã làm gì trong cả ngày hôm ấy. Có lẽ Ngài đã chiến đấu trong sự cầu nguyện cho đến giờ phút sau cùng mới ra huấn thị cho các môn đồ thực thi. Chúa Giê-xu không làm trước nhưng Ngài luôn chờ đợi làm theo ý chỉ của Cha Thiên Thượng.
Bạn thân mến, khi chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu là Đấng toàn tri, toàn năng, Ngài vượt qua không gian và thời gian để tể trị đời sống của chúng ta, Ngài đã cai quản từng chi tiết một trong đời sống chúng ta nên chúng ta có thể tự tin mà nói như Sa-lô-môn rằng “mọi việc đều có thời điểm, mọi sự dưới bầu trời đều có định kỳ của nó” (Truyền đạo 3:1). Vì vậy, hãy tin cậy vào thời điểm tuyệt hảo của Đức Chúa Trời. Thời điểm của Đức Chúa Trời là tốt nhất. Điều quan trọng là chúng ta cần nhạy bén với ý chỉ của Chúa thì mới biết thời điểm của Ngài. Đến thời điểm của Chúa thì Ngài có thể mở mọi cánh cửa mà không ai có thể mở được. Chúng ta đừng cố gắng mở cánh cửa theo cách của chúng ta. Hãy tin cậy Chúa trong mọi sự, và chờ đợi Ngài, vì biết rằng cho dù bất kỳ sự gì xảy đến, vào bất cứ thời gian nào, thì mọi sự đó đều là có ích cho những người yêu mến Đức Chúa Trời và được gọi theo ý định của Ngài (Rô-ma 8:28).
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
Chúng con biết rằng thời và kỳ ở trong tay Chúa. Xin cho con luôn có lòng tìm kiếm và trong đợi ý muốn vào chương trình của Ngài vì con biết rằng khi làm theo ý Cha thì chúng con luôn được cung ứng một cách đầy đủ và diệu kỳ. Xin giúp con luôn thấy ý nghĩa của mọi điều mà Chúa đã chuẩn bị cho con và giúp con đầu phục Ngài. Trong Danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
Grace Ngo

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa