Ma-thi-ơ | Sự Sỉ Nhục Nơi Tòa Án
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 26:63b-68
63b Thầy cả thượng phẩm lại nói với Ngài rằng: Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?
64 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống
65 Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm thượng; chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao? Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao?
66 Chúng trả lời rằng: Nó đáng chết!
67 Họ bèn nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, lại có kẻ vả Ngài,
68 mà nói rằng: Hỡi Đấng Christ, hãy nói tiên tri đi; cho chúng ta biết ai đánh ngươi.
Lời ngỏ
Trong hệ thống pháp luật của Âu châu và các nước phát triển thì họ thường sử dụng luật pháp như là công cụ pháp lý để xét xử công bằng xã hội. Trong hệ thống pháp lý này người ta thường lấy hình ảnh “nữ thần công lý” có biểu tượng một tay cầm cán cân để phân định đúng sai phải trái, một tay cầm thanh gươm biểu trưng cho uy quyền của tòa án. Hình ảnh “nữ thần công lý” này có gốc tích lịch sử từ thời đế quốc Rô-ma.
Khi tòa án các nước này bắt đầu tiến hành một vụ án nào thì người ta bắt buộc từ vị thẩm phán đến luật sư và hiển nhiên là các nghi phạm cũng như người làm chứng phải nhân danh công lý để nói lên sự thật, và phải xét xử cách công minh vì công lý. Nếu tòa án của nước nào không nhân danh công lý để xử án thì chứng tỏ tòa án ấy xử không công minh, và thường vướng phải nan đề pháp lý là phán xét theo chỉ đạo của ai đó với “bản án bỏ túi”, tức là bản án được viết sẵn trước khi chủ tọa phiên tòa tuyên án.
Trong phân đoạn Kinh thánh này, với vai trò là thẩm phán cho vụ án của Chúa Giê-xu, thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe đã thấy âm mưu của mình và những người theo mình thất bại trong việc âm thầm sắp đặt trước. Ông ta đã kêu gọi các thành viên hội đồng tòa Công luận tập trung trước vào ban đêm tại nhà riêng của thầy tế lễ để xử án là trái luật công bình. Cả việc ông cho những viên an ninh ngầm theo dõi Chúa và bắt bẻ Chúa trong thời gian qua trở thành những nhân chứng cho tòa án là vi phạm luật công bình, và đó là những nhân chứng giả dối, đó là những bằng chứng của sự vu cáo trắng trợn.
Đứng trước sự thất bại hoàn toàn của hội đồng xử án, thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe lộ nguyên hình của kẻ lãnh đạo tham quyền và cầm đầu những kẻ giả hình mang màu sắc chính trị lẫn tôn giáo. Ông ta đưa chiêu tấn công Chúa Giê-xu bằng cách bắt buộc Ngài nhân danh Đức Chúa Trời hằng sống mà thề về lời tuyên xưng “Ngài là ai”. Với câu hỏi “Ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?” thật ra đó là lời tuyên xưng của Phi-e-rơ cũng như các môn đồ đã xưng nhận Ngài. Rất có thể Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ bán đứng Chúa đã thổ lộ điều mà các môn đồ của Ngài tuyên xưng cho các thầy tế lễ. Và ông ta đã dùng lời đó để bắt Chúa Giê-xu thề nhân danh Đức Chúa Trời hằng sống.
Đức Chúa Giê-xu đã phá vỡ sự yên lặng từ lúc ban đầu đầu cho đến giờ bằng lời khẳng định “thật như lời”. Vì danh chân thật của Đức Chúa Trời thì Ngài thừa nhận chân lý về lời xưng nhận này. Tiếp theo lời tuyên bố ấy, Chúa Giê-xu phán “Về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống”. Tại đây Chúa Giê-xu muốn đề cập đến hình ảnh đã được tiên tri Đa-ni-ên đề cập trong Đa-ni-ên 7:13 và Thi thiên 110:1. Và Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời sai xuống từ trời, từ Cha chứ không chỉ là con người bình thường. Ngài chứng minh bản chất thật về thẩm quyền của Con người qua việc Ngài ngự bên hữu Cha nơi Thiên đàng. Ai tin và hiểu điều Ngài nói thì đó là hiểu chân lý cứu rỗi và bước vào Nước Đức Chúa Trời bởi đức tin.
Khi thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe bắt buộc Chúa Giê-xu nhân danh Đức Chúa Trời hằng sống tuyên xưng chân lý, và sự xác nhận chính Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống. Đây là sự thật theo đúng lời Kinh thánh được ứng nghiệm, thì đáng lẽ ông phải hạ mình trước Chúa Giê-xu vì đó là điều mà cả dân tộc Do thái đã trông đợi về Đấng Mê-si trải biết bao nhiêu năm tháng. Trong cương vị là một lãnh đạo đứng đầu Do Thái giáo, nếu ông hạ mình xuống để xưng nhận Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống giống như các môn đồ của Chúa Giê-xu thì trang sử chắc đã viết khác đi.
Nhưng điều đáng tiếc là thầy tế lễ cả này xé quần áo mình không phải để hạ mình, ăn năn về sự sai lầm nghiêm trọng của mình; mà trái lại ông ta đã tuyên bố với “bản án bỏ túi” theo đúng mưu đồ của ông ta: “Nó đã nói phạm thượng, chúng ta có cần gì người làm chứng nữa sao?” Đúng là một vị thẩm phán vô trách nhiệm, vô luật lệ, và đầy mưu mẹo. Cái mưu mẹo như cái bẫy gài là bắt nghi phạm thề nói đúng công lý, khi nghi phạm nói đúng công lý thì ông lại trở cờ lấy công lý là chứng cớ cho việc công bố tội trạng không cần xét xử. Lúc này, nguyên hình của kẻ giả hình trong bộ áo thầy tế lễ bị chính hắn xé rách để lộ hắn là kẻ chủ mưu cho việc tử hình Chúa Giê-xu hoàn toàn bất công, bất nghĩa, chà đạp mọi lẽ công bình của luật pháp Chúa, và thậm chí là coi thường chính danh của Đức Chúa Trời hằng sống.
Vậy mà có vô số kẻ gian ác vì địa vị, vì cái ghế đã mua được đã chà đạp lên công lý và hùa theo cái ác mà ”nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài, vả Ngài” sỉ nhục Ngài, rồi giết Đấng Cứu Thế đã nhân danh Đức Chúa Trời hằng sống mà đến. Mặc dù Chúa Giê-xu đã công bố về sự tái lâm vinh hiển của Ngài trong tương lai mà họ bị mù lòa thuộc linh nên không còn biết đâu là sự thật.
Việc mượn chiếc áo tôn giáo, mượn danh Chúa để làm chơi không chỉ ở tính cách cá nhân do vô tình của một số giáo dân, nhưng cũng có thể đó là của những nhà lãnh đạo tôn giáo, những nhà chính trị đã cố ý mưu mô lợi dụng tôn giáo, lợi dụng danh Chúa để trục lợi, trục quyền, trục danh, trục tiếng gây tác hại trên cộng đồng và cả dân tộc. Có những lúc những kẻ ấy dường như thành công, nhận được điều họ mưu định, thế nhưng, lịch sử sau đó chứng minh điều họ làm chỉ là giả dối, giả nhân, giả nghĩa, giả hình mà thôi.
Những kẻ lợi dụng danh Chúa, không tôn kính danh Chúa, sỉ nhục và phỉ báng Chúa tức là đi ngược lại chương trình và kế hoạch của Chúa thì sẽ sớm lộ diện và bị loại trừ. Dù thế nào đi nữa thì Đức Chúa Trời vẫn luôn tể trị để bày tỏ sự công bình, thánh khiết, và sự yêu thương cho toàn thế giới và nhân loại.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Ngài chính là Đấng Cứu rỗi của cuộc đời chúng con và Đấng chăm sóc tốt lành để chúng con đi theo đường lối Ngài. Xin tha thứ cho chúng con, những con người đã vô tình sống không đúng theo ý Chúa, lấy danh Chúa ra nhưng lại chưa tôn trọng Ngài như đáng phải có.
Nguyện xin Chúa thương xót sự khốn cùng của chúng con mà bênh vực chúng con. Cầu Chúa giúp chúng con sống đẹp lòng Ngài, theo ý muốn tốt lành của Chúa. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu. Amen.
Thiên Gia Vĩnh
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét