Ma-thi-ơ | Tỉnh Thức & Sẵn Sàng
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:42-51
42 Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến.
43 Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình.
44 Vậy thì các ngươi cũng hãy chực cho sẵn, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.
45 Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mà người chủ đặt cai trị đầy tớ mình, đặng cho đồ ăn đúng giờ?
46 Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy!
47 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả gia tài mình.
48 Nếu, trái lại, là một đầy tớ xấu, nó nghĩ thầm rằng: Chủ ta đến chậm,
49 bèn đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu,
50 thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ và giờ nó không biết.
51 Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.
Lời ngỏ
Có lẽ khi còn bé ai cũng đã từng chơi trò chơi “trốn tìm”. Trò chơi này là một sự cam kết giữa hai bên, bên tìm và bên trốn. Bên tìm thông thường chỉ có một người, bên trốn thì sẽ có nhiều người. Người tìm sẽ đứng một chỗ, nhắm mắt, và bắt đầu đếm ngược từ 10 đến 0, trong thời gian đó những người trốn sẽ tìm nơi để trốn. Cho đến khi người tìm đếm đến số 0 thì bắt đầu ra dấu hiệu «đã sẵn sàng chưa, tớ tìm nhé»
Ma-thi-ơ 24 tiên báo về những dấu hiệu trước khi Chúa tái lâm, là cách đếm ngược từ 10 xuống 0 của Chúa Giê-xu trước khi Ngài trở lại thế giới này. Trong câu 42, Ngài phán: “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến” như là lời Chúa Giê-xu đang nói với chúng ta rằng: “Sẵn sàng chưa, ta đến đây!” Phần Kinh Thánh hôm nay là những câu cuối cùng trong loạt bài học về những dấu hiệu của ngày tận thế. Có thể nói đây là một lời kết cho mọi điều đã nói trước đó. Nếu ngày và giờ tái lâm của Chúa Cứu Thế không ai biết được ngoài Đức Chúa Trời thì mỗi chúng ta phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho ngày và giờ đó.
Có hai thái độ và trách nhiệm Chúa nhắc nhở chúng ta trong khi chờ đợi ngày tận thế hầu không bị bỏ lại là cần phải tỉnh thức và sẵn sàng. Từ «tỉnh thức» trong tiếng Hy Lạp là tỉnh táo và luôn cảnh giác. Đó là thể hiện tình trạng luôn luôn chờ đợi sự trở lại của Chúa và tỉnh táo trước những cám dỗ và với những khoái lạc của trần gian. Người không tỉnh thức là người đang để những sự lừa dối của lẽ đạo sai lạc, những sự mê hoặc của vật chất, danh vọng đời này hay những thú vui của trần gian ru ngủ rồi chìm đắm trong đó. Sứ đồ Phao Lô cũng đã có lời khuyên trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:6 “Vậy chúng ta không nên ngủ mê như những người khác nhưng hãy cảnh giác và tỉnh thức.”
Còn «sẵn sàng» là chuẩn bị hay sửa soạn đời sống. Đây là bổn phận và trách nhiệm của môn đồ của Chúa. Người ấy luôn trong tư thế của một người người lính đang chiến đấu chứ không phải của một người đang nghỉ ngơi. Chúa Giê-xu dùng hai ví dụ để minh họa về tư thế tỉnh thức và sẵn sàng:
1. Như việc cảnh giác đối với tên trộm (câu 43-44) “Hãy biết rõ, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình”. Kẻ trộm sẽ không bao giờ thông báo trước cho chủ nhà biết giờ nào nó sẽ đột nhập vào nhà. Vũ khí chính của anh ta là sự bất ngờ, vì vậy nhà nào có của cải thì phải luôn cảnh giác, canh chừng. Cũng vậy, chúng ta sẽ không biết thời điểm chính xác khi nào Chúa đến nhưng chúng ta có thể biết được thời kỳ này dựa trên những dấu hiệu Chúa đã cho. Vậy thì, chúng ta cũng phải “sẵn sàng” để đón sự tái lâm của Chúa giống như thế. Con cái Chúa phải sửa soạn và phải tỉnh thức cho một “giờ” nào đó sẽ đến “vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” Khi Chúa ví Ngài với tên trộm không có nghĩa là Chúa ví sánh về phẩm tính của Ngài nhưng muốn nói đến yếu tố bất ngờ của việc Chúa trở lại. Tuy nhiên, có một đặc điểm trong ví dụ này cho thấy Chúa Giê-xu giống với một kẻ trộm là khi Chúa đến, Ngài sẽ lấy đi và cất hết những gì mà người vô tín xem là quý giá. Tất cả tiền bạc, của cải, quyền thế của họ sẽ bị quét sạch hết và họ sẽ đối diện trước Ngài với sự trần trụi của mình trong ngày phán xét.
2. Như một đầy tớ khôn ngoan và trung tín (câu 45-51)
Trong ví dụ này Chúa Giê-xu ví mỗi Cơ Đốc nhân như là một người đầy tớ trong nhà chủ mình. Người chủ đi xa giao nhà cho đầy tớ trông coi. Công việc chính của người đầy tớ như là một viên quản gia và phải lo thức ăn cho các thành viên ở trong nhà. Người «đầy tớ khôn ngoan» là dù chủ vắng nhà nhưng vẫn làm việc cách trung tín, đó là biết cho người nhà của chủ ăn đúng giờ. Còn người “đầy tớ xấu” cho rằng mình có dư thời giờ để sắp đặt mọi việc trước khi chủ về nên “đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu” các đầy tớ không biết chính xác ngày chủ trở về, chúng ta cũng vậy, chúng ta không biết khi nào Chúa Giê-xu sẽ trở lại. Vì vậy, điều nguy hiểm nhất cho Cơ Đốc nhân là ảo tưởng cho rằng mình còn có nhiều thì giờ để quay trở lại với Chúa, cho nên cứ thoải mái sống theo ý riêng và sa đọa trong lối sống trụy lạc mà không chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại. Chúa Giê-xu có thể trở lại vào giữa ban ngày hoặc Ngài có thể trở lại lúc hoàng hôn hay Ngài cũng có thể trở lại giữa đêm khuya.
Qua ví dụ về người đầy tớ này, Chúa Giê-xu dạy chúng ta là khi có những việc cần làm thì đừng trì hoãn, việc gì có thể làm được thì phải làm ngay, vì không ai biết ngày mai có còn cơ hội nữa hay không. Vì vậy, hãy dùng thì giờ chờ đợi ngày Chúa trở lại mà chăm sóc cho đời sống thuộc linh của mình, phục vụ Chúa và làm chứng về Chúa cho người khác để họ cũng sớm biết Chúa.
Người đầy tớ hoàn thành bổn phận của mình một cách trung tín được ban cho một địa vị lớn hơn, còn người đầy tớ không làm trọn bổn phận sẽ bị hình phạt. Hình phạt là “Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng”. Khóc lóc và nghiến răng là nói đến tình trạng chết mất đời đời trong hỏa ngục. Sự phán xét hầu đến của Đức Chúa Trời cũng chắc như việc Chúa Giê-xu sẽ trở lại thế gian này vậy.
Bạn thân mến, khi chúng ta đã biết Chúa Giê-xu sẽ tái lâm với tính cách thình lình và bất ngờ thì chúng ta luôn luôn phải tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta không nên sống vô trách nhiệm, chỉ ngồi đợi mà chẳng làm gì cả vì cho rằng Chúa còn lâu mới đến nên không hết lòng cho công việc nhà Chúa và làm chứng về Ngài. Vì thế, việc gì cần phải làm và có thể làm hôm nay mà để lại ngày mai là bị rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.
Bài học hôm nay là sự cảnh cáo cuối cùng liên quan đến ngày Chúa tái lâm. Nếu bạn nghe lời Chúa hôm nay mà chưa tin Ngài thì hãy sớm mời Chúa ngự trị vào lòng của mình. Nhiều người phải đi địa ngục đời đời vì trì hoãn chưa chịu tin Chúa. Nhiều người tin Chúa rồi nhưng cũng sẽ cùng chung số phận với người chẳng tin, vì trì hoãn ăn năn tội lỗi, làm hòa lại với Ngài.
Câu hỏi cần đặt ra cho chính tôi và bạn là: Có điều gì bạn được nhắc nhở mà chưa làm không? Nếu hôm nay Chúa tái lâm thì bạn có tiếc nuối gì không hay bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa?
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cứu con khỏi lối sống thờ ơ với Lời cảnh báo của Ngài và giúp con biết tận dụng thì giờ, biết nắm lấy mọi cơ hội Chúa cho để làm công việc Chúa, dù việc lớn hay nhỏ thì xin giúp con làm hết lòng và làm ngay. Nguyện xin Chúa dùng đời sống con làm vinh hiển danh Ngài và luôn sẵn sàng trong tinh thần trông đợi sự trở lại của Chúa Giê-xu. Trong Danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.
Grace Ngo
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét