Ê-sai | Chúa Đánh Để Chúa Chữa Lành

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Kính chào quý anh chị em thân mến!

Một thần học gia khi nghiên cứu các sứ điệp tiên tri trong Kinh Thánh đã nhận định rằng: “Luôn luôn tồn tại một ngân quỹ của lòng thương xót trong trái tim và trong sự cấu tạo của thiên nhiên – đó chính là lòng thương xót nơi Đức Giê-hô-va. Bởi vì Đức Chúa Trời không trừng phạt người mà Ngài có thể trừng phạt, nhưng Ngài khiến cho họ hạ mình; và khi sự hạ mình được sản sinh, thì sự hình phạt dành cho họ sẽ không còn tiếp diễn nữa. Thật vậy, sự nhân từ quá lớn của Đức Chúa Trời sẽ chinh phục những linh hồn phủ phục về cho Ngài.”[2]

Kính thưa quý vị, đây chính là sự kết hợp giữa sự phán xét và lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Và đây cũng là ân sủng mà Chúa dành cho Ai Cập được rao ra trong Ê-sai 19:16-25. Xin kính mời quý vị cùng lắng nghe về điều này qua bài tỉnh nguyện CHÚA ĐÁNH ĐỂ CHÚA CHỮA LÀNH.

16 Trong ngày đó, người Ai Cập sẽ giống như đàn bà run rẩy sợ hãi khi thấy tay Đức Giê-hô-va vạn quân vung lên, giơ ra chống lại chúng.
17 Bấy giờ, đất Giu-đa sẽ trở thành nỗi kinh hoàng cho Ai Cập. Mỗi khi người ta nhắc đến Giu-đa trước mặt ai thì người ấy khiếp sợ, vì chương trình của Đức Giê-hô-va vạn quân dự định trừng phạt Ai Cập.
18 Trong ngày đó, tại đất Ai Cập sẽ có năm thành nói tiếng Ca-na-an và nhân danh Đức Giê-hô-va vạn quân mà thề. Một trong các thành ấy được gọi là Thành Hủy Diệt.
19 Trong ngày đó, sẽ có một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va ngay giữa đất Ai Cập, và có một cột trụ cho Đức Giê-hô-va gần biên giới.
20 Đó là dấu hiệu và bằng chứng cho Đức Giê-hô-va vạn quân tại đất Ai Cập. Khi họ kêu cầu Đức Giê-hô-va vì bị áp bức thì Ngài sẽ sai một vị cứu tinh đến bảo vệ và giải cứu họ.
21 Đức Giê-hô-va sẽ làm cho Ai Cập biết Ngài; và trong ngày đó, người Ai Cập sẽ nhận biết Đức Giê-hô-va. Họ sẽ dâng sinh tế và tế lễ mà thờ phượng Ngài; họ sẽ khấn nguyện cùng Đức Giê-hô-va và hoàn nguyện.
22 Đức Giê-hô-va sẽ đánh Ai Cập; Ngài đánh rồi lại chữa lành. Họ sẽ trở về cùng Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nghe lời họ khẩn cầu và chữa lành cho họ.
23 Trong ngày đó, sẽ có con đường cái đi từ Ai Cập đến A-si-ri; người A-si-ri sẽ đến Ai Cập, và người Ai Cập sẽ đến A-si-ri. Người Ai Cập và người A-si-ri sẽ cùng nhau thờ phượng Đức Giê-hô-va.
24 Trong ngày đó, Y-sơ-ra-ên sẽ cùng với Ai Cập và A-si-ri thành bộ ba để làm nguồn phước giữa thế gian,
25 vì Đức Giê-hô-va vạn quân đã ban phước cho họ. Ngài phán: “Phước cho Ai Cập là dân Ta, A-si-ri là công trình của tay Ta, Y-sơ-ra-ên là cơ nghiệp của Ta!”
[Ê-sai 19:16-25, BTTHĐ]

Giải thích

Cụm từ “trong ngày đó” được lặp lại 6 lần trong phân đoạn này để chỉ về những ngày sau rốt khi Chúa Jesus Christ thiết lập vương quốc Mê-si-a của Ngài trên đất. Một viễn cảnh về sự biến cải thật sự của Ai Cập được mở ra. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trước khi viễn cảnh tốt đẹp này xảy ra thì Chúa đã vung lên ngọn roi sửa trị của Ngài trên Ai Cập. Và nhờ vào sự sửa trị đó mà Ai-cập đã đầu phục Chúa, tin cậy Chúa thay vì những thần tượng của họ, và cầu nguyện với Ngài trong những lúc cần. Những thay đổi thuộc linh này sẽ đem đến một thay đổi lớn về chính trị. Đó là Y-sơ-ra-ên, Ai Cập và A-si-ri sẽ hợp tác với nhau và hưởng phước hạnh của Chúa. Họ sẽ không chỉ nhận phước hạnh của Chúa cho riêng mình mà còn cho những dân tộc khác (câu 23-25). Đó sẽ là một ngày kỳ diệu khi có hòa bình tại Trung Đông vì các nước đã quỳ xuống trước Vua của muôn vua!

Quý vị thân mến! Lời Chúa ở đây bày tỏ rằng viễn cảnh tốt đẹp của Ai Cập sẽ xảy ra không thể không có những đau khổ mà do chính Chúa đem đến trước đó. Ngọn lửa thịnh nộ của Ngài đã tàn phá, nhưng sẽ đem lại sự thanh tẩy. Chúa đánh để Chúa lại chữa lành. Không bao giờ có sự hoán cải khỏi điều ác mà không có sự đau khổ dự phần. Nhưng đau khổ mà Chúa cho phép xảy ra là những điều đem lại ích lợi, được tạo ra bởi tình yêu.

Trong Kinh Thánh, Chúa đã bày tỏ nhiều lần phương cách phục hồi của Ngài đối với tội nhân. Đó là: “Ngài khiến cho bị thương, và chữa cho mạnh lành; Ngài đã xé tan chúng ta, nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh chúng ta, nhưng Ngài sẽ băng bó chỗ đau. Vì Ngài làm cho bị thương, rồi chính Ngài băng bó lại; Ngài đánh cho bầm đau, rồi Ngài ra tay chữa trị cho lành.” (Phục truyền Luật lệ ký 32:39; Ô-sê 6:1; Gióp 5:18).

Do đó, khi đứng trước ngọn roi sửa trị của Chúa, xin Chúa giúp chúng ta nhận diện ra và đáp ứng bằng một tấm lòng hạ mình, ăn năn thật sự. Bởi vì tấm lòng hạ mình, ăn năn luôn là điều mà Chúa đòi hỏi để Ngài không trừng phạt chúng ta và đem chúng ta đến chỗ nhận lãnh phước hạnh.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, đường lối của Chúa là tốt lành và đúng đắn. Ngay cả khi Chúa cho phép những tai họa xảy đến trong đời sống chúng con là để dẫn chúng con đi trên con đường tốt lành hơn. Xin Chúa tha thứ những tội lỗi của cá nhân con và của dân tộc con. Xin Ngài phục hồi chúng con sau những lần Ngài đã sửa trị chúng con. Con cầu nguyện trong Danh Chúa Jesus Christ. Amen.

Đăng Trúc

[2] Mingled Judgment and Mercy (biblehub.com)

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa