Sáng Thế Ký | Sự Nổi Loạn Rồ Dại

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Thân chào quý anh chị em yêu dấu trong tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà từng ngày vẫn phải đang đối mặt với chiến tranh, dịch lệ, thiên tai và đầy rẫy những bất an, lo lắng. Con người càng tiến bộ và phát triển chừng nào, thì cái tôi trong mình cũng càng lớn dường ấy. Con người làm đủ mọi cách để chính mình được công nhận và được tôn vinh, thậm chí là nổi loạn chỉ để thỏa mãn cho tham vọng của con người bên trong mình. Sáng Thế Ký 11:1-9 cũng kể về câu chuyện của một cộng đồng, họ họp nhau lại xây nên những công trình với quy mô lớn chỉ để chống lại sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng trong cái nhìn của Chúa, đó chỉ là SỰ NỔI LOẠN đầy RỒ DẠI mà thôi.

1 Vả, cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng.
2 Nhưng khi ở Đông phương dời đi, người ta gặp một đồng bằng trong xứ Si-nê-a, rồi ở tại đó.
3 Người nầy nói với người kia rằng: Hè! chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa. – Lúc đó, gạch thế cho đá, còn chai thế cho hồ.
4 Lại nói rằng: Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất.
5 Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên.
6 Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được.
7 Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia.
8 Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành.
9 Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.

Giải thích

Chúng ta đã được thu hút vào những câu chuyện của các chương trước trong Sáng Thế Ký, và đã nhận thấy chính mình đâu đó trong A-đam, Ca-in hay Nô-ê. Giờ đây câu chuyện không hướng về một cá nhân riêng lẻ mà bắt đầu nói đến mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời với một cộng đồng. Sáng Thế Ký 11:1-9 là câu chuyện cuối cùng của lịch sử thời kỳ sơ khai trước khi Áp-ra-ham xuất hiện và cho thấy những điều rối loạn ngày càng lan tràn trong thế giới mà Đức Chúa Trời dựng nên.

Câu chuyện này đưa chúng ta đến gặp một nhóm người di cư đến từ phương Đông. Họ định cư trong vùng đất Si-nê-a (Ba-by-lôn), sở hữu nền văn minh tiến bộ với sự phát triển về kỹ thuật, kiến trúc vượt bậc nhất thời bấy giờ. Ở đây chúng ta thấy có những dấu hiệu chỉ về quyền lực chính trị và những thành quả kỹ thuật nhất định. Chính những điều đó đang nắm quyền sở hữu, họ bắt đầu có những e ngại, lo sợ sẽ có sự không an toàn xảy đến khi ở cùng nhau, vì ai ai cũng nỗ lực để mình được danh tiếng “ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất” (câu 11:4b). Và tất cả tham vọng của họ tập trung vào cái tháp này. “Nào chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp chót cao đến tận trời” (câu 4a).

Vốn dĩ “trời” là của Đức Chúa Trời chứ không phải của loài người. Nhưng ở đây, một lần nữa, như tại vườn Ê-đen, những giới hạn của Đức Chúa Trời đặt ra đang bị vi phạm. Loài người đang cố đoạt cho được những gì vốn không thuộc về mình và khẳng định rằng họ sẽ không phải bị ràng buộc trong những giới hạn mà Đức Chúa Trời đặt ra. Sự chống đối của cộng đồng người này cho thấy sự phân rẽ cần thiết giữa trời và đất. Tội lỗi chính là chúng ta không công nhận Đức Chúa Trời là Thượng Đế mà lại cố gắng, bằng tất cả nỗ lực của mình, cũng như hợp sức với nhiều người để chiếm lấy vị trí của Đức Chúa Trời.

Thật dễ bị mắc phải cám dỗ chiếm đoạt tính thiêng liêng. Nguồn gốc của tội lỗi không gì khác chính là sự nổi loạn, nổi loạn chống lại quyền chủ tể của Đức Chúa Trời. Con người khẳng định quyền tự trị của mình mà không cần đến Đức Chúa Trời.

Ngôi tháp với ham muốn chót cao đến tận trời chỉ về sự an toàn không gì xâm hại được, nhưng cũng là biểu tượng và hình ảnh chỉ hành động xâm phạm những giới hạn mà Đức Chúa Trời đã đặt ra cho cuộc sống và cho hành vi của loài người.

Với sự phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật thời bấy giờ, con người tự hào với những thành quả mình làm ra, họ đắm chìm trong lối suy nghĩ về bản thân. Cũng chính từ đó họ bắt đầu tách Chúa ra khỏi trung tâm của mọi sự. Không chỉ là các cá nhân, cộng đồng đang ngụ tại Si-nê-a cũng đang loại bỏ Chúa ra khỏi vị trí trung tâm. Bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời bị loại trừ, một điều tạm bợ nào đó phải được tạo ra để con người cố gắng liên kết với nhau. Tòa tháp này chính là sự tạm bợ con người nỗ lực để có thể tạo ra một cộng đồng có gắn kết. Nhưng đáng buồn thay, khi Đức Chúa Trời không còn là trung tâm của cuộc sống cộng đồng, thì mầm sống của sự phân tán, đổ vỡ, mối liên hệ gián đoạn xuất hiện.

Câu 5 nói đến sự ghé thăm của Chúa trên công trình mà con người cho là vĩ đại. Hẳn là trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, con người thật nực cười và đáng thương, vì họ không biết “điều vĩ đại thật sự” là gì. Bức tranh mô tả về một sự “tiêu khiển” nào đó giữa Đức Chúa Trời và những đạo binh của nước trời rằng “nào chúng ta hãy xuống” (câu 7). Và để đoán phạt, ngăn chặn những lòng tham không đáy đó Đức Chúa Trời truyền lệnh cho loài người phải bị phân tán và lộn xộn.

Một xã hội đã phá vỡ trật tự mà Đức Chúa Trời lập nên, loại bỏ Chúa khỏi vị trí trung tâm, nỗ lực để tự mình đến được trời, giờ đây kết quả còn lại chỉ là tan rã và thất bại. Đó thật là một sự nổi loạn rồ dại đến đáng thương.

Cầu nguyện

Lạy Chúa! Chúa của con ơi, có những lúc con cũng nổi loạn như những người trong câu chuyện này, con đã để Chúa đứng ngoài cuộc đời con vì con nghĩ chỉ có con mới hiểu mình nhất. Con cảm ơn Chúa vì hôm nay Lời Ngài đã bày tỏ sự rồ dại của con. Xin Chúa tha thứ cho con. Xin Chúa là trung tâm của cuộc đời con và giúp con vâng phục Chúa. Con thành kính cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen.

Thiên Mỹ Ngôn

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa