Giăng | Cứ Ở Trong Ta
Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần
Thứ Hai | Thứ Ba | Thứ Tư | Thứ Năm | Thứ Sáu | Thứ Bảy |
Sáng Thế Ký | Truyền Đạo | Ê-sai | Giăng | Rô-ma | I Cô-rinh-tô |
Lời ngỏ
Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay cảm thấy mặc cảm vì thấy mình không giúp ích gì cho công việc Chúa dù đi nhóm họp thờ phượng trong Hội Thánh nhiều năm, nên giảm dần sự trung tín với Chúa. Một số lớn khác thì nghĩ rằng vì không dẫn đưa được người khác về với Chúa thì chắc mình bị Chúa chặt bỏ như nhánh nho không ra trái nên lo sợ, bất an.
Vậy thì làm sao để trở thành một Cơ Đốc nhân kết quả cho Chúa? Và kết quả ấy là gì? Trong Giăng 15:1-7 Chúa Giê-xu đã trả lời thỏa đáng hai câu hỏi này cho các môn đồ ngày xưa cũng như cho chúng ngày nay. Câu trả lời của Chúa Giê-xu rất đơn giản và ngắn gọn, đó là CỨ Ở TRONG TA. Xin mời cùng nghe và suy ngẫm về điều này trong giờ tĩnh nguyện hôm nay.
1 Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho.
2 Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.
3 Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho.
4 Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.
5 Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.
6 Nếu ai chẳng cứ trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy.
7 Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.
Giải thích
Theo từ điển tiếng Việt thì từ “cứ” có hai ý nghĩa. Thứ nhất là “tiếp tục, giữ vững, duy trì” tình trạng cũ liên tục; chẳng hạn như những cụm từ cứ ăn, cứ đi, cứ ở, cứ học… Nghĩa thứ hai mang tính chất như là “chứng cớ, nền tảng, cơ sở vững chắc” chẳng hạn như “cứ theo đó mà làm, cứ theo đó mà học”. Vậy, cụm từ “cứ ở trong Ta” được hiểu như việc “tiếp tục duy trì, giữ vững mình trong Chúa”, và cũng có nghĩa là “hãy đặt việc Chúa ở cùng làm điều căn bản”. Lời Chúa Giê-xu đã kêu gọi “hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi” (câu 4) cụm từ này trước hết Chúa muốn kêu gọi chúng ta cần ở trong sự hiệp nhất với thân thể Đấng Christ. Thoạt tiên khi đọc lướt qua chúng ta sẽ nghĩ rằng bản thân người nào chủ động ở trong Chúa trước thì Chúa sẽ ở trong người đó. Tuy nhiên bản gốc Hy Lạp ghi là “hãy cứ ở trong Ta như chính Ta ở trong các ngươi”. Câu này cho thấy một sự hiệp nhất giữa chúng ta với Đấng Christ mà Chúa là ưu tiên và chủ động. Thật vậy, Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá, đổ huyết ra vì chúng ta là điều minh chứng Ngài chủ động hiệp một với con người trước. Còn con người thì đáp nhận sự mời gọi của Ngài. Qua lễ Báp-têm bằng nước chúng ta xác tín niềm tin mình đồng chết với Chúa Giê-xu về tội lỗi, và đồng sống với Ngài trong con người mới. Qua Báp-têm bằng Thánh Linh là điều khiến chúng ta kinh nghiệm sâu sắc hơn sự hiệp một mầu nhiệm này. Còn qua Lễ Tiệc Thánh chúng ta thường xuyên nhắc nhớ về sự thương khó Ngài chịu vì chúng ta, và rao giảng Phúc Âm cứu rỗi cho người khác.
Thứ hai, “cứ ở trong Ta” mang ý nghĩa đem lại kết quả mỹ mãn (câu 5). Trước tiên, điều này bày tỏ rõ ràng rằng kết quả của mỗi Cơ Đốc nhân đạt được không phải tự mình nỗ lực, cố gắng mà có nhưng bởi vì liên kết chặt chẽ với thân thể Đấng Christ, như nhánh cây gắn với gốc cây có sức sống. Kết quả này không chỉ là điều nhìn thấy được bên ngoài mà còn có những sự biến đổi bên trong, là những đặc tính của trái Thánh Linh nảy nở trong đời sống mới được gắn kết với Chúa. Sự biến đổi này được ví như một cành nho hoang được tháp vào cây nho thật, về mặt thuộc linh là sự chuyển đổi từ địa vị tội nhân thành thánh nhân, từ nô lệ cho ma quỷ sang làm con cái của Đức Chúa Trời. Được hưởng sự cứu rỗi, sự sống vĩnh cửu, ân phước trong cơ nghiệp trên trời. Từ kết quả bên trong này sẽ nảy sinh ra bên ngoài, đó là sự thay đổi tích cực trong cách sống, cách suy nghĩ, nói năng, hành xử hàng ngày. Và qua sự biến đổi này mà người đó trở thành chứng nhân về Chúa cho người xung quanh.
Thứ ba, “cứ ở trong Ta” mang ý nghĩa là ở trong Lời của Chúa và cầu nguyện với Ngài (câu 7). Về phương diện của Chúa thì Ngài bày tỏ cho chúng ta rằng Chúa đang hiện hữu, đang tể trị, đang ở với chúng ta qua Lời Hằng Sống của Ngài. Còn về phía chúng ta thì cần bày tỏ sự tương giao với Chúa qua lời cầu nguyện. Như Chúa đã hứa hễ chúng ta ở trong Chúa thì sự cầu nguyện của chúng ta sẽ trong ý muốn Chúa, tức là theo Lời Chúa dạy thì chắc chắn sẽ nhận được sự đáp lời. Tuy nhiên, thời điểm Chúa đáp lời theo ý Chúa chứ không phải theo ý muốn của chúng ta.
Bạn thân mến, Lời Chúa hôm nay thúc giục bạn và tôi là “cứ ở trong Ta” để kết quả thuộc linh cho Chúa và nhà Chúa, không phải là Chúa đòi hỏi chúng ta có được những việc làm nổi trội để người khác thấy được hay những kết quả hời hợt ở bên ngoài mà là sự biến đổi từ bên trong, có một mối liên hệ mật thiết với Lời Chúa thì mới có thể tương giao với Ngài theo ý muốn của Ngài, từ đó sẽ tự nhiên ra kết quả của đời sống được biến đổi không phải bằng nỗ lực của bản thân mình nữa.
Cầu nguyện
Kính lạy Chúa! Cảm tạ Chúa cho chúng con vốn như những cây nho hoang được tháp vào cây nho thật qua dòng huyết báu của Chúa Giê-xu. Cảm tạ Chúa vì Thánh Linh của Ngài đã tiếp tục nối kết chúng con để luôn được hiệp một với Chúa Giê-xu và nhận lấy sức sống phục sinh để được sống sung mãn và kết được nhiều quả cho Ngài. Nhân danh Cứu Chúa Giê-xu Christ. Amen.
TGV
Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.
Nhận xét
Đăng nhận xét