Truyền Đạo | Chúa Bày Tỏ Sự Khôn Ngoan Của Ngài

Lịch Học Các Sách Theo Các Ngày Trong Tuần

Thứ HaiThứ BaThứ TưThứ NămThứ SáuThứ Bảy
Sáng Thế KýTruyền ĐạoÊ-saiGiăngRô-maI Cô-rinh-tô

Lời ngỏ

Vào thời đại của Phao-lô, triết học Hy Lạp được bắt đầu vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên đã lên đến đỉnh cao của nó với những triết gia lỗi lạc như Socrates, Platon, Aristotle,… Người Hy Lạp và những người ngưỡng mộ sự khôn ngoan trong triết học tụ họp về thành phố Athens – thủ đô của Hy Lạp cho việc “dành thì giờ để nói và nghe những điều mới lạ” (Công vụ 17:21). Con người khát khao tìm kiếm sự khôn ngoan và hiểu biết được mọi điều không bao ngưng cạn. Nhân loại từ ngày của A-đam và Ê-va lúc nào cũng bị cám dỗ phải hiểu biết tất cả những bí ẩn của cuộc đời. Sa-lô-môn, một vị vua nổi tiếng của nước Y-sơ-ra-ên, cũng là một con người đi tìm kiếm sự khôn ngoan. Trong Sách Truyền Đạo 8:16-17, ông nói:

16 Khi tôi quyết tâm tìm hiểu sự khôn ngoan, ngày đêm không cho mắt ngơi nghỉ, suy nghiệm về công lao khó nhọc trên đời.
17 Tôi xem xét mọi công việc của Đức Chúa Trời, và nhận thấy rằng loài người không thể nào hiểu được những việc xảy ra trên đời. Dù loài người cố tâm tìm kiếm vẫn chẳng hiểu thấu được gì. Ngay cả người khôn ngoan tưởng mình hiểu biết, cũng không hiểu nổi. (KT BDM)

Giải thích

Những câu hỏi lớn của nhân loại từ xưa đến nay như: Sự sống đến từ đâu? Con người từ đâu mà đến? Nhân loại sẽ đi về đâu? Tại sao có đau khổ? Đằng sau thế giới này còn có gì? Có thiên đàng không? Có địa ngục không?… Chúng ta thấy nhân loại cố gắng trả lời bằng khoa học, bằng các cách giải thích khác nhau, nhưng dường như tất cả đều ở mức độ giả định, bởi vì có những vấn đề người ta không thể kiểm nghiệm được. Hoặc càng ngày càng có những kiểm nghiệm cho thấy những kết luận giả định trước đó là sai. Lấy một ví dụ: Năm 1859, khi quyển Nguồn Gốc Các Loài của Darwin ra đời, nó có thể được coi là một trong các ấn phẩm khoa học tiêu biểu và là tác phẩm nòng cốt của ngành sinh học tiến hóa dựa vào chọn lọc tự nhiên. Thế nhưng theo dòng thời gian sau đó còn có Định luật tạo sinh (biogenesis), việc không tìm thấy bằng chứng những dạng sống đơn giản nhờ đột biến mà tiến lên tế bào phức tạp; khám phá sự sống bùng nổ trong kỷ Cambri; việc không tìm ra được các mắt xích trung gian giữa các sinh vật song song với việc tìm thấy tính cố định, không thay đổi của sinh vật hóa thạch; việc khám phá ra thông tin trong trong chuỗi ADN,… các nhà khoa học đã lần lượt chứng minh những luận chứng của Darwin là sai trật. Sự lừa dối vĩ đại trong thuyết tiến hóa cần phải được đào thải.[1]

Từ nhận định của Sa-lô-môn, từ chuyện thuyết tiến hóa, chúng ta suy ngẫm về những câu hỏi lớn chưa có câu trả lời của con người. Tất cả những vấn đề lớn liên quan đến số phận của nhân loại, và thấy rằng chúng ta đứng trước một thách thức khi Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống.” (Giăng 14:6). Chúng ta cũng đứng trước lời khẳng định: “chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha”. Câu nói này cho thấy Đức Chúa Giê-xu chính là Đấng định đoạt tương lai cứu rỗi cho nhân loại.

Con đường cứu rỗi của Ngài là cả một nghịch lý đối với con người: Ngài dùng sứ điệp về thập tự giá để cứu người hư mất. Sứ điệp thập tự giá vẫn mãi là điều mà người thế gian của mọi thời đại xem là điên rồ. Thời của Phao-lô cũng như thời đại của chúng ta! Ngày nay con người vẫn đi tìm dấu lạ như người Do Thái khi xưa. Người ta vẫn đi tìm sự khôn ngoan như người Hy Lạp trong thời Phao-lô. Họ không hiểu nổi tại sao thập tự giá chính là phương án cứu rỗi cho loài Ngài. Bởi theo người Do Thái cái chết trên thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu là sự yếu hèn chứ không hề là dấu lạ và việc quyền năng (I Cô-rinh-tô 1:18-25). Theo người Hy Lạp chết trên thập tự giá là điều dại dột chứ chẳng phải là sự khôn ngoan.

Thế nhưng bạn ơi, Đức Chúa Trời đã dùng những nghịch lý đó để đem sự cứu rỗi đến với nhân loại. Cái chết của Con Vua Trời trên thập tự giá chính là chiếc cầu nối đem nhân loại tội lỗi đến với sự tha thứ, sự yêu thương và sự sống vĩnh hằng. Trong Đức Chúa Giê-xu có đủ mọi sự khôn ngoan và sự sống mà nhân loại hằng tìm kiếm. Có câu hỏi nào quá lớn với Ngài chăng? Tôi chắc rằng Chúa Giê-xu có thể giải đáp cho bất kỳ câu hỏi nào bạn đến thưa cùng Ngài. Bạn có tin như vậy không?

Cầu nguyện

Lạy Cha Ái Từ! Chúng con đang đứng trước thách thức có nên đặt lòng tin nơi một Đấng toàn năng, yêu thương và cứu rỗi nhân loại hay không? Anh chị em con muốn tin nhưng lòng còn ngờ vực. Xin Đức Thánh Linh hành động trong tâm anh chị em chúng con, khiến họ mở lòng và nhận được sự khôn ngoan mà Chúa dùng để cứu con người. Xin Chúa giúp anh chị em đồng bào, đồng hương chúng con chấp nhận phương án thập tự giá mà Đức Chúa Trời ban cho với tất cả những nghịch lý trong đó. Chúng con cần có đức tin, Chúa ơi, xin ban cho. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu Christ. Amen.

Ân Điển

[1] Nghiên Cứu Quốc Tế, Thuyết Tiến Hóa Darwin, Đã Đến Lúc Chấm Dứt Sự Lừa Dối Vĩ Đại, http://nghiencuuquocte.org/forums

Cảm ơn bạn đã nghe và đọc bài tĩnh nguyện này. Nếu có thắc mắc về Lời Chúa, tìm hiểu thêm về niềm tin hoặc đóng góp ý kiến cho chương trình vui lòng để lại lời nhắn bên dưới hoặc liên hệ với Ban Biên Tập, chúng tôi sẽ hồi đáp sớm nhất.
Xin vui lòng trích dẫn nguồn khi phát hành lại bài viết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Thiên | Bụi Đất & Số Phận

Ma-thi-ơ | Đức Tin Dời Núi

Thi Thiên | Những Đầy Tớ Bí Mật Của Chúa